Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyển hồ sơ sai phạm của Đại học Tôn Đức Thắng sang cơ quan điều tra

Hồ sơ sai phạm của Đại học Tôn Đức Thắng đã được chuyển cho cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý. Việc bầu hội đồng nhà trường dự kiến diễn ra vào tháng 4.

Thông tin trên được đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ Việt Nam) cho biết tại cuộc họp báo quý I, diễn ra chiều 22/3. Tại đây, cơ quan chủ quản của trường Đại học Tôn Đức Thắng cung cấp những thông tin liên quan đến tiến trình điều tra, xử lý sai phạm, cũng như việc giải quyết khiếu nại của ông Lê Vinh Danh, nguyên hiệu trưởng nhà trường.

Theo ông Vũ Anh Đức, Trưởng ban Tổ chức Tổng LĐLĐ Việt Nam, đơn vị đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra và thanh tra xử lý, theo đề nghị của Thành ủy TP.HCM.

"Trước đó, Tổng LĐLĐ nhiều lần đốc thúc các cá nhân liên quan đến sai phạm cần khắc phục, nhưng việc này chưa có kết quả. Do đó, chúng tôi quyết định chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra", ông Đức thông tin.

Ông Đức cũng cho biết quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam khi xử lý vụ việc này là làm sao thu hồi lại các tài sản của đơn vị, tránh tối đa việc thất thoát, cũng như tránh phát sinh các vấn đề phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường.

sai pham tai truong dai hoc Ton Duc Thang anh 1

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin về việc xử lý sai phạm tại ĐH Tôn Đức Thắng, chiều 22/3. Ảnh: Mỹ Hà.

Về việc ông Danh làm đơn khiếu nại lên TAND TP.HCM, đại diện Tổng LĐLĐ cho biết chỉ nắm được thông tin này qua báo chí. Theo đó, tòa án sẽ thụ lý và xử lý độc lập đơn kiện này theo quy định của pháp luật.

"Việc giải quyết khiếu nại của ông Danh sẽ hoàn tất sau khi có kết luận cuối cùng của tòa án", ông Đức nói.

Ngoài ra, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho biết sau khi xem xét lại toàn bộ vụ việc, đánh giá các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng, cơ quan chủ quản của Đại học Tôn Đức Thắng quyết định giữ nguyên mức kỷ luật cách chức Hiệu trưởng đối với ông Lê Vinh Danh.

Thời gian tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ phối hợp với cơ quan chức năng lãnh đạo, chỉ đạo việc thành lập hội đồng nhà trường, kiện toàn các chức danh chủ chốt. Việc này được thực hiện theo quy định của pháp luật, đồng thời nhằm điều hành các hoạt động của nhà trường và giải quyết quyền lợi chính đáng của người học.

Liên quan đến việc thành lập hội đồng nhà trường ở thời điểm này trong khi chưa có Đảng ủy nhiệm kỳ mới, ông Đức cho biết nếu tình hình nhà trường vẫn hoạt động bình thường, hội đồng nhà trường đã thành lập xong muộn nhất vào ngày 15/8/2020.

"Tuy nhiên, vì nguyên nhân khách quan, lộ trình này bị kéo dài. Yêu cầu chỉ đạo, điều hành các hoạt động của nhà trường và giải quyết quyền lợi chính đáng của người học đang rất cần thành lập hội đồng trường, không thể chậm trễ hơn nữa", ông Đức nói.

Theo đó, Đảng ủy nhà trường hiện khuyết 2/11 người (trong đó có chức danh Bí thư), nhưng mọi hoạt động của Đảng ủy duy trì bình thường. Theo quy định của Đảng, việc khuyết số lượng cấp ủy nêu trên là bình thường, Đảng ủy vẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định.

Trên cơ sở này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang phối hợp với Thành ủy TP.HCM triển khai các giải pháp nhằm kiện toàn cấp ủy trong thời gian sớm nhất để tiếp tục lãnh đạo các hoạt động của nhà trường.

Dự kiến, ngày mai (23/3), Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt giới thiệu nhân sự. Đến ngày 3/4, đơn vị sẽ tổ chức Hội nghị viên chức, giảng viên, người lao động để bầu hội đồng trường.

Tháng 6/2019, lãnh đạo Đại học Tôn Đức Thắng từng gây xôn xao khi cho rằng cơ quan chủ quản là Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có nhiều chỉ đạo vi phạm quyền tự chủ của nhà trường, trái với quy định hiện hành, yêu cầu lãnh đạo trường, trước khi có quyết định quan trọng, phải thông qua cơ quan chủ quản rồi mới đưa ra hội đồng trường quyết định.

Phản hồi về vụ việc này, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng những phát ngôn của lãnh đạo ĐH Tôn Đức Thắng là "không đúng bản chất, sự thật, gây tổn hại uy tín của tổ chức Công đoàn Việt Nam".

Theo đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam, Hiệu trưởng Lê Vinh Danh có dấu hiệu lạm quyền, không chấp hành quy định của cấp có thẩm quyền.

3 tỉnh không sử dụng người lao động Hải Dương

Chủ doanh nghiệp tại Bắc Ninh, Thái Bình và Hưng Yên được yêu cầu tạm ngừng sử dụng lao động đến từ Hải Dương.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm