Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu

Bộ LĐTB&XH đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và hướng tới 10 năm.

Đề xuất trên được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đưa ra trong dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Dự thảo đã được gửi Chính phủ và lấy ý kiến đến ngày 16/6.

Theo Bộ LĐTB&XH, quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội từ năm 2007 đến nay bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ khiến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) trước tuổi nghỉ hưu khá lớn.

Cụ thể, theo quy định của Luật BHXH, người lao động sẽ có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí nếu tham gia BHXH tối thiểu 20 năm. Điều này dẫn đến nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu.

Trong khi đó, nhiều nước quy định thời gian tham gia BHXH 10 năm là đã đủ điều kiện hưởng lương hưu, mặc dù mức lương hưu có thể thấp nhưng vẫn tốt hơn là chuyển sang hưởng trợ cấp tuổi già hay lương hưu xã hội (tầng BHXH phổ quát) do ngân sách Nhà nước đảm bảo.

Vì vậy, Bộ LĐTB&XH đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp.

"Việc thay đổi này nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội", dự thảo sửa đổi của Bộ LĐTB&XH nêu rõ.

dong bao hiem xa hoi de huong luong huu anh 1

Bộ LĐTB&XH đề xuất rút ngắn số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và hướng tới còn 10 năm. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Bên cạnh nội dung trên, dự thảo quy định của Bộ LĐTB&XH còn đưa ra nhiều vấn đề bất cập của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành như: điều kiện hưởng BHXH một lần khá dễ dàng; diện bao phủ BHXH theo quy định của pháp luật cũng như quy mô tham gia BHXH trên thực tế còn thấp; quỹ hưu trí và tử tuất khó đảm bảo cân đối trong dài hạn...

Dựa trên những phân tích, đánh giá tác động của chính sách, Bộ LĐTB&XH đã đề xuất phương án giải quyết cho từng vấn đề bằng cách bổ sung thêm nhiều điều kiện, điều khoản trong Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Các phương án hoàn thiện chính sách được đưa ra theo quan điểm xây dựng chế độ bảo hiểm xã hội trên cơ sở kết hợp hài hoà các nguyên tắc đóng - hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững.

Đồng thời, Bộ cũng tham khảo và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia có điều kiện phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Tính đến hết tháng 12/2020, hơn 16 triệu người đã tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm khoảng 33,5% lực lượng lao động. 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 27,8% lực lượng lao động. Số thu bảo hiểm xã hội từ nguồn đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động năm 2020 là gần 260.000 tỷ đồng, tăng gần 11 lần so với năm 2007.

Ông Nguyễn Văn Hồi làm Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Đề xuất tăng 15% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội

Bộ LĐTB&XH đề xuất tăng 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2022. Số người dự kiến được điều chỉnh từ nguồn ngân sách Nhà nước là gần 897.000 người.

Mỹ Hà

Bình luận

Bạn có thể quan tâm