Sau nhiều tuần bị bao vây và tấn công, phần lớn thành phố trên bờ biển Azov đã biến thành một vùng đất hoang. Khi những người lính Ukraine cuối cùng tại nhà máy thép Azovstal đầu hàng quân Nga, nhiều người lo lắng cho số phận của họ cũng như cho chính những người dân còn lại của thành phố, theo AFP.
Angela Kopytsa (52 tuổi), với mái tóc bạc trắng, cho biết bà không thấy tương lai của mình ở Mariupol.
Những người dân khác tại thành phố mô tả điều tương tự, nhưng cũng tin rằng họ vẫn có thể gượng dậy và tiếp tục cuộc sống.
“Không còn gì cả”
"Không việc làm, không thức ăn, không nước uống", bà Kopytsa nói và chia sẻ thêm rằng cả nhà và cuộc sống của bà đã bị "phá hủy".
Người dân của thành phố đã sống trong điều kiện không có điện kể từ đầu tháng 3.
Kopytsa bật khóc khi kể lại việc bà phải dè sẻn từng chút thức ăn trong suốt thời gian qua để chia cho con cháu, cũng như những "những đứa trẻ ở khoa sản (ở bệnh viện) đang chết vì đói".
Các tòa nhà dân cư bị hư hại ở Mariupol. Ảnh: AFP. |
“Tương lai nào cơ? Tôi không hy vọng bất cứ điều gì cả”, bà nói bằng tiếng Nga.
Elena Ilyina, từng dạy tại một trường đại học ở Mariupol, nức nở khi kể với AFP rằng căn hộ của bà đã bị phá hủy.
"Tôi không còn gì cả", người phụ nữ 55 tuổi nói và cho biết thêm rằng ngay cả bộ quần áo bà mặc trên mình cũng là của "những người đồng cảm" tặng cho.
Ilyina cho biết bà muốn quay lại cuộc sống cũ. "Tôi muốn sống trong căn hộ của mình, yên bình, đi làm và nói chuyện với các con", bà nói, giọng đứt quãng.
Ba tháng giao tranh ở Mariupol đã khiến hàng trăm nghìn người phải chạy trốn và gây ra vô số đau thương và chết chóc, và chỉ kết thúc sau khi chính quyền Kyiv ra lệnh cho quân phòng thủ ở nhà máy Azovstal ngưng chiến để bảo toàn tính mạng.
"Lực lượng đồn trú tại Mariupol đã hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu của mình", Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine. "Bộ chỉ huy quân sự đã ra lệnh cho chỉ huy các đơn vị đóng quân tại Azovstal cứu tính mạng của binh sĩ. Những người bảo vệ Mariupol là anh hùng của thời đại chúng ta".
“Chúng tôi luôn nhấn mạnh vào ba trong số những ưu tiên hàng đầu là dân thường, người bị thương và người chết", chỉ huy tiểu đoàn dẫn đầu các đơn vị vẫn còn cố thủ tại Mariupol Denys Prokopenko ngày 20/5 cho biết trong một video trên Telegram.
Ông Prokopenko cho biết các binh sĩ bị thương cũng đã nhận được sự giúp đỡ, và giờ chỉ còn lại những "anh hùng đã thiệt mạng", ông nói.
“Giờ đây, tôi hy vọng các gia đình và toàn thể người dân Ukraine sẽ sớm có thể chôn cất các binh sĩ một cách danh dự”, ông chia sẻ.
Quân đội Nga hôm 20/5 cũng tuyên bố "giải phóng hoàn toàn" nhà máy thép Azovstal và toàn bộ thành phố cảng chiến lược Mariupol.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga ngày 16/5 cho biết đã đạt thỏa thuận sơ tán binh sĩ Ukraine khỏi nhà máy thép Azovstal.
Lính Ukraine ở nhà máy thép Azovstal bị thương được quân đội Nga đưa đi sau khi đầu hàng. Ảnh: AFP. |
Trong bài phát biểu video hàng đêm, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gọi ngày 16/5 là một ngày "khó khăn". Ông cho biết quân đội đã mở chiến dịch "giải cứu binh sĩ", nói thêm "Ukraine cần những anh hùng Ukraine còn sống. Đây là nguyên tắc của chúng tôi".
Tuy nhiên, số phận của các binh sĩ Ukraine đầu hàng đến nay vẫn còn là ẩn số, khi phía Nga chưa phản hồi đề nghị trao đổi tù binh của Ukraine.
“Chúng tôi thích nghi, chúng tôi tồn tại”
Khi các nhà báo của AFP đến Mariupol trong khuôn khổ chuyến tham quan báo chí do quân đội Nga tổ chức, họ cho biết giới truyền thông quốc tế không được phép đến gần nhà máy thép Azovstal, nơi đã trở thành biểu tượng kháng chiến của người Ukraine.
Giờ đây, quân đội Nga và quân ly khai thân Nga hiện tuần tra trên các con phố.
Phó thủ tướng Nga Marat Khusnullin hôm 18/5 cho biết sẽ tài trợ cho việc tái thiết các vùng lãnh thổ ở Ukraine mà Moscow đã giành quyền kiểm soát, cũng như sửa chữa các con đường nối những khu vực đó với Nga, theo hãng thông tấn RIA.
Trong chuyến thăm của giới truyền thông, quân đội Nga cũng đưa các nhà báo tới một sở thú địa phương.
Oksana Krishtafovich (41 tuổi) từng là đầu bếp trong một nhà hàng địa phương nhưng hiện làm việc tại sở thú. Nhiệm vụ chính của cô là cho động vật ăn và vắt sữa bò.
"Nhà hàng tôi làm đã bị phá hủy. Bây giờ lũ thú là khách hàng của tôi”, cô nói trong khi mang thức ăn đến cho gấu trúc Bắc Mỹ.
Quân đội Nga trong một sở thú tại Mariupol. Ảnh: AFP. |
Cô thừa nhận thành phố “thiếu mọi thứ” nhưng tỏ ra chấp nhận thực tại. "Chúng tôi thích nghi, chúng tôi tồn tại”, cô nói.
Sergei Pugach, người đã có 30 năm làm việc tại Azovstal, hiện trở thành bảo vệ tại sở thú.
Ông cho biết kế hoạch nghỉ hưu của ông - vốn là vào cuối tháng 4 - đã bị thay đổi khi quân đội Nga đã tiến vào Ukraine hồi cuối tháng 2, và giờ ông phải tiếp tục mưu sinh ở cái tuổi đáng ra được nghỉ ngơi.
Pugach giờ đây không biết khi nào mới nhận được lương hưu nhưng ông không phàn nàn.
"Người Ukraine không lười biếng", ông nói, lưu ý rằng ngay sau khi chiến sự dừng lại, "mọi người ra khỏi các tầng hầm và tìm việc làm”. “Một số người đã có việc”, ông nói.
Trong khi đó, người giàu nhất Ukraine Rinat Akhmetov đã cam kết sẽ giúp xây dựng lại thành phố Mariupol, nơi ông sở hữu hai nhà máy thép khổng lồ mà theo ông sẽ một lần nữa cạnh tranh trên toàn cầu.
“Đối với tôi, Mariupol đã, đang và sẽ luôn là một thành phố của Ukraine", Akhmetov nói với Reuters.