Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người dân chung tay thiết lập cuộc sống mới để sớm vượt qua giãn cách

Thời điểm này với TP.HCM, việc kiểm soát dịch bệnh là quan trọng nhất. “TP.HCM ơi, mau khỏe nhé” là lời nhắn đầy yêu thương được cư dân mạng chia sẻ trong những ngày giãn cách.

Sau hơn một tháng thực hiện giãn cách xã hội, TP.HCM vẫn đối mặt với nhiều khó khăn khi các ca nhiễm liên tục tăng cao. Những chiến sĩ áo trắng tuyến đầu dốc sức chống dịch, nhiều hoạt động kinh doanh tạm hoãn, các doanh nghiệp cho người lao động làm việc từ xa, các cấp chính quyền nỗ lực giải quyết an sinh xã hội cho người dân... Tất cả cùng hướng một lòng mong dịch sớm qua đi, cuộc sống được trở lại bình thường.

Đồng lòng chống dịch

Thực hiện Chỉ thị 16, từ ngày 9/7, TP.HCM ngưng các dịch vụ không thiết yếu, tạm đóng cửa nhiều chợ truyền thống, dừng dịch vụ bán đồ ăn mang đi, dừng hoạt động xe ôm, không tụ tập trên 2 người... Thành phố chấp nhận chịu tổn thất về kinh tế và gánh nặng an sinh xã hội để mong có thể giảm ca mắc mới.

Nói về quyết định giãn cách, đại diện UBND TP.HCM cho biết đã cân nhắc từng bước, và mong có sự chia sẻ, đồng cảm, ủng hộ của người dân.

TP.HCM cần những biện pháp thực sự quyết liệt và rất mong có sự chia sẻ, đồng cảm, ủng hộ của người dân.

Một trong những lo lắng nhất của người dân thời điểm này là có đủ nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống. Để đảm bảo nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm trong những ngày giãn cách, TP.HCM cho phép lưu thông xe tải vận chuyển hàng hóa thiết yếu từ các tỉnh khác.

Trước đó, những tin nhắn hướng dẫn tiêm chủng vaccine phòng chống Covid-19 được gửi đến người dân từ Zalo của Sở Y tế TP.HCM. Trong tin nhắn cũng tích hợp nút khai báo y tế, giúp người dân chủ động sắp xếp, rút ngắn khoảng thời gian chờ, giảm tải cho các khu tiêm chủng tập trung. Từ đầu tháng 7, TP.HCM cũng triển khai lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 diện rộng để truy vết F0. Người dân được thông báo qua trang Zalo của từng phường, quận huyện.

TP.HCM gian cach xa hoi,  Zalo anh 1

Tài xế chở hàng hóa thiết yếu được kiểm tra giấy tờ trước khi vào TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn.

Những thông tin trên các phương tiện truyền thông chính thống cập nhật thường xuyên là sự nỗ lực ứng dụng công nghệ của các cấp chính quyền, giúp người dân cập nhật kịp thời thông tin về tình hình dịch bệnh và chỉ đạo mới, đồng thời an tâm ở nhà và thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội.

Thiết lập cuộc sống mới

Những thông điệp yêu thương như: "TP.HCM ơi, mau khỏe nhé", "TP.HCM mạnh mẽ lên!", "Cảm ơn y bác sĩ tuyến đầu" hay "9 triệu dân đồng lòng vì TP.HCM khỏe mạnh" được người dân chia sẻ trên mạng trong nhiều ngày qua.

Nhiều người ý thức bản thân phải thiết lập một cuộc sống mới giữa đại dịch để thích nghi và vượt qua khó khăn. Anh Nguyễn Lương Anh - kỹ sư phần mềm tại TP.HCM - tâm sự: "Tôi thấy may mắn khi còn có việc làm giữa thời dịch. Nhiều người làm kinh doanh hay đến công xưởng sản xuất đều bị ảnh hưởng do dịch bệnh".

Thay vì phàn nàn khi phải tiếp tục làm việc tại nhà dài ngày, nhiều người chọn cách thích nghi với cuộc sống mới. Những cuộc họp, gặp gỡ trực tiếp trong công việc được chuyển đổi sang hình thức trực tuyến.

TP.HCM gian cach xa hoi,  Zalo anh 4

Gọi video 100 người là tính năng trên Zalo được người dân sử dụng để họp, gặp đối tác.

Chị Lê Phan Nhật Đông - nhân viên truyền thông tại TP.HCM - cho biết giờ đây những nền tảng nhắn tin và họp trực tuyến như Zalo đang là công cụ giao tiếp chủ yếu của công ty để giải quyết công việc.

Nhiều bạn trẻ xem chuyện nhận việc trực tuyến là kỷ niệm khó quên trong đời. Có người ngày đầu tiên đi làm, không đến công ty, không biết mặt đồng nghiệp, chỉ nhận phân chia công việc qua cuộc gọi video.

Anh Lê Văn Hoàng (TP.HCM) vừa nhận việc online cho một công ty chia sẻ: "Nếu nhìn nhận khách quan, đây là dịp để mọi người thích nghi với cách làm việc mới. Trên thế giới, nhận việc và làm từ xa đã không còn xa lạ, Việt Nam vẫn chưa quen lắm. Chúng ta làm quen dần đi là vừa".

Một lòng hướng về cộng đồng

Dịch gây ngăn cách nên thường được các bạn trẻ gọi là giai đoạn dễ "get lost" (lạc lõng). Người thương yêu không thể gặp, những chuyến đi hay dự định phía trước còn dang dở.

Anh Bùi Quân (quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: "Sáng thức dậy, thấy thành viên gia đình vẫn còn an toàn, nhà ở không nằm trong khu phong tỏa là một điều may mắn. Mọi người đều tuân thủ nguyên tắc 5K, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua giai đoạn khó khăn".

Không cần thể hiện nhiều, nhưng tất cả đang cùng hướng một lòng mong dịch sớm qua đi, cuộc sống được trở lại bình thường. Nhớ nhung được khỏa lấp qua những cuộc gặp trực tuyến, dù không được ở bên cạnh nhau vẫn có thể thấy người kia đang khỏe mạnh thế nào.

TP.HCM gian cach xa hoi,  Zalo anh 5

Các y bác sĩ, lực lượng chức năng đang ngày đêm chống dịch. Ảnh: Phạm Ngôn.

Anh Nguyễn Khánh (quận 4, TP.HCM) chia sẻ: "Mẹ gọi Zalo cho tôi, nhìn tôi mẹ khóc. Mẹ nói tôi sống một mình ở TP.HCM nên mẹ lo. Nhìn mẹ rất thương, nhưng tôi không còn cách nào khác, chờ tình hình dịch ổn hơn".

Các y bác sĩ, lực lượng chức năng đang ngày đêm nỗ lực, dù có đổ mồ hôi, kiệt sức vẫn tiếp tục công tác dập dịch. Các chiến sĩ áo trắng từ địa phương khác như Hải Dương, Đà Nẵng... cũng đã vào TP.HCM chi viện.

Đầu tháng 7, Bộ Y tế gửi công văn khẩn đến sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc huy động lực lượng phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM. Ngay sau đó, có 14 tỉnh, thành sẵn sàng vào khu vực phía Nam hỗ trợ.

Khi tất cả đang gặp khó khăn, người dân TP.HCM cần cùng nhau cố gắng để hy vọng đẩy lùi dịch bệnh nhanh chóng như thông điệp mà mọi người đang gửi gắm cho nhau: "TP.HCM ơi, mau khỏe nhé!".

Giang Nhật Minh

Bình luận

Bạn có thể quan tâm