Theo thông tin Tòa án Tối cao công bố vào hôm 30/7, Tong bị kết án 6,5 năm tù vì tội xúi giục ly khai, cùng với 8 năm tù vì tội khủng bố, hai án phạt thi hành cùng một lúc với tổng là 9 năm tù, Bloomberg đưa tin.
Luật sư bào chữa cho Tong, Clive Grossman, mong các thẩm phán khoan hồng khi cho rằng công chúng đã hiểu được mức độ nghiêm trọng của vụ án.
Cáo buộc bắt nguồn từ vụ việc xảy ra vào năm 2020 khi Tong lái xe mang biểu ngữ có nội dung “Quang phục Hong Kong: Cách mạng thời đại” và tông vào cảnh sát, khiến ba người bị thương.
Tong Ying-kit vài ngày sau khi bị bắt vào tháng 7/2020. Ảnh: AP. |
Hành động của anh diễn ra vài giờ sau khi Bắc Kinh áp dụng luật an ninh quốc gia tại Hong Kong và cảnh sát ra lệnh cấm biểu ngữ mà Tong đã sử dụng.
Tong đã bị giam giữ mà không được bảo lãnh trong một năm qua, đồng thời không nhận tội.
Theo cơ quan xử lý vấn đề an ninh quốc gia, khoảng 76 nhà hoạt động xã hội khác, từ cựu chính trị gia cho đến nhà báo, cũng đang chờ xét xử theo luật, trong đó có Joshua Wong và ông trùm truyền thông Jimmy Lai.
Ngày 30/6/2020, luật an ninh quốc gia chính thức có hiệu lực tại Hong Kong, đúng vào dịp kỷ niệm 23 năm Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc (ngày 1/7/1997). Việc Bắc Kinh xây dựng và ban hành luật đã gây ra nhiều tranh cãi.
Luật này nghiêm cấm các hành động ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với lực lượng nước ngoài. Mức án tối đa đối với những người bị kết tội là tù chung thân.
Luật này đã trở thành một trong các điểm nóng trong quan hệ Mỹ - Trung. Washington nói luật sẽ làm suy yếu đáng kể nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" và mức độ tự trị cũng như các quyền tự do của Hong Kong, một trong hai đặc khu hành chính của Trung Quốc.