Tại kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố sáng 5/7, bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, cho biết việc lựa chọn, giới thiệu và kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND Hà Nội trong thời gian tới được người dân rất quan tâm.
Cần có giải pháp bình ổn thị trường
Thông qua kỳ họp này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đề nghị HĐND, UBND Hà Nội tham mưu với Thành ủy kiến nghị với Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ quan tâm công tác cán bộ đối với thủ đô, đặc biệt là chức danh chủ tịch UBND TP.
Đầu tháng 6, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội phân công ông Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch Thường trực UBND Hà Nội, phụ trách, điều hành hoạt động UBND thành phố sau khi ông Chu Ngọc Anh bị bãi nhiệm.
Đồng thời, với vai trò Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó bí thư Ban Cán sự đảng UBND Hà Nội, ông Sơn cũng phụ trách hoạt động của Ban Cán sự Đảng thành phố.
Bên việc kiện toàn nhân sự lãnh đạo thành phố đó, cử tri Hà Nội lo lắng tình hình chiến dịch quân sự giữa Nga và Ukraine kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu nói chung và nền kinh tế Việt Nam, Hà Nội nói riêng, ảnh hưởng đến việc phục hồi kinh tế sau khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, tại phiên khai họp sáng 5/7 của HĐND thành phố. Ảnh: N.H. |
"Tình hình giá cả thị trường tăng cao do ảnh hưởng của tăng giá xăng, dầu làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân nhất là người lao động có thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn cần có các giải pháp bình ổn thị trường", bà Hương cho biết.
Đồng thời, thành phố cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tình trạng chậm thực hiện các quy hoạch vùng, các dự án khu, cụm công nghiệp, dự án đầu tư công, dự án giảm ùn tắc giao thông, mở rộng các tuyến giao thông kết nối vùng trên địa bàn thành phố, dự án xây dựng trưởng học, bệnh viện.
Theo bà Hương, các tiêu chí trong việc xây dựng huyện trở thành quận còn bất cập, có nội dung chưa phù hợp cần có giải pháp khắc phục. Đồng thời, việc chậm sửa đổi Luật Đất đai; chính sách đền bù giải phóng mặt bằng... cũng là nội dung được người dân quan tâm.
Về giáo dục, lãnh đạo MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho rằng chất lượng dạy học online, sức khỏe học đường và tâm lý học sinh do học online kéo dài, lựa chọn sách giáo khoa, đưa môn Lịch sử là môn tự chọn cần có sự đánh giá khách quan và nghiên cứu kỹ.
Đề xuất thành phố thống nhất một bộ SGK
Đề xuất và kiến nghị các nội dung, Ban Thường trực MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đề nghị HĐND thành phố tăng cường công tác giám sát trong các lĩnh vực quy hoạch đô thị, tiến độ thực hiện dự án giao thông, ô nhiễm môi trường, các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, phòng cháy chữa cháy trong các khu chung cư cũ...
UBND Hà Nội cũng cần kiến nghị với Chính phủ sớm phê duyệt phương án di dời các cơ sở nhà máy gây ô nhiễm khỏi khu vực nội đô; công khai các cơ sở đã di dời và những cơ sở đã trả lại diện tích đất.
Bên cạnh đó, thành phố được kiến nghị tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục bệnh thành tích, tâm lý sợ thanh tra, kiểm tra trong các cơ quan.
MTTQ Việt Nam thành phố đề nghị UBND chỉ đạo Sở Xây dựng có phương án khắc phục tình trạng ngập úng tại các quận nội thành; Sở Y tế có phương án khắc phục tình trạng thiếu thiết bị, vật tư y tế ở các bệnh viện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tiêm vaccine mũi 4 và việc tiêm vaccine đối với trẻ em.
Đáng lưu ý, Sở Giáo dục và Đào tạo được đề nghị nghiên cứu quy định thống nhất một bộ sách giáo khoa dùng cho các cấp học trên địa bàn thành phố, tránh tình trạng mỗi trường, mỗi quận, huyện lựa chọn một bộ sách gây lãng phí và bức xúc trong dư luận.
Thông tin thêm tại phiên làm việc sáng nay, Chánh án TAND Hà Nội cho biết thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều vụ án hình sự, trọng điểm, nhạy cảm và phức tạp.
Trong đó, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, với nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã được TAND Hà Nội nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội thụ lý 39 vụ với tổng số 112 bị cáo bị truy tố về tội phạm tham nhũng. Trong đó thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 31 vụ với 94 bị cáo, thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 8 vụ với 18 bị cáo, giải quyết 520 vụ với 715 bị cáo.