Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tâm bão số 16 - Tembin đổ bộ đảo Trường Sa với sức gió cấp 12

Tối 24/12, tâm bão hoạt động ngay trên đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15.

Làm gì trước khi bão đến? Bạn nên gia cố nhà cửa, xem lại dự trữ nước, lương thực để chuẩn bị bão đến.

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 16, ở quần đảo Trường Sa đang có mưa bão, vị trí tâm bão lúc 20h ở ngay trên đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15.

Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ nhanh 20-25km/h. Đêm nay bão số 16 duy trì sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15 với sóng biển cao 10 m trên khu vực đảo Trường Sa và Huyền Trân. Sóng biển cao 10 m, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng trên quần đảo. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão ở huyện đảo Trường Sa cấp 4 (rủi ro thiên tai rất lớn). 

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/h). Đến 19h ngày 25/12, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/h), giật cấp 14, sóng biển cao từ 6-8 m.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh do bão cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 6,0 đến 11,0 độ Vĩ Bắc. Từ trưa mai (25/12), vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, giật cấp 14. Cấp độ rủi ro thiên tai (bao gồm cả huyện đảo Côn Đảo): cấp 4.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h), khoảng tối và đêm mai bão số 16 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau với sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 13. 

Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 150 km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 50 km tính từ vùng tâm bão.

Ven biển các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau có khả năng nước biển dâng do bão từ 0,5-1,0m.

Trên đất liền các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đều nguy cơ có gió mạnh cấp 10, giật cấp 13. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.

Trên đất liền các khu vực khác thuộc Nam Bộ có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Sóng biển cao 10 m ập vào Trường Sa

Bao so 16 vao Nam Bo anh 1
Đưa ngư dân vào đảo Song Tử Tây tránh, trú bão số 16. Ảnh: Đào Phương Chi.

Trao đổi với Zing.vn chiều 24/12, ông Bùi Đình Dương, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa (Khánh Hòa) cho biết lúc 17h bão đổ bộ vào quần đảo Trường Sa. Sau khi đổ bộ, sóng biển tại các đảo Núi Le, An Bang, Tốc Tân, Phan Vinh, Trường Sa cao hơn 10 m.

"Bão vào, trời tối đen, mưa lớn, nhưng do chuẩn bị kỹ từ trước chúng tôi đã vào trú tránh an toàn, cùng với các ngư dân. Sau khi bão vào, một số cậy xanh trên đảo Trường Sa bị gãy đổ. Chưa có thiệt hại lớn về cơ sở vật chất", ông Bùi Đình Dương, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa thông tin.

Trước đó, lúc 16h cùng ngày một số điểm đảo bắt đầu có mưa, nhưng không lớn. Tuy nhiên, sóng biển và gió thì rất mạnh. 

“Thời điểm này, tại các đảo Núi Le, Tốc Tan, Phan Vinh, Tiên Nữ đã có gió giật cấp 11, 12, sóng biển cao 8 đến 10 m. Tại thị trấn Trường Sa, gió ghi nhận cấp 7, 8. Ngư dân tại các đảo Song Tử Tây, Đá Tây, Sinh Tồn, Núi Le đã được các cán bộ chiến sĩ trên đảo đưa vào trú, tránh an toàn. Tàu bè tính đến thời điểm này chưa có thiệt hại gì”, ông Dương thông tin.

Bao so 16 vao Nam Bo anh 2
Cây đổ tại đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Đào Phương Chi.

“Hiện mưa chưa lớn, chủ yếu là gió mạnh. Hiện chỉ còn duy nhất đảo An Bang là điểm gần tâm bão số 16 nhất chưa có thông báo gì. Chúng tôi đang cố gắng liên lạc để nắm tình hình”, ông Bùi Đình Dương cho biết.

Trạm trưởng Trần Văn Khánh (Hải đăng Trường Sa lớn) lúc 17h15 cho biết mưa gió trên đảo Trường Sa vẫn tiếp tục tăng. Gió có thể đạt cấp 10, giật cấp 11 và có thể mạnh hơn nữa. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị ứng phó bão trên đảo diễn ra chu đáo.

Hiện, trên âu tàu Trường Sa Lớn có ba tàu cá và 2 tàu chở nguyên vật liệu trú bão. Ngoài ra còn một số sà lan. Một số người đã lên đảo tránh bão, còn một số khác chịu trách nhiệm ở lại tàu, thuyền để chằng chống.

Trạm trưởng Khánh cho biết, hiện tại chưa biết thiệt hại gió mưa gió gây ra. Cơn bão số 15 trước đó có làm gãy đổ một số cây.

“Hiện chưa tính đếm được số cây cối bị giật ngã bên ngoài”, ông Khánh nói.

Chúng tôi cũng cố gắng liên lạc các điểm đảo khác nhưng hiện không thể kết nối.

Trước đó, từ trưa 24/12, ông Bùi Đình Dương cho biết do ảnh hưởng của bão số 16 - Tembin, khu vực biển thuộc quần đảo Trường Sa đã có gió mạnh.

Ngay khi có thông báo bão, hàng trăm ngư dân dưới sự chỉ huy, giúp đỡ của các cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa đã vào tránh trú bão an toàn.

Theo ông Dương, tại đảo Song Tử Tây, tính đến 8h ngày 24/12, đã có 14 tàu cá với 100 ngư dân các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi vào âu trú bão an toàn. Đảo đã hỗ trợ 5 bộ đồ áo, 50 ngày ăn, 5 khối nước ngọt, 50 kg rau xanh các loại, thăm khám sức khỏe và cấp thuốc cho bà con.

Tại đảo Đá Tây, hiện đã có 20 tàu cá với hơn 133 ngư dân các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hòa vào tránh trú bão. Quân y của đảo đã thăm khám, cấp thuốc, đồng thời hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết cho ngư dân.

Bao so 16 vao Nam Bo anh 3
Hướng di chuyển của bão số 16. Dữ liệu: NCHMF. Đồ hoạ: Lê Nhân.

Còn tại đảo Sinh Tồn, 8 tàu của các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, với hơn 97 ngư dân đang tránh trú bão số 16. Sau vào đảo, các thuyền viên đã được hướng dẫn neo đậu tàu trong âu bão đảm bảo an toàn. Tại đảo Trường Sa cũng có 3 tàu cá và 27 ngư dân các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và tỉnh Khánh Hòa tránh trú.

“Hiện tại, các đảo tích cực chuẩn bị, tiếp tục bám sát mọi diễn biến của bão số 16 để có những sự hướng dẫn, giúp đỡ thiết thực cho bà con ngư dân”, ông Dương thông tin thêm.

Bão có thể giật cấp 13 lúc đổ bộ đất liền

Trưa 25/12, tâm bão dự kiến cách Côn Đảo 140 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ở cấp 11-12 (100-135 km/h), giật cấp 15, sóng biển cao từ 8-10 m.

Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200 km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 100 km tính từ vùng tâm bão.

Bao so 16 vao Nam Bo anh 4
Ảnh vệ tinh lúc 16h ngày 24/12 cho thấy vùng tâm bão đang nằm ở quần đảo Trường Sa. Ảnh: NCHMF.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25 km/h), đi vào đất liền các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau với sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 13.

Trên đất liền các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đều nguy cơ có gió mạnh cấp 10, giật cấp 13.

Cơ quan khí tượng cảnh báo trong ngày và đêm mai (25/12), do ảnh hưởng của bão số 16, ở Nam Bộ có mưa to. Từ đêm 25/12, các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài 2-3 ngày. Từ đêm 26/12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.

Côn Đảo lên kế hoạch di tản 1.800 dân đến nơi tránh bão

Ngày 24/12, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức triển khai các phương án phòng chống bão Tembin.

Tại khu vực Cảng Bến Đầm, lực lượng chức năng vận động ngư dân lên bờ tránh bão, neo đậu tàu thuyền vào vị trí an toàn để tránh thiệt hại.

Bao so 16 vao Nam Bo anh 5
Tàu thuyền được chuyển lên bờ tránh bão. Ảnh: G.N.

Trong ngày, khu vực Cảng Bến Đầm tiếp nhận 210 tàu thuyền với 1.680 ngư dân vào trú bão.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Côn Đảo, cơ quan này dự kiến di tản khoảng 1.800 người dân ở 10 khu dân cư của đảo đến nơi an toàn. Hướng dẫn người dân chằng néo, che chắn nhà cửa để tránh thiệt hại.

Trong khi đó, các lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện đã chuẩn bị phương tiện và sẵn sàng triển khai lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi tình huống xấu xảy ra. Các cơ quan, khu dân cư trên địa bàn huyện đảo cũng chủ động phương tiện, lực lượng để ứng phó bão.

Ngoài đảm bảo phương tiện ôtô, ca nô… lực lượng chức năng cũng chuẩn bị thức ăn dự trữ, nước uống và các loại thuốc chữa bệnh.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh, Phòng GD-ĐT huyện Côn Đảo cho học sinh các cấp nghỉ học từ ngày 25/12 đến khi có thông báo hết bão.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Côn Đảo, từ 8h sáng 25/12, chợ Côn Đảo tạm ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn. 

Bao so 16 vao Nam Bo anh 6
Huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: Google Maps.
Cần làm gì khi bão đổ bộ? Khi bão đổ bộ, bạn nên ở nhà, hoãn các chuyến du lịch và theo dõi thông tin trên đài phát thanh, báo chí.

Bến Tre sẽ sơ tán 20.000 dân tránh bão số 16 - Tembin

Theo kế hoạch, đến trưa 25/12, tỉnh Bến Tre sẽ sơ tán 20.000 dân tại huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Đây là 3 huyện ven biển của Bến Tre, chịu ảnh hưởng nặng nếu bão đổ bộ.

An Bình - Minh Hậu - Hà Hương - Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm