Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Nội sẽ xây chung cư thương mại diện tích 40 m2

Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội định hướng phát triển mới 19,69 triệu m2 sàn với diện tích tối thiểu 40 m2/căn và tăng 45 m2/căn vào năm 2030.

Trong dự thảo Nghị quyết về Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 vừa trình lên HĐND Hà Nội, UBND thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người đạt 29,5 m2 sàn/người, sau đó tăng dần lên 33 m2/người ở đô thị và 28 m2/người ở nông thôn vào năm 2030.

Về nhà ở xã hội, thành phố định hướng phát triển mới khoảng 1,25 triệu m2 sàn nhà ở trong vòng 3 năm tới; tập trung đầu tư xây dựng 1-2 khu nhà ở xã hội độc lập và chuẩn bị đầu tư đối với các khu còn lại. Tỷ lệ nhà ở cho thuê mua phải đạt tối thiểu 10% diện tích nhà ở xã hội tại dự án.

Đồng thời, diện tích nhà tái định cư tăng khoảng hơn 565.000 m2 vào năm 2025. Về nhà ở thương mại, UBND Hà Nội dự kiến phát triển mới khoảng 19,69 triệu m2 sàn với diện tích tối thiểu 40 m2/căn từ nay đến năm 2025 và tăng lên 45 m2/căn trong 5 năm tiếp theo.

nha o thuong mai anh 1

Hà Nội dự kiến phát triển mới 19,69 triệu m2 sàn nhà ở thương mại giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Hồng Quang.

Ngoài ra, thành phố tiếp tục cải tạo, xây dựng lại 10 khu chung cư cũ với 6 khu có tính khả thi cao như: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D: Giảng Võ; Thành Công; Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp.

Về nhà ở riêng lẻ, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển mới 22,5 triệu m2 sàn (khoảng 4,5 triệu m2 sàn/năm) trong vòng 8 năm nữa. Địa phương cũng đặt mục tiêu hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà đơn sơ; nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 90%.

Trong dự thảo Nghị quyết, UBND Hà Nội cho biết giai đoạn 2021-2030, tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở dự kiến là 1.868 ha. Trong đó, diện tích đất xây dựng nhà ở khu vực đô thị khoảng 1.384 ha, khu vực nông thôn khoảng 484 ha.

Tổng nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn Hà Nội trong giai đoạn 2021-2025 là khoảng 437.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn xây dựng nhà ở thương mại khoảng 250.000 tỷ đồng, vốn xây dựng nhà ở riêng lẻ do dân tự xây khoảng 165.000 tỷ đồng, vốn xây dựng nhà ở xã hội là 12.500 tỷ đồng.

Với 9.500 tỷ đồng làm vốn xây dựng nhà ở tái định cư, thành phố dự kiến dành 4.200 tỷ đồng hoàn thành các dự án đang triển khai và khoảng hơn 4.860 tỷ đồng đầu tư xây mới 5 dự án. Trong số này, Hà Nội đang nghiên cứu chủ trương đầu tư công 3 dự án và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư triển khai 2 dự án còn lại.

Về giải pháp để thực hiện, UBND Hà Nội cho biết sẽ tăng cường giám sát, áp dụng chế tài để đảm bảo chủ đầu tư thực hiện đúng những cam kết, nghĩa vụ, nội dung được phê duyệt trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Đồng thời, thành phố nghiên cứu xây dựng quy định không cho phép nhà đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng (hoặc đang vi phạm mà chưa được xử lý triệt để) trong quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư được tham gia đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới trên địa bàn.

Những chủ đầu tư liên quan dự án sai phạm ở đường Lê Văn Lương

Nhiều dự án và công trình vi phạm, phá nát quy hoạch đường Lê Văn Lương, có chủ đầu tư là công ty cổ phần hoặc doanh nghiệp Nhà nước.

Hà Nội đề xuất cho xe khách, buýt thường đi vào làn riêng của BRT

Xe khách trên 24 chỗ, xe công vụ, xe cứu thương và xe buýt thường là những phương tiện được đề xuất có thể đi vào làn dành riêng cho buýt nhanh BRT.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm