Ngày 9/2, lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang cho biết đã làm rõ việc xuất hiện vài chiếc thuyền gỗ có đầu rồng trôi dưới sông Thông Hòa, xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng.
“Người dân miền Tây thường làm bè chuối và để lễ vật lên đó để cúng rồi thả trôi sông theo tín ngưỡng địa phương. Những chiếc thuyền gỗ này được gia đình có điều kiện làm thay thế bè chuối”, vị lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang chia sẻ.
Một chiếc thuyền bằng có đầu rồng tạm thời được đưa về miếu Ông Vua tại ấp Vĩnh Lập, xã Hòa Chánh. Ảnh: Thu Oanh. |
Hơn nửa tháng trước, ông Trần Thanh Phong (51 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Trung, xã Hòa Chánh) phát hiện một số đồ vật bằng gỗ trôi dưới sông Thông Hòa vào sáng 24/1. Trên thuyền có nhiều tượng gỗ, bàn, ghế, giá để gương, cột cờ và 14 tấm vải màu vàng. Sau khi vớt được thuyền gỗ, ông Phong mang đến nhà cha ruột cất giữ.
Đến chiều cùng ngày, một cán bộ địa phương phát hiện chiếc thuyền bằng gỗ tương tự. Thuyền dài hơn 11 m, rộng gần 1,7 m, trước mũi có đầu rồng trạm trổ và phía sau là đuôi rồng. Trên thuyền rồng có 7 tượng gỗ, một chiếc hộp hình chữ nhật bằng gỗ đựng nhiều gươm, dao, kiếm gỗ.
Chiếc thuyền này được cơ quan chức năng tạm thời đưa về miếu Ông Vua tại ấp Vĩnh Lập, xã Hòa Chánh.
Bà Võ Thị Tuyết Nhung, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng, cho biết chính quyền xã Hòa Chánh đang vận động ông Phong và cha ruột của ông này giao lại các đồ vật liên quan đến chiếc thuyền gỗ để đưa đến đình Nguyễn Trung Trực quản lý.
Xã Hòa Chánh (khoanh đỏ) thuộc huyện U Minh Thượng, Kiên Giang. Ảnh: Google Maps. |
Những cuốn sách hay về miền Nam
Đế quốc An Nam và người dân An Nam - bên cạnh thông tin tổng quan về địa lý, sản vật, tập quán ở nước ta hồi thế kỷ XIX, nhiều thông tin quan trọng về sông Mekong, địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là Sài Gòn xưa, được ghi chép chi tiết.
Ký họa về Đông Dương - Nam Kỳ là một bộ tranh gồm hàng trăm bức ký họa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, phản ánh trực quan, sinh động về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.