Trong dự thảo tờ trình Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa công bố, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu, từ 20 năm xuống 15 năm và hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp. Sự thay đổi này nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Ở nhiều quốc gia khác, thời gian 10 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng thường được lựa chọn làm mốc hưởng lương hưu.
Làm nhiều, hưởng nhiều
Tại Mỹ, làm đủ thời gian quy định là yêu cầu tối thiểu và quan trọng nhất để được nhận khoản hưu trí. Độ tuổi tối thiểu để nhận hỗ trợ về hưu là 62.
Sở An sinh Xã hội Mỹ định nghĩa "đủ thời gian" là có 40 đơn vị an sinh (social security credits). Mỗi đơn vị an sinh được quy đổi từ 1.470 USD thù lao công việc của một người. Mỗi người được nhận không quá 4 đơn vị an sinh/năm. Như vậy, 40 đơn vị tương đương với 10 năm làm việc.
Còn nếu tính theo thu nhập tối thiểu 7,25 USD/giờ thì người lao động cần làm 202,75 giờ để đủ 1 đơn vị an sinh. Cũng theo cách tính này, người làm việc bán thời gian với khoảng 15 giờ/tuần cũng có thể đạt đủ số giờ cần thiết để nhận lương hưu. Chính sách này còn hỗ trợ người phải chăm sóc con nhỏ, đang theo học đại học hoặc không tìm được công việc toàn thời gian.
Mức 10 năm đóng bảo hiểm được hầu hết quốc gia sử dụng để chi trả lương hưu. Ảnh minh họa: Ashleycourtcare. |
Để quản lý số đơn vị an sinh, người lao động cần truy cập vào website của Sở An sinh Xã hội. Số đơn vị đã tích lũy được không bao giờ bị mất đi dù người lao động có nghỉ việc, và sẽ tiếp tục được cập nhật khi người lao động tìm được công việc mới.
Tương tự Mỹ, Đức cũng có hệ thống an sinh xã hội chi trả theo công thức "làm nhiều hưởng nhiều" với 3 yếu tố chính. Đầu tiên là người lao động về hưu được hưởng hỗ trợ bắt đầu từ tuổi 65, bằng khoảng 70% thu nhập của họ lúc đi làm.
Thứ hai, mọi người đều phải đóng bảo hiểm xã hội, cả lao động tự do. Và mức hưu trí được hưởng phụ thuộc nhiều vào thời gian công tác. Thời gian công tác càng dài, lương hưu càng cao, nhưng tối thiểu là 5 năm làm việc. Thứ ba, số tiền đóng bảo hiểm xã hội càng lớn, mức hỗ trợ khi về hưu càng cao.
Chính sách chi trả khác biệt
Tại Hàn Quốc, chính sách an sinh xã hội luôn hướng đến số lượng người tham gia đạt đại đa số người dân với mức độ bao phủ cho cả những người không có khả năng lao động, quân nhân và người già neo đơn...
Quốc gia này hỗ trợ cho người về hưu trong suốt phần đời còn lại khi họ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, với thời gian công tác tối thiểu là 10 năm. Để đảm bảo không chỉ người đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp, quỹ bảo hiểm của Hàn Quốc sử dụng một phần lớn từ nguồn ngân sách.
Tương tự, Nhật Bản cũng lấy mốc 10 năm làm việc, đóng bảo hiểm là điều kiện cần và đủ để người dân nhận lương hưu khi về già. Mức lương hưu được quyết định theo vị trí công tác, số năm công tác và mức thu nhập. Một người có thể nhận mức lương hưu rất lớn nếu đi làm và đóng bảo hiểm đầy đủ đến 40 năm.
Độ tuổi tối thiểu nhận lương hưu ở Nhật là 62 đối với nam và 61 đối với nữ giới. Tuy nhiên, mốc này sẽ được nâng lên thành 65 tuổi đối với nam từ năm 2025 và đối với nữ vào năm 2030.
Thụy Điển chi trả chế độ hưu trí cho cả những người trước đó không có việc làm. Ảnh minh họa: Euractiv. |
Trung Quốc là một trong số những nước chọn mốc 15 năm đóng bảo hiểm đối với người nhận lương hưu. Người lao động phải đóng khoản bảo hiểm xã hội bằng khoảng 8% thu nhập/năm. Mức đóng phụ thuộc vào điều kiện sống ở từng địa phương cũng như giá cả các loại hàng hóa.
Tại Ấn Độ, số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để nhận lương hưu là 10. Người dân bắt đầu được hưởng lương hưu từ 58 tuổi. Mức lương hưu cao nhất không được vượt quá 50% thu nhập khi còn làm việc. Phần lương hưu sẽ được trích từ 8,3% nguồn bảo hiểm xã hội và 1,16% nguồn ngân sách của Chính phủ.
Trong khi các nước có quy định rõ ràng về số năm làm việc/đóng bảo hiểm tối thiểu để nhận các khoản hưu trí, Thụy Điển không hề có quy định này. Bất cứ ai sống và làm việc tại Thụy Điển đều đáp ứng điều kiện nhận lương hưu khi về già. Mức hỗ trợ hưu trí được tính dựa theo thu nhập đã đóng thuế, kể cả trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp ốm đau và trợ cấp từ bố mẹ.
Thụy Sỹ cũng không quy định số năm làm việc tối thiểu cần thiết để hưởng lương hưu. Song, quốc gia này yêu cầu người lao động phải làm việc liên tiếp trong 44 năm (sớm nhất từ năm 20 tuổi) để nhận trợ cấp hưu trí đầy đủ (full pension).
Theo đó, một người có thể nhận mức lương hưu rất cao, lên đến gần 30.800 USD/tháng nếu làm việc liên tục trong 44 năm và có mức thu nhập trung bình khoảng 95.000 USD/năm.
Bình luận