Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Người dân không dùng, Chính phủ điện tử sẽ thất bại'

“Nếu người dân không dùng, doanh nghiệp, tổ chức không dùng thì coi như Chính phủ điện tử thất bại, đầu tư là lãng phí”, Thủ tướng chia sẻ trước các bộ, ngành, địa phương.

Chủ trì Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương sáng 23/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nghe nhiều bộ, ngành, địa phương báo cáo về tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử tại các đơn vị.

Nhấn mạnh đây là vấn đề mới và khó, Thủ tướng cho rằng nếu không có quyết tâm, không dỡ bỏ nếp cũ thì khó thành công. Người đứng đầu Chính phủ quán triệt tư tưởng không bàn lùi, không để những khó khăn về tài chính, về kết nối, chia sẻ… ảnh hưởng đến việc triển khai.

Chinh phu dien tu anh 1
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VGP.

Tránh "trăm hoa đua nở"

Ghi nhận những kết quả bước đầu, Thủ tướng cho rằng chúng ta cần thẳng thắn nhìn vào các tồn tại, hạn chế.

Đó là việc số lượng dịch vụ công trực tuyến có tăng lên nhưng tỷ lệ thực hiện còn thấp, hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 khá thấp, mục tiêu đến hết năm 2019 có khoảng 30% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 khó đạt nếu không quyết liệt. Tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia làm nền tảng phát triển Chính phủ điện tử còn chậm, nhất là cơ sở dữ liệu dân cư.

Cơ quan, địa phương, cá nhân nào không làm, bàn lùi, làm chậm phải được báo cáo lên Thủ tướng để kiểm điểm, nhắc nhở.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Bên cạnh mối lo về an ninh, an toàn mạng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhắc nhở tình trạng vừa qua, việc xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử còn theo kiểu “trăm hoa đua nở”, thiếu sự lãnh đạo tập trung.

Các bộ, ngành, địa phương dùng nhiều phần mềm nền tảng, cơ sở dữ liệu khác nhau, dẫn đến nguy cơ đầu tư trùng lặp, lãng phí, không tương thích, thiếu liên thông, không đồng bộ.

Ai bàn lùi sẽ bị kiểm điểm

Từ thực tế đã nêu, Thủ tướng nhấn mạnh tầm nhìn trong xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số.

Mục tiêu của Chính phủ điện tử là cung cấp thông tin và dịch vụ công dựa trên nền tảng số tới mọi người, mọi lúc, mọi nơi; tăng cường công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng; tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định của Chính phủ.

“Nếu người dân không dùng, doanh nghiệp, tổ chức không dùng thì coi như Chính phủ điện tử thất bại, đầu tư là lãng phí”, Thủ tướng nói.

Chinh phu dien tu anh 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu báo cáo những đơn vị, cá nhân "bàn lùi" trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử để đôn đốc, kiểm điểm. Ảnh: VGP.

Nguyên tắc được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh là phải bảo đảm liên thông, không trùng lắp, có thể mở rộng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Các dự án triển khai phải đặt dưới sự bảo đảm về an ninh, an toàn mạng của một đơn vị có thẩm quyền, có trách nhiệm.

Về cách tiếp cận, cách làm Chính phủ điện tử, Thủ tướng lưu ý sử dụng hình thức đối tác công tư một cách chặt chẽ.

“Những gì đã phát triển, đang chạy tốt thì phải liên thông lại. Cái gì chưa làm thì làm theo cách mới, tức là xây dựng các nền tảng dùng chung cho các tỉnh, các bộ, ngành, tránh lãng phí, triển khai đồng bộ và nhanh theo hướng Chính phủ đầu tư hoặc thuê dịch vụ của nền tảng này”, Thủ tướng quán triệt.

Ông lưu ý cần thiết kế lại các quy trình cung cấp dịch vụ công để phù hợp, đưa lên trực tuyến, ưu tiên làm trước các dịch vụ công thiết yếu với người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, tập trung xây dựng, sớm đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia, dự kiến trong tháng 11/2019.

Chia sẻ Chính phủ điện tử là một chặng đường dài, sẽ có rủi ro trong quá trình thực hiện, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan hàng năm đánh giá các rủi ro và đề xuất giải pháp giảm thiểu rủi ro trong thực hiện.

“Cơ quan, địa phương, cá nhân nào không làm, bàn lùi, làm chậm phải được báo cáo lên Thủ tướng để kiểm điểm, nhắc nhở, đôn đốc và xử lý thì công cuộc này mới thành công”, Thủ tướng chỉ đạo.

Lãnh đạo gương mẫu dùng chữ ký số, phê duyệt văn bản điện tử

Báo cáo trước đó tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết thời gian qua việc triển khai Chính phủ điện tử đã đạt được một số kết quả tích cực.

Ông cho biết Văn phòng Chính phủ đã tổ chức khảo sát, học tập kinh nghiệm quốc tế. Đồng thời, tổ chức hội thảo và hơn 100 cuộc họp, buổi làm việc với các chuyên gia trong nước và quốc tế, trong đó có hơn 20 cuộc họp với các tổ chức quốc tế, sứ quán các nước (Australia, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, World Bank, AFD...), hơn 50 cuộc họp với các chuyên gia trong nước và quốc tế để đánh giá việc triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình để thúc đẩy việc thực hiện.

Kết quả sau 3 tháng triển khai đã cơ bản hoàn thành được 10/16 nhiệm vụ cụ thể được giao trong 6 tháng đầu năm 2019.

“Đến nay, 100% các bộ, cơ quan ngang bộ và 62/63 tỉnh, thành (còn thiếu TP.HCM) đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử”, ông Dũng thông tin.

Ngày 24/6 vừa qua, Thủ tướng đã chính thức khai trương Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) - phương thức làm việc mới của Chính phủ hướng tới Chính phủ không giấy tờ, hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả hơn.

Cũng theo người phát ngôn Chính phủ, chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử nhằm đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Song, vẫn còn nảy sinh một số bất cập trong quá trình triển khai. Đó là còn tình trạng lùi thời hạn, chưa chủ động trong thực hiện; tiến độ xây dựng một số cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin còn chậm hoặc gặp khó khăn trong việc bố trí kinh phí thực hiện, một số hệ thống đã triển khai nhưng việc khai thác, sử dụng chưa thật sự hiệu quả; vấn đề kết nối, chia sẻ dữ liệu còn rất hạn chế.

Từ đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng kiến nghị Thủ tướng, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo ưu tiên nguồn lực triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử. Đặc biệt, các lãnh đạo gương mẫu, đi đầu trong việc sử dụng chữ ký số cá nhân để phê duyệt các hồ sơ, văn bản điện tử và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng về tiến độ triển khai, chất lượng công việc.

Thủ tướng: 'Quyết tâm làm cho được Chính phủ điện tử'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quyết tâm phải làm cho được Chính phủ điện tử song, vấn đề an toàn và trách nhiệm kiểm soát phải được đặt lên hàng đầu.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm