Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người dân đang lạc trong 'rừng' hóa chất độc hại

Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: "Người dân đang lạc lối trong khu 'rừng' hóa chất độc hại. Nếu tình trạng này không chấm dứt thì chúng ta rất cắn rứt lương tâm".

Ngày 1/4, tại Đà Nẵng diễn ra Hội nghị tổng kết công tác thanh tra chuyên ngành năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Bộ NN&PTNT.

Đại diện Bộ này cho biết thời gian qua tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi diễn biến phức tạp, đã trở thành vấn đề nổi cộm, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Sử dụng chất cấm nguy hại hơn ma túy

Hóa chất có trong thực phẩm là những chất cấm như: vàng ô, Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine. Năm 2015, thanh tra các Sở NN&PTNT kiểm tra gần 1.230 cơ sở và phát hiện 24 đơn vị vi phạm. Trong đó, 12 trong gần 650 mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính với chất cấm Salbutamol; 69/1.000 mẫu nước tiểu và 1/172 mẫu thịt nhiễm loại chất cấm này.

Lực lượng thanh tra ngoài ngành nông nghiệp cũng phát hiện 16% mẫu thịt có chất tăng trọng, tạo nạc. 7,6% số mẫu thịt bị kiểm tra có dư lượng chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép.

Chat cam trong chan nuoi anh 1
Thứ trưởng Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT thừa nhận, có rất nhiều công ty sử dụng chất vàng ô và thuốc kích thích tăng trưởng để trộn vào nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.

"Khi bị thanh tra phát hiện, lãnh đạo các doanh nghiệp đều thừa nhận có sử dụng các chất cấm. Họ lý giải, làm việc này là để phục vụ thị hiếu khách hàng và bản thân họ cũng chưa ý thức được mức độ nguy hại của các chất này đối với sức khỏe cộng đồng", ông Việt thông tin.

'Dân phó thác số phận vì thực phẩm bẩn'

"Người dân không ăn thì không thể tồn tại, còn ăn thì lại phó thác cho số phận vì thực phẩm bẩn" - đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga chua xót thừa nhận trên nghị trường.

Còn ông Tuấn lý giải, hầu hết người dân không phân biệt được đâu là chất độc hại, hóa chất nào nằm trong danh mục cấm. Trong khi đó, vì lợi nhuận trước mắt nên các doanh nghiệp đã sử dụng loại hóa chất này để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Trên thị trường có hàng chục nghìn loại hóa chất, từ thuốc thú y, bảo vệ thực vật đến thuốc tăng trọng. Doanh nghiệp luôn tìm cách quảng cáo hay tiếp thị sản phẩm, thậm chí là khuyến mãi theo kiểu bán 1, tặng 2.

"Người dân thì đâu biết loại nào được dùng, hóa chất nào bị cấm nên cứ vô tư mua về sử dụng. Một con heo nếu sử dụng thức ăn có chất cấm thì lớn rất nhanh, lại béo tốt nên người dân sẽ có lời. Nhưng khi bán ra thị trường thì những kg thịt này đang có thuốc độ, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân", ông Tuấn nói.

Chat cam trong chan nuoi anh 2
Lực lượng chức năng Đà Nẵng phát hiện nhiều măng tươi nhuộm hóa chất gây ung thư. Ảnh minh họa.

Đồng tình với nhận định trên, ông Hà Đức Trung - Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội nói rằng, hiện trên thị trường không biết đâu là thực phẩm bẩn, loại nào là thực phẩm sạch. Trong thực phẩm mà có các loại hóa chất như: vàng ô, Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine... thì mức độ nguy hại còn hơn gấp nhiều lần so với ma túy.

"Ma túy thì chỉ có ít người sử dụng, còn thực phẩm thì toàn xã hội sử dụng. Nếu không ngăn chặn kịp thời việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thì sẽ dẫn đến nguy cơ suy giảm giống nòi, tử vong và thậm chí là sự tồn vong của dân tộc", ông Trung lo lắng.

Thanh tra phải cải trang bắt quả tang thủ phạm

Ông Hà Đức Trung cho biết, thời gian qua số vụ thanh kiểm tra thì rất nhiều nhưng những vụ phát hiện sai phạm và xử lý chưa bao nhiêu. "Muốn xử lý được doanh nghiệp trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi thì phải cải trang thành người đi mua hàng, vờ ký hợp đồng mua với số lượng lớn để bắt bắt quả tang", ông Trung gợi ý.

"Vàng ô là chất sử dụng trong ngành công nghiệp nhuộm màu sợi vải, giấy. Nếu ăn phải loại hóa chất này thì con người có thể bị giảm chức năng gan, hận và thậm chí có nguy cơ ung thư", ông Tuấn lo lắng.

Theo vị này, hiện trên cả nước có ít Trung tâm kiểm nghiệm nên khi gửi mẫu đi phân tích mất hơn nửa tháng. "Vừa rồi chúng tôi gửi 9 mẫu măng đi xét nghiệm mất 15 ngày. Khi kết luận mẫu măng tươi nhuộm chất vàng ô gây ung thư được gửi về thì số hàng trên họ đã bán hết, người dân đã ăn rồi", ông Tứ nói.

Đại tá Phan Mạnh Thông - Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) nói rằng, nếu thanh tra theo cách thông thường để tìm ra doanh nghiệp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là cực khó.

"Bởi lẽ, trước khi thanh tra phải báo trước cho doanh nghiệp. Sau đó, lực lượng chức năng mới lấy mẫu đi phân tích và 7 ngày sau mới có kết quả. Khi đó, sản phẩm họ đã tiêu thụ, thậm chí tẩu tán hết rồi thì lấy cơ sở đâu để xử lý", đại tá Thông nói.

Vị này gợi ý giải pháp, Bộ NN&PTNT nên xây dựng thông tư, hoàn thiện thể chế để lực Thanh tra làm tốt nhiệm vụ. Cụ thể, trước khi đến thanh tra thì ngành nông nghiệp phải phối hợp với cảnh sát để cử người đi trinh sát thu thập chứng cứ.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Tuấn tâm tư: "Người dân đang như lạc lối trong một "rừng" hóa chất độc hại. Nếu tình trạng này không được chấm dứt thì chúng ta - những người hưởng lương từ thuế của dân sẽ rất cắn rứt lương tâm".

Ông đề nghị, lãnh đạo các Sở NN&PTNT phải kiện toàn ngay lực lượng thanh tra ở địa phương. Các địa phương phải xây dựng kế hoạch và tiến hành thường xuyên nhiều cuộc thanh tra đột xuất, phối hợp với cảnh sát để bắt quả tang các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm.

Ngành nông nghiệp các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quản lý thị trường, công an, y tế... để kiểm soát chặt chẽ các đơn vị cung ứng hóa chất, thuốc kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật... Tiếp đó là các đơn vị phải chủ động thông tin rộng rãi, "bêu tên" các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm để người dân biết và "tẩy chay" sản phẩm.

'Dân phó thác số phận vì thực phẩm bẩn'

"Người dân không ăn thì không thể tồn tại, còn ăn thì lại phó thác cho số phận vì thực phẩm bẩn" - đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga chua xót thừa nhận trên nghị trường.

Đoàn Nguyên

Bạn có thể quan tâm