Sáng 5/7, HĐND Hà Nội khai mạc kỳ họp thứ 7 khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026. Kỳ họp diễn ra trong 3,5 ngày, bế mạc vào trưa 8/7.
Theo chương trình dự kiến, trong phiên khai mạc sáng nay, bên cạnh các báo cáo của UBND và HĐND, Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội sẽ thông báo về công tác tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và đưa ra kiến nghị.
Buổi chiều, HĐND Hà Nội thảo luận tổ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của thành phố; cùng nhiều nội dung khác.
Ngày 1/7, Thường trực HĐND Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về kỳ họp thứ 7. Ảnh: M.H. |
Trong chương trình kỳ họp kéo dài 4 ngày, HĐND Hà Nội cho biết sẽ dành một ngày (7/7) để chất vấn về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và những vấn đề dân sinh bức xúc được đại biểu và người dân quan tâm.
Do kỳ họp lần này khuyết chức danh Chủ tịch UBND thành phố, Phó chủ tịch Thường trực Lê Hồng Sơn chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, tổ chức và điều hành hoạt động liên quan đến ủy ban.
Bên cạnh đó, kỳ họp dự kiến thông qua một nghị quyết thường lệ về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu chi ngân sách 6 tháng cuối năm của Hà Nội và 13 Nghị quyết chuyên đề.
Ngoài ra, trong 6 nghị quyết quy phạm pháp luật dự kiến được thông qua, HĐND Hà Nội sẽ xem xét Nghị quyết về mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn thành phố năm học 2022-2023.
Nội dung này dự kiến được thảo luận và thông qua vào ngày làm việc thứ hai (6/7).
Tại họp báo thông tin trước kỳ họp, ông Nguyễn Ngọc Việt, Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Hà Nội, cho biết theo Nghị định 81 của Chính phủ, thành phố sẽ thực hiện lộ trình để có mức sàn và mức trần học phí từ nay đến năm 2025. Nếu không điều chỉnh trong năm nay, học phí sẽ phải tăng gấp đôi vào năm 2023.
Theo ông Việt, việc điều chỉnh mức sàn học phí được thành phố tính toán để phù hợp với mức độ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của người dân. Sắp tới, Hà Nội cũng chủ trương hỗ trợ học sinh bị ảnh hưởng sau đại dịch.
Một số nội dung đáng chú ý khác dự kiến được HĐND Hà Nội thông qua bao gồm danh mục cơ sở nhà đất di dời do không phù hợp quy hoạch, chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030...
Trước kỳ họp lần này, Thường trực HĐND Hà Nội tổng hợp 260 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Trung ương và thành phố. Nội dung kiến nghị tập trung vào lĩnh vực kinh tế, quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, giáo dục, y tế...