Theo Bloomberg, do lo ngại đồng RUB mất giá sau hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây, nhiều người dân Nga quyết định xếp hàng dài tại các điểm rút tiền để tích trữ ngoại tệ.
Một số ngân hàng thậm chí chỉ chấp nhận đổi USD với tỉ giá cao hơn 1/3 so với mức đóng cửa hôm 25/2. Các chuyên gia kinh tế cho biết Ngân hàng Trung ương Nga sẽ sớm tăng lãi suất nếu đồng RUB trượt giá lên 100 RUB/USD.
Mới đây, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đồng thuận loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống nhắn tin tài chính SWIFT và đóng băng dự trữ của ngân hàng trung ương.
Bên cạnh đó, nhiều nước tại châu Âu cũng đóng cửa không phận đối với máy bay Nga. Điều này có thể gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động vận chuyển ngoại tệ vào nước này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang đối mặt với các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất đối với một nền kinh tế lớn. Do đó, thị trường có thể xuất hiện một vài biến động trong phiên mở cửa hôm nay.
Nhiều dấu hiệu cho thấy đồng RUB sẽ giảm mạnh. Tỉ giá hối đoái giữa các ngân hàng bắt đầu có sự chênh lệch từ hôm 27/2. Cụ thể, ngân hàng Alfa có tỷ giá 1 USD đổi 98,08 RUB; ngân hàng Sberbank đổi 1 USD lấy 99,49 RUB; ngân hàng VTB Group đổi 1 USD lấy 105 RUB; ngân hàng Otkritie đổi 1 USD lấy 115 RUB.
Trong khi đó, giá đồng RUB giao ngay đóng cửa ở mức 83 RUB/USD trên sàn giao dịch Moscow hôm 25/2.
Dòng người xếp hàng để rút tiền tại cây ATM của ngân hàng Alfa. Ảnh: AP. |
“Không có kịch bản tích cực nào với đồng RUB. Tôi không kỳ vọng sự can thiệp về mặt định giá sẽ hiệu quả, mọi thứ chỉ có thể thay đổi khi những vấn đề pháp lý hạ nhiệt”, Paul McNamara, nhà quản lý quỹ tại GAM Investments, cho biết.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nga thông báo tăng nguồn cung tiền mặt cho các máy ATM để đáp ứng nhu cầu cho người dân. Cơ quan này đồng thời bảo đảm nguồn cung đồng RUB “không bị gián đoạn” cho các ngân hàng khác. Song, thông báo không đề cập đến khả năng hỗ trợ ngoại tệ và vấn đề trừng phạt.
Lần cuối cùng Nga đối mặt với tình trạng cạn tiền mặt là vào năm 2014, thời điểm giá dầu lao dốc do các lệnh trừng phạt từ phương Tây tác động đến tỉ giá hối đoái. Sberbank, ngân hàng lớn nhất tại Nga, nhanh chóng cạn kiệt 1.300 tỷ RUB (16 tỷ USD) trong vòng một tuần.
“Tình hình hoàn toàn không ổn định. Các lệnh trừng phạt và hạn chế nhắm vào ngân hàng trung ương chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn. Người dân đang vội vã rút tiền khỏi ATM, nhưng không máy ATM nào có thể chịu được dòng người đua nhau rút tiền khỏi các ngân hàng bị trừng phạt”, Alexandra Suslina, chuyên gia ngân sách tại Economic Expert Group, nhận định.