Sáng 24/12, Tỉnh ủy Cà Mau họp khẩn nghe báo cáo tình hình công tác chuẩn bị phòng chống bão số 16 (Tembin), thống nhất phương án triển khai phòng chống khẩn cấp trên địa bàn các huyện.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng ở thời điểm này là thông báo tất cả tàu thuyền đang còn trên biển khẩn trương vào bờ. Chính quyền các huyện cương quyết di dời người dân ở các điểm xung yếu, cửa sông, cửa biển, nhà đơn sơ đến nơi an toàn ngay trong sáng 24/12.
Bí thư Dương Thanh Bình chỉ đạo tại cuộc họp sáng 24/12. Ảnh: Phước Tuần. |
“Chúng ta vẫn còn nhớ rất rõ những thiệt hại của cơn bão số 5 (Linda) năm 1997 và mới đây nhất là cơn bão số 12 ở miền Trung. Vì thế công việc quan trọng nhất là tuyên truyền đến người dân, không để người dân chủ quan”, ông Hải nói.
Chỉ đạo tại buổi họp khẩn, ông Dương Thanh Bình, Bí thư tỉnh ủy Cà Mau nhận định đây là cơn bão nguy hiểm, phức tạp và chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Cà Mau. Ông Bình chỉ đạo, ngày 24 và 25/12 phải chỉ đạo thu hoạch các mô hình sản xuất kinh tế, cái nào thu hoạch được thì làm ngay, tránh thiệt hại.
Sở Giáo dục và Đào tạo cho học sinh nghỉ học từ sáng 25/12 cho đến hết bão. Công nhân làm việc tại các nhà máy xí nghiệp tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước trên toàn tỉnh phải nghỉ làm việc từ ngày 25, chỉ để lại 1 số bộ phận chuyên môn để coi nhà máy, ứng cứu kịp thời khi bão đổ bộ gây thiệt hại các nhà máy xí nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau lưu ý các huyện, sở ban ngành cương quyết cưỡng chế người dân ở các điểm xung yếu, cửa sông, cửa biển đến nơi an toàn. Ảnh: Phước Tuần. |
Các xã, huyện triển khai loa phát thanh lưu động chạy đi tuyên truyền các ghe thuyền làm ăn trên sông phải lên bờ tránh trú bão. Các trạm y tế các xã, bệnh viện kiểm tra ngay khâu đảm bão an toàn tại cơ sở của mình; các nhà máy xí nghiệp cũng phải thực hiện kế hoạch phòng chống.
Bí thư Cà Mau lưu ý các sở ngành chỉ đạo các nhà mạng, ngành điện kiểm tra hệ thống hạ tầng đảm bảo thông tin liên lạc, nguồn điện; các đơn vị cứu hộ kiểm tra, rà soát lại các phương tiện cứu hộ luôn sẵn sàng ứng cứu khi bão đỗ bộ.
Đặc biệt công tác cứu hộ trọng điểm tại cửa biển Sông Đốc ở huyện Trần Văn Thời; cảng Năm Căn ở huyện Năm Căn phải đảm bảo lực lượng cứu hộ túc trực 24/24h để sẵn sàng ứng cứu người dân khi có sự cố xảy ra.
Chỉ đạo ngành y tế sẵn sàng ứng trực, các cơ sở y tế từ tỉnh đến phải đảm bảo y bác sĩ, đảm bảo thuốc men, thành lập tổ y tế cơ động sẵn sàng đến các nơi có người cần ứng cứu. Lực lượng an ninh phải đảm bảo lực lượng đảm bảo trật tự trước, trong và sau bão trên toàn địa bàn tỉnh.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, qua thống kê sơ bộ cho thấy, hiện toàn tỉnh có khoảng 31.876 hộ dân thuộc diện phải di dời, sơ tán nếu bão vào bờ như dự báo.
Dự báo đường đi của bão Tembin. Đồ họa: Nhân Lê. |
Hiện số phương tiện hiện hoạt động trên biển là rất lớn. Theo thống kê, vẫn còn 943 tàu với 7.813 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, có 394 tàu/4.452 lao động hoạt động xa bờ; hoạt động gần bờ 549 tàu. Số tàu đang neo đậu tại bến là 2.522 tàu.
Sáng 24/12, tại hội nghị ứng phó với bão Tembin do Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết khoảng 22h ngày 23/12, bão Tembin đi vào khu vực Biển Đông. Bão đang mạnh cấp 12 (115-135 km/h), giật cấp 15 và có xu thế mạnh thêm.
Mô hình dự báo bão của cơ quan khí tượng Hong Kong cho thấy bão Tembin tăng cấp 13 khi vào đảo Trường Sa lớn, cấp độ giảm bão không nhanh. “So với dự báo ngày 23/12, bão đang lệch hơn về phía nam, các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau vẫn đang nằm trong vùng ảnh hưởng của bão”, ông Cường nhấn mạnh.