Tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND Hà Nội sáng 5/7, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết tại kỳ họp thứ 3 vừa qua, Quốc hội thông qua và ban hành nghị quyết về chủ trương đầu tư đường vành đai 4 - vùng thủ đô với tỷ lệ thống nhất cao.
"Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và rất cấp bách, góp phần mở rộng không gian phát triển cho thủ đô, tạo điều kiện kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường", ông Dũng nói.
Hà Nội phân công nhiệm vụ triển khai vành đai 4
Theo Bí thư Hà Nội, vành đai 4 còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Dự án này có ý nghĩa không chỉ với Hà Nội và các tỉnh có đường vành đai đi qua mà còn thúc đẩy phát triển của các tỉnh trong vùng thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Ông Dũng cho biết Hà Nội đã họp bàn về kế hoạch triển khai dự án, thành lập ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể để đạt tiến độ từ giải phóng mặt bằng, tái định cư, thực hiện quy định hai bên tuyến đường bảo đảm phù hợp quy hoạch và khai thác được quỹ đất, kết nối giao thông...
Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND thành phố sáng 5/7. Ảnh: N.H. |
Đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, người đứng đầu Đảng bộ thành phố cho biết kinh tế của Hà Nội phục hồi mạnh mẽ và duy trì đà tăng trưởng, GRDP quý II tăng 9,49%, cao hơn 1,4 lần kịch bản đưa ra đầu năm.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt 176.900 tỷ đồng, bằng 56,8% so với dự toán, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021. Thành phố cũng đảm bảo các nhiệm vụ chi theo dự toán, nhất là các nhiệm vụ chi phòng chống dịch bệnh Covid-19, chi cho công tác an sinh xã hội.
Đồng thời, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội tăng 2,3 lần so với cùng kỳ.
Còn nhiều bất cập
Dù đạt được nhiều kết quả, Bí thư Hà Nội cho rằng nhiều tồn tại, hạn chế lâu nay ở thành phố vẫn chưa được khắc phục triệt để như ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường, nước thải, công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng được yêu cầu...
Ngoài ra, việc quản lý các công trình nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc có giá trị tại khu vực nội đô lịch sử, công tác quản lý tài sản công trên địa bàn còn nhiều bất cập. Việc sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất, nhất là các cơ sở nhà, đất của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp do Trung ương và địa phương khác quản lý vẫn còn chậm…
Tại kỳ họp này, Bí thư Đinh Tiến Dũng đề nghị đại biểu HĐND TP tập trung thảo luận, phân tích thấu đáo, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và đề xuất giải pháp hữu hiệu.
Ông Dũng nhấn mạnh thành phố cần tiếp tục triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo ông, biến chủng mới đã xuất hiện tại Việt Nam, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cho người dân. Vì vậy, thành phố cần tập trung hoàn thành tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và tăng cường tiêm mũi 3, 4 cho các đối tượng theo quy định.
Ngoài ra, người đứng đầu Đảng bộ thành phố yêu cầu tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư.
Ông Dũng nhấn mạnh việc chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao; trong đó cần khẩn trương rà soát, tổng hợp và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của thành phố để từng bước khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển.
"Thành phố cần xác định lấy nội dung này làm tiêu chí đánh giá mức độ thi đua hoàn thành nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị, cá nhân trên địa bàn", Bí thư Hà Nội chỉ đạo.