Sáng 20/12, toàn bộ 12 công nhân bị mắc kẹt trong hầm thủ điện Đạ Dâng - Đạ Chomo (xả Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) được các y bác sĩ bệnh viện đa khoa Lâm Đồng chăm sóc đã ổn định sức khỏe, ăn uống được.
Trong số 12 người vừa được giải cứu, chị Đặng Thị Hồng Ngọc (26 tuổi, quê Nghệ An) là nữ nạn nhân duy nhất. Sức khoẻ của chị bị suy kiệt nặng bởi lạnh và tuyệt vọng.
Thời khắc 12 công nhân được giải cứu. |
Chia sẻ về cảm giác gần 80 giờ mắc kẹt bên trong hầm tối, chị Ngọc cho biết: "Lúc biết mình mắc kẹt quá sâu, tôi đã tuyệt vọng và khóc suốt vì nghĩ mình không còn được về gặp mặt con trai nữa, không còn gặp người thân".
Nạn nhân 26 tuổi kể khoảng 6h ngày 16/12, chị cùng 14 công nhân chia làm 2 tốp đưa máy trộn bê tông vào hầm để gia cố các đoạn vừa đào trước đó. Chị cùng 11 người đi trước, 3 công nhân còn lại đi sau.
Trong nhóm có 2 người thân của chị Ngọc là anh Phạm Viết Nam (40 tuổi, anh chồng) và anh Phạm Viết Lành (20 tuổi, bà con bên nội). Vào độ sâu 500 m, cả nhóm thi công đến khoảng 7h thì nghe một tiếng động rất lớn từ sau lưng. Quay lại thì thấy hàng trăm tấn đất đá từ nóc hầm đổ ập xuống. Tất cả đều hoảng loạn.
"Trong phút chốc, chúng tôi bị chia cách với thế giới bên ngoài. Tôi nghĩ tất cả rồi sẽ chết, không còn được ra ngoài nữa. May mà có anh Nam và em Lành động viên liên tục nên tôi đỡ sợ, nhưng không thể nào thoát khỏi cảm giác tuyệt vọng. Những lúc như vậy, tôi chỉ nhớ đến đứa con trai 5 tuổi của mình ở quê để mà hi vọng", chị Ngọc kể.
Nữ công nhân Đặng Thị Hồng Ngọc vào thời điểm được đưa ra khỏi hầm thuỷ điện. |
Ba giờ trôi qua trong hầm kín nhưng không thấy động tĩnh gì của việc cứu hộ, mọi người bắt đầu hoang mang cực độ. Trong hầm chỉ có một màu đen đặc, không khí ngày càng nặng nề, cái lạnh bắt đầu len vào hành hạ từng công nhân. Mọi người bắt đầu khóc.
Đến 11h, một đường ống 30 mm của lực lượng cứu hộ xuyên qua lớp đất đá đến với các công nhân để cung cấp không khí, truyền sữa và trà gừng để mọi người giữ ấm cơ thể. "Lúc thấy ống sắt vào, ai cũng mừng nghĩ mình rồi sẽ được cứu, nên bắt đầu hi vọng”, nạn nhân nữ kể về cảm giác khi biết lực lượng chức năng đang tích cực giải cứu.
"Trong căn hầm tối om, nước lạnh từ trần hầm nhỏ xuống như mưa khiến chúng ai cũng run cầm cập. Chúng tôi ngồi co cụm trên chiếc xe trộn bê tông để tránh nước. Ai cũng hồi hộp chờ đợi. Những lúc như thế, tôi chỉ ước sao được về nhà, được ôm chồng con và người thân", chị nói trên giường bệnh.
Ám ảnh nhất đối với 12 công nhân là việc mực nước trong hầm ngày càng dâng cao. Thời điểm đầu tiên, nước trong đoạn hầm chỉ ngang mắt cá chân, mọi người có thể đi tới lui tìm cách kêu cứu.
Sáng 20/12, chị Ngọc đã tỉnh táo và trò chuyện được. |
Nhưng qua ngày thứ nhất và thứ 2, nước dâng dần lên bụng, ngực. Có thời điểm nước cao đến cổ khiến mọi người phải co cụm lên chiếc xe trộn bê tông. Lúc này, từ chỗ cao nhất của xe đến trần hầm chỉ còn hơn 1m, còn nước cứ dâng liên tục khiến nhiều người xuống tinh thần. Họ khóc nấc vì nghĩ đến cảnh chết vì nước ngập.
Chị Ngọc nói: "Khi mọi người đã cạn hết hi vọng sống, thì một đường khoan đã rút được nước xuống. Hi vọng lại được thắp lên, ai cũng động viên nhau ráng chờ đợi ngày trở về".
Theo chị, dù mực nước sáng 19/12 đã rút nhiều nhưng vẫn còn cao, từ xe trộn bê tông đến nơi tiếp tế sữa và thức ăn xa 50 m. Chị cùng một công nhân có vấn đề về sức khoẻ được ưu tiên ở lại, 10 người chia nhau bơi đến nơi nhận sữa và thức ăn đem về cho cả nhóm. Để đến được nơi này, các công nhân phải bơi vì nước vẫn còn cao.
"Chiều hôm qua, mọi người đang co cụm bên nhau trên xe trộn bê tông để giữ ấm thì bất ngờ có nghe tiếng gọi 'có ai ở đây không'. Chúng tôi quá bất ngờ, không tin vào tai mình. Mãi đến khi tiếng gọi trên lặp đi lặp lại thì chúng tôi bật khóc, cùng nhau lao về phía phát ra tiếng nói rồi gào lên 'cứu chúng tôi với, chúng tôi ở đây'.
Được đưa ra ngoài, tôi hạnh phúc đến nỗi không còn cảm nhận được bất cứ điều gì dù thấy hàng trăm người đang vỗ tay chúc mừng. Lúc ấy, tôi muốn được gặp con và ôm hôn nó", nữ nạn nhân tâm sự.
Khi được hỏi sau tai nạn này chị có trở lại công trường để làm việc?, người phụ nữ một con cho biết chưa có kế hoạch gì. Khi xuất viện thì sẽ về thẳng quê để thăm con, gia đình và chờ sự quyết định của công ty rồi mới có kế hoạch tiếp theo.