Hai con gái của ông In Chung Sik mất 5 tháng để thuyết phục người cha 72 tuổi đồng ý tiêm vaccine Covid-19, theo Straits Times.
Ông In Chung Sik, người vừa tiêm mũi vaccine Pfizer thứ 2 vào ngày 21/7, ban đầu lo sợ không muốn tiêm, bởi ông bị tiểu đường và gặp vấn đề về đông máu.
“Khi đợt tiêm chủng đầu tiên được triển khai, một số người báo cáo về tác dụng phụ của vaccine và họ phải nhập viện. Nghe xong tôi cảm thấy không tự tin để đồng ý tiêm”, ông In cho biết.
Tuy nhiên, con gái đã thúc giục ông đi kiểm tra sức khỏe để đảm bảo ông có thể được tiêm phòng một cách an toàn.
“Con gái giục tôi đi tiêm phòng càng sớm càng tốt”, ông chia sẻ và cho biết bác sĩ cũng giúp tham vấn để giải quyết lo ngại của ông. “Họ bảo tôi có thể tiêm”.
Mặc dù không ghi nhận trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng trong một tháng qua, con đường mở cửa lại biên giới của Hong Kong còn đầy rẫy những khó khăn, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng - đặc biệt ở đối tượng người cao tuổi - vẫn ở mức thấp đáng kinh ngạc.
Trong số 2,9 triệu người ở Hong Kong đã tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên, chỉ có 5,4% là người từ 70 tuổi trở lên. Ảnh: AFP. |
Ngày mở cửa còn xa
Trong số 2,9 triệu người đã tiêm mũi đầu tiên bằng vaccine Sinovac hoặc Pfizer/BioNTech - hai loại vaccine duy nhất hiện có tại Hong Kong - chỉ có 4,4% ở độ tuổi 70 và 1% từ 80 tuổi trở lên.
Hôm 18/6, Patrick Nip, lãnh đạo Cơ quan Dịch vụ Dân sự Hong Kong và là người giám sát quá trình tiêm chủng Covid-19 của thành phố, cho biết chưa đến 1/4 số người trên 65 tuổi được tiêm chủng.
Kể từ khi chiến dịch tiêm chủng bắt đầu vào cuối tháng 2, 39% trong số hơn 7,5 triệu dân tại Hong Kong được chủng ngừa mũi đầu tiên, trong đó có 28% tiêm đủ hai mũi theo khuyến cáo.
Con số này thấp hơn so với một vài nơi khác như Mỹ - quốc gia có hơn một nửa dân số được tiêm chủng đầy đủ.
Ở Anh, cứ 10 người trên 18 tuổi thì có hơn 6 người đã nhận đủ mũi vaccine Covid-19. Trong khi đó, tại Trung Quốc đại lục, hơn 1,4 tỷ liều vaccine được sử dụng cho khoảng 50% dân số của đất nước 1,4 tỷ người.
Các chuyên gia y tế ở Hong Kong liên tục nhấn mạnh việc những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương được tiêm chủng là điều kiện căn bản để thành phố quyết định mở cửa lại biên giới.
Ông Leung Chi Chiu thuộc Hiệp hội Y tế Hong Kong lưu ý việc chậm tiêm chủng cho nhóm người cao tuổi sẽ tiềm ẩn rủi ro, bao gồm những đợt bùng phát quy mô nhỏ tại viện dưỡng lão hay bệnh viện, cũng như cản trở quá trình chủng ngừa.
Ông cho biết những người cao tuổi thường có nhiều bệnh lý đi kèm, tỷ lệ gặp biến chứng tim mạch đột ngột và nhiều biến chứng không mong muốn khác ở mức cao.
Các nhân viên y tế phong tỏa một khu dân cư ở khu vực Tai Po, Hong Kong tối 27/6 sau khi phát hiện một ca dương tính với Covid-19. Ảnh: SCMP. |
Phản ứng ban đầu chậm chạp
Thời gian vaccine mới được đưa vào sử dụng, thông tin về tác dụng phụ khiến nhiều người lo lắng. Vào thời điểm đó, vaccine bất hoạt vẫn chưa được chính thức phê duyệt triển khai tại Trung Quốc đại lục cho những người từ 60 tuổi trở lên, theo ông Leung.
“Rõ ràng chúng tôi thất bại trong việc giải thích những hiểu lầm ban đầu về vaccine vào thời điểm đó. Thay vào đó, chúng tôi đề xuất thực hiện các cuộc kiểm tra y tế trước khi tiêm chủng, nhưng lại không đưa ra danh sách rõ ràng các tình huống lâm sàng phải hoãn lại việc tiêm”, ông Leung nói.
Điều này có thể giải thích tại sao những người cao tuổi ở Hong Kong lại không nhiệt tình đăng ký tham gia chương trình tiêm chủng.
Ngoài ra, theo ông Leung, văn hóa lo ngại về tác dụng phụ của thuốc Tây y cũng khiến tình trạng này thêm trầm trọng.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Người cao tuổi Lam Ching Choi được cho là đã thông báo về việc chính quyền đang xem xét việc tiêm vaccine cho những người sống tại viện dưỡng lão mà không còn thành viên khác trong gia đình.
Nhóm này chiếm khoảng 40% trong số những người sống tại viện.
Một cách tiếp cận khác cũng được đưa ra. Bản hướng dẫn tiêm chủng - thuộc Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe, được sửa đổi vào tháng 6 - tuyên bố bất kỳ người cao tuổi nào đã tiêm vaccine cúm trước đây đều có thể tiêm vaccine Covid-19 một cách an toàn.
Chính phủ cũng cân nhắc việc cho phép đến trung tâm tiêm chủng mà không cần hẹn lịch, nhằm khuyến khích người cao tuổi đi tiêm và khiến việc tiêm dễ dàng hơn.
"Chúng ta cần nêu rõ trường hợp nào cần hoãn tiêm. Các chuyên gia và cộng đồng cần phối hợp để khuyến khích tất cả người cao tuổi đủ điều kiện sử dụng loại vaccine hiện có", ông Leung cho hay.