Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người dân Cà Mau chủ quan trước mối đe dọa của bão số 16 - Tembin

Theo dự báo, bão số 16 - Tembin sẽ trực tiếp đổ bộ vào tỉnh Cà Mau vào rạng sáng 26/12. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn thờ ơ, chủ quan trong phòng chống.

Cà Mau quyết cưỡng chế người dân thờ ơ với bão số 16 - Tembin Trường hợp người dân không chấp hành, lực lượng bộ đội, công an tỉnh Cà Mau sẽ cương quyết cưỡng chế, di dời để đảm bảo tính mạng và tài sản.

Chiều 24/12, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc phòng chống bão số 16 (Tembin) tại hai huyện Cái Nước và Phú Tân.

Ngay trong cuộc họp khẩn với sự chủ trì của Bí thư tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình sáng 24/12, đại diện các sở, ban ngành tỉnh Cà Mau đã ý kiến rằng tình hình người dân hiện chủ quan, không chấp hành chỉ đạo chủ động phòng chống bão.  

Nguoi dan tho o voi bao anh 1
Tâm bão số 16 dự kiến đổ bộ vào Cà Mau rạng sáng 26/12. Dữ liệu: NCHMF. Đồ họa: Nhân Lê.

Sự chủ quan của người dân cực kỳ nguy hiểm

Trực tiếp xuống địa bàn kiểm tra công tác phòng chống, chằng néo nhà cửa tại huyện Cái Nước chiều cùng ngày, Chủ tịch Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã thẳng thắn phê bình lãnh đạo huyện Cái Nước khi chưa thấy động thái về phòng chống bão trong người dân.

Ông Hải nói: “Tôi đi từ Cà Mau về đây hơn 30 km nhưng chỉ thấy duy nhất môt nhà chằng néo, các nhà còn lại không có động thái, cuộc sống của người dân diễn ra rất bình thường. Người dân nói rằng chỉ nghe thoáng qua tin bão chứ không biết có vô không? Tình hình như vậy là cực kỳ nguy hiểm”.  

Nguoi dan tho o voi bao anh 2
Cuộc sống của người dân huyện Cái Nước (Cà Mau) vẫn diễn ra bình thường dù đã có sự chỉ đạo di dời, chằng néo nhà cửa của UBND tỉnh từ sáng 24/12. Ảnh: Phước Tuần. 

Ngay sau khi bị phê bình, Chủ tịch huyện Cái Nước Phạm Phúc Giang thừa nhận tình hình người dân rất chủ quan và xem thường bão số 16.

“Huyện sẽ cương quyết mạnh tay di dời những hộ dân xung yếu, cửa sông, cửa biển, nhà lụp xụp đến ở những nơi kiên cố. Các xã cũng đã cử lực lượng mua dây thừng hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo chằng néo nhà cửa, đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ”, ông Giang chia sẻ.

Còn tại khu dân cư ven biển cửa sông Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân, Cà Mau) nơi tập trung trú ẩn của hơn 500 tàu cá của ngư dân huyện Phú Tân, Trần Văn Thời. Cuộc sống người dân ở đây vẫn bình thường, không nhà nào chủ động chằng cát, buộc dây mái hiên nhà.

Đại diện Đồn biên phòng Cái Đôi Vàm cho biết đến nay đã liên lạc và kêu gọi các tàu thuyền ở khu vực Cái Đôi Vàm vào bờ trú ẩn an toàn. Trước đó, 3 tàu cố tình tắt máy, chống đối lệnh vào bờ của lực lượng chức năng đã được lực lượng biên phòng động viên, phân tích để các gia đình chủ thuyền chấp nhận vào eo thuyền trú bão.

Nguoi dan tho o voi bao anh 3
Tàu cá người dân thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân, Cà Mau) trên đường vào eo neo đậu trú bão số 16 chiều 24/12. Ảnh: Phước Tuần. 

Chia sẻ với Zing.vn, ông Phạm Phúc Giang, cho biết để thay đổi thói quen của người dân rất khó, đặc biệt 2 cơn bão vừa qua không vào khu vực miền Nam nên người dân càng chủ quan. 

"Chúng tôi cố gắng phân tích, động viên, chia sẻ những thiệt hại của cơn bão Linda 20 năm trước và cơn bão số 12 vừa qua ở miền Trung để bà con cảnh tỉnh", ông nói.

Tăng cường tuyên truyền, cương quyết cưỡng chế

Theo ghi nhận của Zing.vn, tình hình cuộc sống của người dân TP Cà Mau, huyện Cái Nước, Phú Tân vẫn diễn ra bình thường. Dọc tuyến quốc lộ 1A, khu vực thị trấn Cái Nước, các xã của huyện Phú Tân hầu như rất khó bắt gặp hình ảnh người dân có biện pháp ứng phó với bão.

Chị Lê Thị Phận (thị trấn Cái Đôi Vàm, Phú Tân) cho biết đã từng trải qua cơn bão số 5 (Linda) năm 1997 nên dường như bản thân ít lo lắng hơn. Tuy nhiên khi nghe tin có bão, chị cũng động viên chồng đưa thuyền quay vào eo thuyền trú bão đảm bảo an toàn.

“Người dân nơi đây rất ít đón bão nên dường như nhà nào cũng dửng dưng, thờ ơ. Với lại cũng có nhiều nhà bằng lá đơn sơ, họ cũng chẳng biết chằng néo nhà cách nào”, chị Phận nói.

Nguoi dan tho o voi bao anh 4
Bộ đội biên phòng Đồn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân, Cà Mau) dùng thuyền máy thông báo chủ thuyền neo đậu thuyền an toàn, đưa các thuyền viên lên bờ ngay trong chiều 24/12. Ảnh: Phước Tuần. 

Chỉ đạo tại huyện Cái Nước và Phú Tân, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng bão chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Cà Mau, chỉ còn đúng hơn 1 ngày để chuẩn bị nhưng người dân còn rất thờ ơ, chủ quan.

Ông Hải yêu cầu lãnh đạo các huyện cần tăng cường thường xuyên hệ thống thông tin lưu động về đường đi, tác hại của bão số 16 để người dân phòng chống. Địa phương phải mạnh tay di dời người dân ở các cửa sông, cửa biển, nơi xung yếu đến nơi an toàn. Nếu trường hợp người dân không chấp hành, lực lượng bộ đội, công an, địa phương cương quyết cưỡng chế, di dời đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân.

Chủ tịch UBND Cà Mau lưu ý trong ngày hôm nay phải di dời đối tượng người già, trẻ em, người ốm đau trước, ngày mai tiếp tục di dời đối tượng còn lại. Đối với tàu thuyền không chấp hành lệnh vào bờ, đề nghị Bộ đội biên phòng cửa khẩu cưỡng chế, lập biên bản, xử phạt mạnh tay để răn đe.

Ông Nguyễn Tiến Hải cho biết tỉnh đã thông báo di dời dân 8.000 dân ở các vùng ven biển, nhất là người già và trẻ em đến nơi an toàn. Trong 2 ngày 25-26/12, hơn 245.000 học sinh trên toàn tỉnh sẽ nghỉ học.

Tổng số phương tiện trên toàn tỉnh hiện có 3.465 tàu/22.049 lao động. Đến 10h30 phút ngày 24/12, các đồn biên phòng trong tỉnh đã kêu gọi được 2.919 tàu/18.482 lao động vào bờ và neo đậu tại bến an toàn. Hiện còn 546 tàu/3.567 lao động đang hoạt động trên biển. Tất cả 546 tàu đang hoạt động trên biển, BĐBP đã liên lạc được và đang trên đường vào nơi tránh trú an toàn. 

Dự báo ngày 24/12 về đường đi của bão số 16 - Tembin Chiều 25/12, tâm bão nằm trên vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau. Sức gió mạnh đạt cấp 11 (115-135 km/h), giật cấp 14, sóng biển cao 7-9 m.
Làm gì trước khi bão đến? Bạn nên gia cố nhà cửa, xem lại dự trữ nước, lương thực để chuẩn bị bão đến.

Tâm bão số 16 - Tembin đổ bộ đảo Trường Sa với sức gió cấp 12

Tối 24/12, tâm bão hoạt động ngay trên đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15.






Phước Tuần

Bạn có thể quan tâm