Cuộc sống đôi khi thử thách bản lĩnh của chúng ta và đẩy chúng ta đến chỗ bế tắc, đường cùng. Lloyd Bachrach biết rất rõ điều này; anh bị dị tật xương bẩm sinh khiến cho hai chân bị teo nhỏ bất thường. Các bác sĩ đã nói với bố mẹ anh rằng nên đưa anh vào sống ở trung tâm bảo trợ xã hội.
Nhưng bố mẹ anh nhất quyết đưa anh về nhà, bỏ ngoài tai những lời cảnh báo rằng anh ấy sẽ chẳng thể nào có được một cuộc sống bình thường.
Sách Để không hối tiếc - 30 cách để có một cuộc sống hạnh phúc hơn và ý nghĩa hơn. |
Bố mẹ anh tin chắc rằng “Thằng bé sẽ làm được”. Bố mẹ của Lloyd không bao bọc mà thay vào đó luôn khuyến khích anh tự mình làm mọi việc. Bác sĩ đã sửng sốt khi thấy anh học được cách di chuyển mà không hề dùng đến đôi chân.
Mặc dù bị khuyết tật nhưng anh vẫn có thể di chuyển dễ dàng, đến tuổi đi học, anh cũng đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa.
Ngay từ khi ý thức được số phận đã an bài như vậy, anh luôn giữ thái độ sống sao cho không có gì phải hối tiếc. Anh quan niệm “bạn sẽ chẳng thể nào bỏ lỡ những thứ mà bạn chưa bao giờ có”. Phương châm sống của anh là “Những gì bạn không có không quan trọng, hãy tận dụng những gì bạn có để theo đuổi mục tiêu của mình”.
Một trong những mục tiêu của Lloyd là trở thành một vận động viên điền kinh hàng đầu. Anh tập bơi để rèn luyện sức khỏe cho phần thân trên của mình và sau đó học chơi bóng chày. Mặc dù anh không thể chạy nhanh trên đôi chân teo nhỏ của mình nhưng anh đã luyện cho mình chạy quanh sân với tốc độ nhanh như chớp chỉ với đôi tay và kéo đôi chân theo sau.
Anh cũng tập thể dục dụng cụ và trở thành vận động viên thực thụ trong suốt những năm cấp 3. Đến năm cuối cấp, anh xếp thứ 5 trong giải thi đấu thể dục dụng cụ của bang.
Khi được hỏi làm thế nào mà một người khuyết tật có thể trở thành đối thủ nặng ký không thua kém gì những vận động viên bình thường khác, Lloyd trả lời: “Tôi không khuyết tật, tôi hoàn toàn bình thường theo một cách khác biệt mà thôi”.
Đỉnh cao sự nghiệp điền kinh của Lloyd là khi anh có mặt trong đội tuyển bóng chuyền của Mỹ tham gia Thế vận hội dành cho người khuyết tật năm 1996 ở Atlanta, Mỹ. Lloyd giờ đây đã kết hôn và có hai cô con gái, anh cũng là diễn giả thường xuyên diễn thuyết ở các tổ chức và trường học.
Câu chuyện đáng kinh ngạc về Lloyd là một minh chứng cho thái độ sống không hối tiếc và khả năng biến nghịch cảnh thành cơ hội.
Thay vì buồn chán hoàn cảnh, anh đã biến nó thành động lực để làm những việc mà mọi người không tin là Lloyd sẽ làm được. Câu chuyện của anh là tấm gương không chỉ cho những người khuyết tật, mà cả những người khỏe mạnh bình thường.
Chẳng hạn như ai trong chúng ta ít nhất cũng từng rơi vào hoàn cảnh mà mình cảm thấy bất lợi, hoặc chúng ta từng ganh đua xin vào một vị trí mà tất cả ứng viên khác đều có tiềm năng hơn, hoặc tham dự một lớp học mà mình thấy không phù hợp, hoặc tham gia một trận đấu mà đối thủ giỏi hơn về mọi mặt.
Lloyd Bachrach, một minh chứng cho việc biến nghịch cảnh thành cơ hội. Nguồn: apbspeakers. |
Liệu chúng ta sẽ sa lầy vào cảm giác tự ti về thực tế đang gặp bất lợi hay là chúng ta sẽ nhìn vào mặt tích cực để làm việc với tất cả khả năng của mình? Nếu bạn phải đương đầu với khó khăn, hãy nghĩ cách làm thế nào để biến nó thành cơ hội.
Hãy cân nhắc điểm mạnh của mình, từ đó nghĩ ra hướng giải quyết. Hãy nhìn vào khả năng thành công, thay vì chỉ toàn thấy thất bại.
Tin tưởng vào chính mình và tự tin làm chủ tình huống. Biến nghịch cảnh thành cơ hội và đương đầu với những thử thách phía trước.