Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: 'Quyết tâm làm cho được Chính phủ điện tử'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quyết tâm phải làm cho được Chính phủ điện tử song, vấn đề an toàn và trách nhiệm kiểm soát phải được đặt lên hàng đầu.

Sáng 23/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, cho biết đây là việc mới, việc khó, nên thường xuyên tổng kết, sơ kết rút kinh nghiệm là cần thiết.

Trước đó, ngày 7/3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. Chính phủ đã giao 83 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan. Đến nay, cơ bản các bộ, ngành, cơ quan đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 17.

Tìm cách làm tốt nhất, an toàn nhất

Tại hội nghị này, người đứng đầu Chính phủ muốn các đại biểu tập trung thảo luận về khó khăn, bất cập trong thực hiện Nghị quyết 17 để từ đó rút ra được kinh nghiệm, cách làm hay.

“Cách làm nào tốt nhất, tiết kiệm nhất, an toàn nhất, đạt kết quả tốt nhất để phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển là câu hỏi lớn đặt ra”, Thủ tướng nói.

Cùng với xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, Thủ tướng đề nghị nêu giải pháp bảo đảm sự thống nhất về cách làm, sự kết nối thống nhất, đồng bộ giữa Trung ương và địa phương.

“Nếu không, sau này chúng ta triển khai mà không kết nối được thì rất phức tạp. Mô hình khác nhau, cách làm, thiết bị khác nhau là vấn đề rất lớn”, Thủ tướng lưu ý.

Chinh phu dien tu anh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải quyết tâm làm cho được Chính phủ điện tử. Ảnh: VGP.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối trong xây dựng Chính phủ điện tử. Theo ông, vấn đề ai là người chịu trách nhiệm kiểm soát và vấn đề an toàn cần đặt lên hàng đầu, nếu không an toàn thì chưa làm.

Về nhiệm vụ những tháng cuối năm, Thủ tướng nhấn mạnh việc tập trung kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử.

Cùng với đó, xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành, cơ sở dữ liệu quốc gia, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo danh mục Thủ tướng đã ban hành và khả năng sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia...

Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần là quyết tâm làm cho được Chính phủ điện tử.

Vận hành nhiều hệ thống thành phần

Trình bày tóm tắt báo cáo tình hình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cho biết đến nay đã vận hành được một số hệ thống có ý nghĩa trong triển khai Chính phủ điện tử như: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, các nội dung lớn của Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng đang được thực hiện...

Bên cạnh đó, đã cơ bản hoàn thành nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, giải pháp xác thực tập trung và xây dựng danh mục các dịch vụ công thiết yếu cho vòng đời của một con người, doanh nghiệp để triển khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Theo ông Dũng, Cổng dịch vụ công quốc gia dự kiến đưa vào thử nghiệm trong tháng 9/2019 và vận hành chính thức trong tháng 11/2019.

Văn phòng Chính phủ cũng đang tích cực phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng.

Về phía bộ, ngành, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp cấp khoảng 1,9 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh tại 43 tỉnh, thành; cấp hơn 12 triệu căn cước công dân tại 16 địa phương và đang xây dựng phần mềm phục vụ kết nối hệ thống căn cước công dân với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ trưởng biểu quyết qua iPad, phiên họp Chính phủ diễn ra chỉ 10 phút

Lần đầu tiên áp dụng hệ thống e-Cabinet trong thảo luận, biểu quyết và lấy ý kiến, phiên họp đặc biệt do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn ra chỉ trong vòng 10 phút.



Hoài Vũ

Bạn có thể quan tâm