Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người dân Anh vào thế khó vì lãi vay tăng cao

Việc lãi suất tăng cao đang khiến nhiều người dân Anh rơi vào cảnh chật vật. Tình hình được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn hơn nữa trong tương lai.

Lãi suất ngân hàng có khả năng sẽ tiếp tục được BoE nâng lên nhằm kiềm chế lạm phát. Ảnh: Bloomberg.

Theo CNBC, nhiều người dân Anh đang rơi vào thế khó khi chi phí vay ở mức cao. Số liệu mới từ Công ty Moneyfacts cho thấy lãi suất thế chấp cố định có thời hạn 2 năm đối với các khoản vay mua nhà đã tăng từ mức 5,98% lên 6,01%, mức cao nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.

Lần gần đây nhất Moneyfacts ghi nhận lãi suất cho vay chạm ngưỡng trên 6% là vào tháng 11/2008. Số lượng nhà ở được thế chấp đi vay đã giảm từ 5.264 căn hôm 1/5 xuống còn 4.683 ở thời điểm hiện tại.

Ông Martin Stewart, Giám đốc London Money, cho biết 9 tháng qua là “cơn địa chấn” đối với lĩnh vực thế chấp và bất động sản. Các ảnh hưởng này “ngang tầm với cuộc khủng hoảng tài chính”.

“Hiện tại, gần như lãi suất của mọi khoản vay đều bắt đầu từ con số 5%. Cách đây 2 năm trước, mọi thứ chỉ bắt đầu bằng số 1 hoặc thấp hơn”, ông Martin Stewart chia sẻ.

Khi được hỏi về việc hỗ trợ cho các hộ gia đình đang gặp khó khăn, Thủ tướng Anh Rishi Sunak chỉ cho biết chính phủ đang ưu tiên cắt giảm một nửa tỷ lệ lạm phát và mục tiêu đó cần được “tuân thủ theo đúng kế hoạch”.

Các ngân hàng bao gồm HSBC và Santander đã tạm thời tạm rút lại các thỏa thuận thế chấp cho người vay mới trong bối cảnh thị trường gặp nhiều bất ổn.

Báo cáo thị trường lao động gần đây cho thấy tiền lương của người dân Anh đang tăng. Các chuyên gia cho rằng đây có thể là căn cứ để Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) thực hiện tăng lãi suất lần thứ 13 liên tiếp.

Trong khi đó, lạm phát của Anh vẫn ở mức 8,7%, thuộc hàng cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng lạm phát có thể tăng cao hơn nữa trong thời gian tới do các biến động trong giá cả và đà tăng lương của người lao động.

“Tôi nghĩ điều tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng thế chấp đang ở phía trước chúng ta”, ông Viraj Patel, chuyên gia cấp cao tại Vanda Research, bình luận. Ông lưu ý rằng hơn 50% số hộ gia đình đang vay tiền với lãi suất cao. Điều này sẽ gây thêm áp lực cho thị trường nhà ở và nền kinh tế vĩ mô.

“BoE và các thị trường cần nhận thức được độ trễ dài và sự biến động của chính sách tiền tệ. Những tác động của các lần tăng lãi suất trước đây vẫn chưa phát huy hết tác dụng”, ông Viraj Patel chia sẻ thêm.

Vào tháng 1, Cơ quan Quản lý tài chính của Anh đã cảnh báo rằng hơn 750.000 hộ gia đình có nguy cơ vỡ nợ khi lãi suất tăng.

Ông Martin Stewart của London Money cho biết những người đi vay tiền đã tìm gặp các cố vấn tài chính sớm hơn bình thường tới một năm. Đa phần họ đều có chung một cảm giác là “tuyệt vọng”.

“Nhiều người đi vay nói với chúng tôi rằng họ sẽ cần phải từ bỏ một thứ gì đó để đáp ứng khoản thanh toán mới với lãi suất cao hơn. Thật không may, đó là cách một cuộc suy thoái bắt đầu”, ông Stewart nhận định.

Chuyên gia: Phố Wall đang ảo tưởng

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ dù nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ suy thoái. Một số chuyên gia chỉ ra thị trường đang lạc quan thái quá.

Nghịch lý trong tham vọng giảm phụ thuộc vào USD của Trung Quốc

Ngân hàng do Trung Quốc và các nước BRICS thành lập từng được cho là sẽ định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu. Nhưng giờ, nhà băng này đang có thể trở thành ngân hàng xác sống.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Thanh Vũ

Bạn có thể quan tâm