Sáng 20/12, phóng viên có mặt tại bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng để ghi nhận tình hình sức khỏe của 12 công nhân vừa được giải cứu khỏi đường hầm Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) sau 4 ngày bị mắc kẹt.
Đến thời điểm này, các nạn nhân đều khỏe mạnh, ăn uống và nói chuyện bình thường với những người thăm hỏi. Tại bệnh viện, niềm vui lan tỏa, các công nhân, người nhà,… ai cũng rôm rả, khuôn mặt rạng ngời.
Anh Phạm Viết Lành (20 tuổi, ở xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương, Nghệ An) - một trong 12 công nhân bị nạn - kể khoảng 6h ngày 16/12, nhóm công nhân có mặt trong hầm để làm việc. Đến 7h, các anh giật mình vì đất đá từ trên ầm ầm rơi xuống. Trong tích tắc toàn bộ khoảng không trong hầm bị lấp kín, bóng tối đen kịt.
"Chúng tôi hoảng loạn nhận ra mình đã bị chia cắt với bên ngoài, đang ban ngày mà tối đen như mực. Ngay lập tức, chúng tôi í ới gọi nhau để không ai bị tách biệt và bắt đầu điểm danh. Khi biết đầy đủ 12 người, anh em thống nhất với nhau phải thật sự bình tĩnh, quyết tâm không ai được than thở, khóc lóc", anh Lành cho biết.
Bác sĩ khám cho nạn nhân vào sáng 20/12. Ảnh Hải An. |
Sau khi tập hợp đầy đủ mọi người, 12 công nhân bàn các phương án để tự giải thoát. Nhưng khi thấy không gian tối đen như mực, địa chất lại yếu nên tất cả thống nhất không hành động vì rất nguy hiểm. Mọi người chụm lại với nhau ở một vị trí.
Trong lúc các công nhân đang có biểu hiện ngạt khí thì lực lượng cứu hộ đã thông được ống dẫn khí vào trong. Khoảng 5 giờ sau thì thức ăn, nước uống được đưa vào hầm. Sau đó các ống dẫn khí, đồ ăn tiếp tục được bơm vào, công nhân được ăn uống đầy đủ và có thể liên lạc ra bên ngoài.
Một nạn nhân kể, ban đầu họ nghĩ 1 ngày thì đội cứu hộ sẽ giải thoát nhưng chờ mòn mỏi 2 ngày, rồi 3 ngày. Sang ngày thứ 4 thì nhiều người đã kiệt sức.
"Chúng tôi rất khổ sở trong đó, nước càng ngày càng dâng cao, anh em phải ngồi trên chiếc xe múc. Đến giờ lấy nhu yếu phẩm thì bơi đi xa khoảng 50 mét. Phải dùng nón bảo hộ để hứng sữa, cháo và nước gừng", nạn nhân nhỏ tuổi nhất kể trên giường bệnh.
"Lúc chúng tôi đang ôm nhau co ro trong hầm thì bỗng thấy ánh đèn pin rọi vào, ai nấy đều đã mệt lả nhưng vẫn đứng dậy hò reo 'được sống rồi anh em ơi'. Sau đó, ưu tiên đưa chị Ngọc ra trước. Ra tới cửa hầm, hít thở không khí của sự sống, ai cũng rất khỏe nhưng cảm xác dâng trào khiến nhiều anh em không thể bước nổi", anh Lành hân hoan.
Nụ cười tươi rạng rỡ của các nạn nhân khi nghe người thân ở quê nói mổ bò liên hoan. Họ đã khỏe mạnh và có thể đi uống... cà phê. |
Gia đình ông Phạm Viết Diệm (68 tuổi) và bà Hoàng Thị Bình (65 tuổi) ở xã Cát Văn, Thanh Chương, Nghệ An có 5 người thân đang làm việc tại hầm thủy điện thì có tới 3 người bị mắc kẹt gồm anh Phạm Viết Nam (40 tuổi), vợ Đặng Thị Hồng Ngọc (26 tuổi) và em họ Phạm Viết Lành (20 tuổi, con chú ruột anh Bắc). Hai vợ chồng già vui mừng không tả khi nghe thông tin những người mắc kẹt đã được giải cứu.
Sáng nay, anh Phạm Viết Bắc (39 tuổi, con trai ông Diệm) - Đội trưởng đội thi công của 12 nạn nhân - gọi điện báo cho gia đình biết tình hình sức khỏe của người thân. Ông Diệm từ đầu dây bên kia giọng sang sảng: "Bố đã mua bò đợi các con về mổ liên hoan".
PGS. TS Nguyễn Văn Khôi - Phó giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - cho biết hiện tại sức khỏe của cả 12 công nhân đã được đảm bảo, thậm chí tối hôm qua có 2 người đã đi... uống cà phê với nhau.
"Nếu tình hình sức khỏe của các nạn nhân vẫn tiến triển tốt thì có thể đầu tuần tất cả được xuất viện. Riêng nạn nhân nữ, sức khỏe yếu nhất thì đến sáng nay mới có thể gọi điện về nói chuyện với con nhỏ ở quê. Đây thật sự là một cuộc giải cứu thần kỳ", ông Khôi cho biết.
Đoàn đại biểu Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thăm và tặng quà cho các nạn nhân tại bệnh viện vào sáng 20/12. Ảnh: Hải An. |