Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông già ở 'nghĩa địa si-đa'

Hơn 10 năm gắn bó với nghĩa địa mang tên căn bệnh thế kỷ, chú vẫn tận tụy với công việc, chăm lo mồ mả những người từng bị xã hội kỳ thị.

Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng trông chú tư Nghiệp (Trần Công Nghiệp, 76 tuổi), người trực tiếp cai quản nghĩa địa Giồng Thành (phường Long Sơn, TX.Tân Châu) vẫn hoạt bát, cởi mở.

Những đám ma không… tiếng khóc

Nghĩa địa ở một khu đất trống nằm khuất sau di tích lịch sử chùa Giồng Thành, được bao bọc xung quanh toàn là đất ruộng nên ít người quan tâm.

"Hơn 10 năm trước, một Việt kiều mua đất xây nghĩa địa làm từ thiện, rồi chẳng biết cơ duyên thế nào mà người đầu tiên vào nằm ở khu nghĩa địa này lại là một thanh niên chết vì căn bệnh thế kỷ. Từ đó, nghĩa địa Giồng Thành được người dân quen gọi là nghĩa địa AIDS hay nghĩa địa si-đa" - chú tư Nghiệp kể.

Để chúng tôi được "mục sở thị" cái nghĩa địa nghe tên đã rùng mình này, chú Tư dẫn vào con đường ngoằn ngoèo, dài khoảng 100m được rải cát qua loa.

Nghĩa địa rộng 2.000m2, nằm khuất sau những rặng cây um tùm là nơi an nghỉ của hơn 400 ngôi mộ, trong đó có trên 100 mộ là người bị nhiễm HIV/AIDS.

Chú tư Nghiệp.
Chú tư Nghiệp.

Chú tư Nghiệp cho biết, nghĩa địa được thành lập năm 2003, từ đó đến khoảng 5 năm sau là giai đoạn "bùng phát" căn bệnh thế kỷ.

"Thời ấy, cứ mỗi năm là có vài chục người không may bị nhiễm căn bệnh này rồi về đây nằm" - chú Tư trầm ngâm.

Chỉ vào khu nghĩa địa, chú tư Nghiệp nhớ rành rọt từng vị trí những ngôi mộ của người chết do HIV/AIDS bởi họ có tuổi đời còn rất trẻ, phần lớn từ 18 – 30 tuổi.

Theo lời chú tư Nghiệp, họ mang bệnh vì nhiều lý do khác nhau, người thì nhiễm bệnh do nghiện ma túy, người thì chơi bời rồi bị "dính", kể cả những cô gái "bán hoa" trên đất Campuchia… cũng về đây. Nhưng đa phần vẫn là dân lao động, đi làm công rồi sa vào những cám dỗ, mang căn bệnh hồi nào không hay.

Ở đây, dễ dàng nhận biết đám ma nào là của người trót mang căn bệnh thế kỷ. Bởi, gia đình tiễn đưa người thân chỉ trong âm thầm, lặng lẽ hiếm khi có kèn, trống hay có tiếng khóc than.

"Có lẽ, gia đình họ đã quá mệt mỏi trong những ngày chăm sóc cho người thân và cũng không muốn rùm beng làm gì" - chú tư Nghiệp giải thích.

Do nghĩa địa nằm khuất phía sau khuôn viên chùa, xung quanh là những đám ruộng nên ít ai lui tới. Lâu lắm mới thấy người thân họ ghé thăm, lên chùa thắp nén nhang, chứ bình thường chẳng ai bén mảng.

Tình người của ông lão

Trên đường về, chú tư Nghiệp tâm sự: "Những ngày lễ, ngày Tết, hiếm khi gia đình của họ đến thăm mộ. Có lẽ, cái chết là sự giải thoát nên chẳng ai còn vương vấn đến những mảnh đời xấu số vì căn bệnh quái ác kia".

Nhiễm HIV sau lần vui vẻ với gái bán dâm

Gặp phụ nữ lớn tuổi đứng vẫy trên vỉa hè, P. dừng lại. Thấy người này rủ đi nhà nghỉ với giá 100.000 đồng, P. gật đầu đồng ý.

Đó là câu chuyện của những năm trước, chớ vài năm trở lại đây thì căn bệnh HIV/AIDS đã giảm đi rất nhiều. Hầu như không còn những tiếng gõ cửa xin đất chôn ban đêm, những buổi tiễn đưa chóng vánh, lặng lẽ.

"Có thêm một đám ma, có thêm một nấm mồ mà biết đâu căn bệnh AIDS đã lây lan cho biết bao người rồi. Giờ đây, tình trạng này không còn như trước, đó là niềm vui của cộng đồng" - chú tư Nghiệp nói.

Để răn dạy con cháu ở địa phương, mỗi buổi sáng ra quán cà phê gặp đám thanh niên, chú vẫn lấy những cái chết ở nghĩa địa này để làm câu chuyện khuyên bảo chúng. 

"Chừng nào còn sức thì còn gắn bó với cái nghĩa địa này. Chỉ mong những người trẻ hãy giữ lấy mình để không phải chôn thêm những nấm mồ buồn vì căn bệnh thế kỷ nữa" - chú tư Nghiệp tâm sự.

Chú tư Nghiệp có 3 người con, hiện đã có gia đình và công việc ổn định. Hàng ngày, ngoài việc trông coi khu nghĩa địa, thời gian còn lại chú đều ở chùa làm các công việc thiện nguyện. Xuất phát từ tấm lòng, chú tư Nghiệp chăm sóc các ngôi mộ rất kỹ lưỡng, chăm chút, không bỏ sót ngôi mộ nào.

Ngày cuối đời đau đớn, suy sụp của người nghiện có HIV

Bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối ở bệnh viện Nhân Ái (Bình Phước) lặng lẽ như những bóng ma. Ánh mắt họ chất chứa nỗi ám ảnh và sự đau đớn tột cùng khi sự sống chỉ còn tính bằng ngày.

http://www.baoangiang.com.vn/An-Giang-24-Gio/Phong-su-Ky-su/Ong-gia-o-nghia-ia-si-a.html

Theo Mỹ Ái/Báo An Giang

Bạn có thể quan tâm