Người dân tại nhiều khu vực trên khắp thế giới đã chứng kiến hiện tượng siêu trăng máu xuất hiện hôm 26/5. Các nhà thiên văn học cho biết đây là hiện tượng chỉ xuất hiện một lần mỗi thập kỷ. Trong ảnh, siêu trăng máu thắp sáng thủ đô Brasília của Brazil. Ảnh: New York Times. |
Siêu trăng máu là kết quả của hiện tượng nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trăng ở gần Trái Đất nhất. Khi Mặt Trăng bắt đầu đi vào khu vực bị Trái Đất che lấp ánh sáng từ Mặt Trời, Mặt Trăng sẽ dần tối lại và ngả sang màu đỏ. Hiện tượng Mặt Trăng ngả sang màu đỏ, hay còn gọi là "trăng máu", là kết quả của khúc xạ ánh sáng qua bầu khí quyển của Trái Đất. Trong ảnh, hiện tượng siêu trăng máu quan sát tại San Diego, California. Ảnh: Reuters. |
Nguyệt thực bắt đầu lúc 8h47 GMT và đạt cực đại vào khoảng 11h18 GMT. Các chuyên gia cho biết màu đỏ của Mặt Trăng sẽ phụ thuộc vào mật độ mây và bụi có trong khí quyển Trái Đất khi hiện tượng xảy ra. Trong ảnh, người dân Hong Kong ghi lại hình ảnh nguyệt thực hôm 26/5. Ảnh: Reuters. |
Trong thời gian xuất hiện siêu trăng, Mặt Trăng cách Trái Đất khoảng 360.000 km. Tại thời điểm này, Mặt Trăng sáng hơn 30% và lớn hơn 14% so với khi ở điểm xa Trái Đất nhất - cách Trái Đất hơn 410.000 km. Trong ảnh, hiện trượng trăng máu quan sát từ Montevideo, Uruguay. Ảnh: New York Times. |
Siêu trăng và trăng máu không phải là hiện tượng quá hiếm gặp. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết hai hiện tượng này đồng thời xuất hiện là điều ít khi xảy ra. Bên cạnh đó, người dân chỉ có thể quan sát hiện tượng nếu đang ở phía ban đêm của Trái Đất. Trong ảnh, hình ảnh Mặt Trăng tại Nhà hát Opera Sydney tối 26/5. Ảnh: Reuters. |
Theo New York Times, các nhà khoa học cho biết lần tiếp theo siêu trăng và nguyệt thực toàn phần đồng thời xuất hiện sẽ vào ngày 8/10/2033. Trong ảnh, hình ảnh Mặt Trăng tại Nhà hát Opera Sydney tối 26/5. Ảnh: Reuters. |
Hiện tượng siêu trăng máu được ghi lại ở Sydney chiều 26/5. Ảnh: New York Times. |
Hiện tượng siêu trăng máu quan sát tại vòng đá Stonehenge, Amesbury, Anh hôm 26/5. Ảnh: Reuters. |