Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết sáng 24/12, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu cùng các sở, ngành họp khẩn để ứng phó với bão số 16 (Tembin). Trưa cùng ngày, Tỉnh ủy Bạc Liêu tiếp tục họp để phân công từng thành viên trong Ban Thường vụ đi xuống các địa phương ven biển (TP Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, Đông Hải) để chỉ đạo công tác phòng chống bão.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, địa phương này còn 221 tàu hoạt động xa bờ với 1.625 thuyền viên còn ngoài khơi. Nếu bão đổ bộ vào đất liền, Bạc Liêu phải sơ tán 365.755 người ra khỏi 85.831 căn hộ để đến nơi trú, tránh bão an toàn.
Hiện, Bạc Liêu đã huy động 24.524 phương tiện và 12.160 người phục vụ cho việc sơ tán dân.
Người dân đảo Phú Quý dùng đất, cát chắn sóng và thủy triều dâng cao hôm 21/12. Ảnh: Trần Văn Thơm. |
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện cho biết học sinh phổ thông ở địa phương này cơ bản đã thi xong học kỳ 1. Để đảm bảo an toàn cho các em, UBND tỉnh có kế hoạch cho học sinh nghỉ học từ sáng 25/12 đến khi hết bão.
"Tôi đã ký công văn về việc cho các em nghỉ học đến hết bão. Các mạng điện thoại cũng được chỉ đạo nhắn tin cho tất cả các thuê bao di động với nội dung bão số 16 có thể đổ bộ để mọi người có cách phòng chống", ông Chuyện nói với Zing.vn.
Về kế hoạch sơ tán dân, Sóc Trăng dự kiến đưa trên 26.400 người đến nơi an toàn. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, chiều 24/12, những nơi chọn để người dân tránh bão sẽ được ngành y tế phun hóa chất khử trùng và dọn dẹp vệ sinh.
Hiện, tàu thuyền đánh bắt ngoài khơi ở tỉnh này đã vào bờ hoặc tìm nơi tránh, trú bão; 10 chiếc còn lại đang trên đường vào bờ. Tại Côn Đảo, Sóc Trăng có 167 phương tiện vào neo đậu với 816 thuyền viên.
Cảnh yên bình ở cửa biển Khánh Hội, Cà Mau vào trưa 24/12. Ảnh: Thúy Diễm. |
Theo ghi nhận của Zing.vn, đến 12h ngày 24/12, tại khu vực biển Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Gành Hào (Bạc Liêu), Rạch Gốc, Sông Đốc, Khánh Hội (Cà Mau) thời tiết nắng ấm. Sinh hoạt của cư dân các địa phương này đang diễn ra bình thường.
Tại Trà Vinh, theo chỉ đạo của công an tỉnh này thì công an các huyện, thị xã trực chiến 24/24h, phối hợp với các ngành chức năng, đảm bảo tốt công tác ứng phó với tình hình bão.
"Công an các xã đã kiểm tra các khu vực xung yếu, ngoài đê và vận động, sơ tán người già, trẻ em các hộ ven biển đến nơi an toàn", lãnh đạo Công an huyện ven biển Duyên Hải (Trà Vinh) nói.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Trà Vinh Trần Trung Hiền thì tại cảng cá Định An đã có 203 tàu cá của Trà Vinh và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Bến Tre... vào trú bão.
Đại tá Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang nói rằng đã có 200 cán bộ chiến sĩ được tăng cường xuống các huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông và thị xã Gò Công để hỗ trợ người dân chằng néo nhà cửa, đắp bao cát, bảo vệ tài sản. Còn Bộ đội Biên phòng Tiền Giang đã kêu gọi tất cả người giữ nghêu và đóng đáy sông Cầu (huyện Gò Công Đông) vào bờ an toàn.
Theo lãnh đạo UBND huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang), trường hợp bão có sức gió mạnh nhất dưới cấp 10 thì tiến hành tổ chức sơ tán trên 10.500 người (4.443 hộ) điểm đến 331 điểm tránh, trú bão. Đối với bão trên cấp 10, huyện sơ tán dân trong huyện trên 33.789 người, sơ tán sang huyện khác trên 10.000 người.
Còn tại huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), cơ quan chức năng đã kêu gọi 300 tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản vào bờ, 388 tàu còn đang hoạt động ngoài biển đã liên lạc vào nơi tránh trú an toàn.
Tại Khánh Hòa, trưa 24/12, ông Bùi Đình Dương, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa cho biết do ảnh hưởng của bão số 16 - Tembin, hiện khu vực biển thuộc quần đảo Trường Sa đang có gió rất mạnh.
Tàu cá vào tránh trú bão số 16 - Tembin an toàn. Ảnh: Đào Phương Chi. |
Ngay khi có thông báo bão, hàng trăm ngư dân dưới sự chỉ huy, giúp đỡ của các cán bộ, chiến sỹ và các lực lượng làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa đã vào tránh trú bão an toàn.
Theo ông Dương, tại đảo Song Tử Tây, tính đến 8h ngày 24/12, đã có 14 tàu cá với 100 ngư dân các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi vào âu trú bão an toàn. Đảo đã hỗ trợ 5 bộ đồ áo, 50 ngày ăn, 5 khối nước ngọt, 50 kg rau xanh các loại, thăm khám sức khỏe và cấp thuốc cho bà con.
Tại đảo Đá Tây, hiện đã có 20 tàu cá với hơn 133 ngư dân các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hòa vào tránh trú bão. Quân y của đảo đã thăm khám, cấp thuốc, đồng thời hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết cho ngư dân.
Còn tại đảo Sinh Tồn, hiện có 8 tàu của các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, với hơn 97 ngư dân đang tránh trú bão số 16. Sau vào đảo, các thuyền viên đã được hướng dẫn neo đậu tàu trong âu bão đảm bảo an toàn. Tại đảo Trường Sa cũng có 3 tàu cá và 27 ngư dân các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và tỉnh Khánh Hòa tránh trú.
“Hiện tại, các đảo đang tích cực chuẩn bị, tiếp tục bám sát mọi diễn biến của bão số 16 để có những sự hướng dẫn, giúp đỡ thiết thực cho bà con ngư dân”, ông Dương thông tin thêm.
Trước đó vài ngày, đảo Phú Quý (Bình Thuận) đã chịu ảnh hưởng của bão.
Ông Nguyễn Văn Linh, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý thông tin do ảnh hưởng bởi cơn bão, tối 23/12, toàn huyện đang có gió giật mạnh cấp 8-9.
Đợt gió mạnh khiến nước biển dâng cao khiến 7 bè nuôi thủy hải sản của người dân huyện đảo bị cuốn trôi hoàn toàn. Nhiều lồng bè bị sóng đánh gãy, sập, trôi hoặc rách lưới khiến các loại thủy sản thoát ra ngoài.
Anh Tuấn, phụ trách hải đăng Hòn Hải - nơi cách Phú Quý khoảng 65 km, khẳng định kể từ khi cơn bão Tembin hình thành, cán bộ ở ngọn hải đăng Hòn Hải vẫn đang tiếp tục làm nhiệm vụ hỗ trợ cho các hoa tiêu trên biển định hướng và tìm đường cập bến. Tuy nhiên thời điểm này tàu bè không thể cập bến. Cơn bão cũng khiến việc tiếp tế thực phẩm từ vài ngày nay bị ảnh hưởng.
Hiện tại, UBND huyện Phú Quý đã chỉ đạo hỗ trợ thu gom các lồng bè của bà con bị cuốn trôi, hỗ trợ các hộ dân sống ven biển gia cố lại nhà cửa. Ngoài ra, cấm tuyệt đối tàu thuyền không được ra khơi, yêu cầu người dân không ở lại trên lồng bè vào buổi tối.
Một bè cá bị cuốn trôi hoàn toàn. Ảnh chụp hôm 21/12: Nguyễn Văn Linh. |
Ông Huỳnh Văn Út, Phó giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực IV (Cục đường thủy nội địa Việt Nam) cho biết đơn vị đã có văn bản chỉ đạo 16 đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc tại các tỉnh, thành miền Tây chủ động ứng phó đối với bão.
Khuyến cáo, hướng dẫn chủ phương tiện neo đậu tại những nơi an toàn. Không cấp giấy phép rời cảng, bến đối với những phương tiện hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa đang xảy ra bão. Đình chỉ hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan đình chỉ hoạt động của cảng, bến, phương tiện thủy nội địa trong khu vực có dự báo bão đổ bộ...
Sáng 24/12, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh ký có công điện khẩn, chỉ đạo ngành giáo dục cho học sinh nghỉ học để tránh bão vào 25-26/12. Tiền Giang và Bến Tre cũng thông báo nghỉ học hai ngày này.