Người công nhân già Phạm Xuân Đăng luôn cười nói vui vẻ tại bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng. |
Chia sẻ về thời điểm được giải cứu ra khỏi hầm kẹt, người công nhân già nói: “Lúc được đưa ra ngoài thì vui không thể tả được, cảm giác nó cứ như nghẹn ở cổ, muốn hét lên là mình được sống rồi nhưng miệng không mở được. Trong những ngày bị kẹt, tôi luôn tin tưởng cả nhóm sẽ được đưa ra ngoài nhưng không ngờ cuộc giải cứu lại nhanh chóng và thần kỳ như vậy".
Ông Đăng gắn bó đời mình với công việc thi công các công trình thuỷ điện từ khi còn là chàng thanh niên 21 tuổi, đã từng đi qua nhiều vùng miền của đất nước, từng góp công sức đào nên nhiều hầm thuỷ điện. Trước ngày vào hầm thuỷ điện Đạ Dâng – Đạ Chomo, ông là công nhân thuộc biên chế của công ty Sông Đà 505.
Ngày xảy ra sự cố, ông đang làm việc cùng 11 người khác thi công gia cố vách và trần hầm Đạ Dâng. Mải mê làm việc không để ý xung quanh, đến khi nghe các đồng nghiệp trẻ bên cạnh hô hoán khóc lóc thì mới biết xảy ra sự cố sập hầm, cả 12 người đều mắc kẹt bởi hàng trăm tấn đất đá chặn lối.
Lúc mới xảy ra sự cố, ông cũng hơi sợ và hoảng loạn nhưng trấn tĩnh lại ngay sau đó. Suốt 29 năm làm công việc thi công các hầm thuỷ điện, ông từng đã gặp một vài sự cố tương tự. "Phía bên ngoài còn có ba đồng nghiệp thoát được nên chắc mọi người sẽ sớm đến cứu thôi" – ông Đăng kể lại những suy nghĩ của mình.
Nhưng rồi nhiều giờ trôi qua vẫn chưa thấy dấu hiệu gì của việc cứu hộ, ông lại có tâm lý hoang mang. Bên cạnh, nhiều đồng nghiệp lần đầu tiên gặp nạn khóc lóc vì sợ nên ông cố trấn tĩnh lại, động viên các đồng nghiệp trẻ giữ vững tinh thần.
Ông nói: “Trước khi người khác đến cứu mình thì mình phải tự cứu cái đã, giữ được tinh thần thì mới mong cơ hội sống sót được. Tất nhiên, có lúc mình cũng có vài suy nghĩ bi quan lắm”.
Ông Đăng cùng mọi người động viên nhau, ngồi quay quần trò chuyện vừa để giữ ấm, vừa để động viên nhau vượt qua thời khắc nguy nan. Nói về việc nước liên tục dâng cao, ông Đăng vui vẻ: “Chỉ vài giờ sau khi sập hầm thì cứu hộ đã thông được đường ống vào trong này cung cấp không khí và thức ăn cho anh em nên tôi không lo lắm. Nếu nước dâng quá cao thì chắc chắn cứu hộ bên ngoài sẽ có cách rút nước đi, hai bên trao đổi với nhau được rồi thì còn gì phải sợ nữa”.
Khuya 18/12, cả nhóm nhận được thư động viên của Phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên khiến tinh thần ai nấy đều phấn chấn. “Chúng tôi thay phiên nhau đọc to lên để tất cả cùng nghe từng chữ từng lời. Ai cũng vui sướng và tin tưởng sớm được đưa ra ngoài thôi” – người công nhân già kể.
Chiều 19/12, khi cả nhóm 12 công nhân đang ngồi quây quần bên nhau thì nghe loáng thoáng tiếng người. Tiếng chàng công binh trẻ Hoàng Công Thảo lặp đi lặp lại nhiều lần câu hỏi “Có ai ở đây không?” khiến tất cả sung sướng, cùng nhau lao ra kêu cứu và lần lượt được đưa ra ngoài an toàn.
“Lúc thấy lại ánh mặt trời thì hạnh phúc không tả nổi đâu. Miệng cứ muốn hét thật to rằng mình đã sống rồi nhưng cứ nghẹn không nói được, chỉ biết cười không thôi. Tôi muốn nói lời cảm ơn đến tất cả những người không quản ngày đêm, liên tục làm việc để chúng tôi được một lần nữa trở lại với cuộc sống thường ngày” – người công nhân già nói.
Thời khắc ông Đăng được giải cứu khỏi hầm thuỷ điện Đạ Dâng, trên môi vẫn cười tươi. |
Quanh năm đầu tắt mặt tối với công việc, cuộc sống công nhân di chuyển liên tục theo công trình nên mỗi năm ông chỉ về thăm nhà vào dịp tết. Vợ và hai con của ông Đăng ở quê Vĩnh Phúc đã vô cùng lo lắng khi nhận tin ông bị mắc kẹt sâu trong hầm thuỷ điện Đạ Dâng, do quá khó khăn nên không thể vào thăm ông được. Hiện một người bà con ở gần Đà Lạt đã lên chăm sóc ông Đăng trong những ngày nằm viện.
Ông Đăng nói: “Tôi không cho vợ con vào vì điều kiện khó khăn, mà cũng gần tết rồi nên có gì xuất viện thì về thăm nhà luôn cho tiện. Sau khi mọi việc xong xuôi, tôi sẽ vẫn trở lại công việc như thường ngày theo quyết định của công ty vì nghề nào mà không đôi lần gặp trục trặc hay sự cố đâu”.