16/12: Sập hầm thủy điện, 12 người bị mắc kẹt
Sự cố bất ngờ xảy ra lúc 7h ngày 16/12 tại công trường thủy điện Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) khiến 12 người bị mắc kẹt, trong đó có một phụ nữ. Phần lớn họ đến từ Nghệ An, Nam Định và Hà Nam.
Tổng chiều dài hầm Đạ Dâng là 712 m, nạn nhân bị sập tại vị trí 560 m. Công trình thủy điện Đạ Dâng gồm 2 nhà máy điện liên hoàn: nhà máy Đạ Dâng đặt trên sông Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương) và nhà máy Đạ Chomo trên suối Đạ Chomo (nhánh của sông Đạ Dâng, tại xã Phi Tô, Lâm Hà).
Mỗi ngày có 3 kíp trực, mỗi kíp trực có 12 người, làm việc trong 8 giờ. Các công nhân đang đào đường hầm để đưa ống dẫn nước vào khu vực thủy điện thì xảy ra tai nạn.
11h cùng ngày, lực lượng cứu hộ cứu nạn do đại tá Hoàng Công Thạo (Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Lâm Đồng) chỉ huy triển khai phương án dùng ống sắt có đường kính 60 cm đưa vào đường hầm để thông khí và cung cấp sữa, cháo. Những mũi này đi sâu vào khoảng 15 mét thì bị gãy vì vướng đá.
Ông Đoàn Văn Việt (Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng) và Bùi Văn Sơn (Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng) sớm có mặt tại hiện trường.
Một cán bộ công ty Sông Đà 505 cho biết, dù công tác cứu nạn thực hiện khẩn trương nhưng việc sử dụng máy móc không thuận lợi. Vì địa chất ở đây không ổn định, nếu làm không cẩn thận thì hàng chục nghìn tấn đất đá sẽ đổ xuống chôn vùi các nạn nhân.
Tới 19h45, một mũi khoan dài 35 m đã được khoan xuyên dọc theo đường hầm. Ngay sau khi khoan thành công, lực lượng cứu hộ nghe tiếng người, tiếng động từ trong hầm. Ôxy gấp rút được bơm vào để các công nhân có khí thở. Tới đêm, khi nhiệt độ xuống thấp, lực lượng cứu hộ phải bơm nước gừng và sữa, cháo vào thông qua ống có đường kính 6 cm để công nhân uống giữ thân nhiệt.
Xem đồ họa chi tiết 80 giờ giải cứu căng thẳng tại đây. |
Lúc này có khoảng 200 người được huy động tham gia công tác cứu hộ. Tới 23h45, toàn bộ 12 công nhân được xác nhận đều còn sống. Lực lượng cứu hộ làm việc xuyên đêm, các nạn nhân bị mắc kẹt thông báo sức khỏe của tất cả vẫn ổn định. Tuy nhiên nước bắt đầu dâng ngang đầu gối vì nước từ các vết nứt chảy vào hầm.
17/12: Chủ tịch nước yêu cầu bằng mọi giá phải cứu được người
Buổi sáng, khu vực sập hầm xuất hiện mưa, trời lạnh gây khó khăn cho công tác cứu hộ.
8h, hơn 29 chiến sĩ của Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 7) sau 6 giờ hành quân đã có mặt tại hiện trường để tham gia giải cứu các nạn nhân. Các chiến sĩ công binh được lệnh vào miệng hầm để đào từ cửa chính. Đại tá Hoàng Công Thạo bắt đầu chỉ huy đưa một nhóm cứu hộ vào sâu trong hầm.
Một công nhân được đưa ra ngoài trong tình trạng khỏe mạnh. Ảnh: Hải An. |
Có mặt tại hiện trường, ông Nguyễn Xuân Tiến - Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng - cho biết Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gọi điện chỉ đạo bằng mọi giá, mọi cách phải cứu được người.
Ban chỉ huy cứu hộ cứu nạn cho biết sức khỏe 12 nạn nhân ổn định, đã tiếp nhận được sữa và cháo từ đường ống. Tại khu vực sập hầm luôn có 50 người túc trực, thay phiên đào đất, đá để tiếp cận các nạn nhân.
11h30, các kỹ sư đề xuất khoan đường ống đường kính 60 cm để các công nhân chui ra ngoài. Đại diện công ty Sông Đà 505 cho biết sẽ đưa ống phi 100 mm nhằm chuyển quần áo vào cho 12 công nhân ủ ấm.
Cùng thời điểm, các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy lên đường đến hiện trường vụ sập hầm. Sở Cảnh sát PCCC TP HCM điều động 2 xe cứu hộ cùng 45 chiến sĩ chi viện.
Một cán bộ của công ty Sông Đà cho hay nhờ tiếp tế được nước uống, sữa và cháo nên công nhân chống chọi được qua đêm.
Có mặt tại hiện trường, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận đây là vụ sập hầm đặc biệt nghiêm trọng. Do đó phải cùng lúc làm 2 phương án khoan xuyên ngang núi và khoan nhồi từ đỉnh xuống để thông khí và tiếp tế lương thực.
Bô trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng thì cho hay lực lượng cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp với hàng chục thợ lò tinh nhuệ, kinh nghiệm của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đã được huy động vào hiện trường. 13 chuyên gia, kỹ sư giàu kinh nghiệm trong cấp cứu mỏ từ Hà Nội cũng vào Lâm Đồng.
18/12: Mở thêm hướng, nhiều mũi khoan bị gãy
Nhiệt độ vùng cao nguyên có lúc xuống 15 độ C. Nước trong hầm bắt đầu dâng cao khiến sức khỏe các nạn nhân suy yếu. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đến hiện trường, chỉ đạo phương án cứu nạn.
Lúc này, các lực lượng của tỉnh Lâm Đồng, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Công binh, Công an TP HCM, Công an Lâm Đồng, đội cứu hộ cứu nạn thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam… đều đã tham gia. Tuy vậy các phương án không triển khai nhanh được do địa chất của khu vực rất yếu.
Các lực lượng chức năng đã mở các mũi khoan từ cửa hạ lưu để rút nước; mũi khoan từ đỉnh hầm để tiếp tế lương thực. Tuy nhiên, tới 17h15, mũi từ trên đỉnh đồi khoan được 40 m thì gặp tảng đá, đã bị gãy nên tìm điểm khoan mới.
Trong khi đó, nước trong hầm có lúc dâng cao tới hơn 1 m, các công nhân phải đứng lên máy xúc để tránh. Vì vậy lực lượng cứu hộ tập trung phương án khoan để rút nước trong hầm.
23h30 ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất liên lạc với 12 công nhân bằng thư đưa vào trong hầm qua một sợi dây. Việc liên lạc trước đó thông qua một ống thép, dài hàng chục mét xuyên qua lớp đất đá đổ sập nên gặp nhiều khó khăn.
Lạnh, sợ hãi, không biết bao giờ thì được cứu, sức khỏe suy giảm... là những điều mà nạn nhân đang trải qua. Vì vậy, ngoài việc đưa thức ăn vào trong hầm, lực lượng cứu hộ còn tìm cách trò chuyện để trấn an tinh thần.
23h47 ngày 18/12, đường hầm vòng bên trái của lực lượng công binh đào được khoảng 4 m, còn đường hầm vòng bên phải của thợ mỏ được gần 8 m.
Các chiến sĩ công binh đã nghe được tiếng các nạn nhân hét vọng ra qua các khe hở từ vị trí sập (các khe hở này do sắt thép gia cố đường hầm tạo ra).
Chiều cùng ngày, 15 người thân của các công nhân lặn lội cả ngàn km đến hiện trường mong ngóng từng phút. Ở quê nhà, người thân các nạn nhân ngất xỉu khi biết tin.
Suốt đêm 18/12, hàng trăm chiến sĩ cứu hộ túc trực tại hiện trường thực hiện cứu hộ 24/24.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo cần đầu 2 ngách chữ U hai bên hầm chính để tiếp cận nạn nhân. Ngách bên trái do các chiến sĩ công binh đảm trách, ngách bên phải do các thợ mỏ lành nghề của tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam thực hiện.
Ngày cuối cùng 19/12: Niềm vui vỡ òa
Để tiếp sức cho các nạn nhân, mỗi ngày lượng cháo đưa vào 12 công nhân tổng cộng 120 lít và chia làm 6 lần. 9h, lúc này, tại hiện trường có 700 người tham gia cứu nạn.
Bộ Quốc phòng đã điều 2 lữ đoàn cùng 1 tiểu đoàn Công binh vào hỗ trợ. Đây là tiểu đoàn Công binh nhiều lần diễn tập cứu hộ cứu nạn với quân đội các nước, đồng thời cũng trực tiếp thực hiện những công trình quốc phòng có độ phức tạp cao.
Các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy dự báo do nhiều ngày chỉ uống sữa, cháo nên sức khỏe của 12 công nhân suy giảm. 50 túi dung dịch nhiều dinh dưỡng được đưa vào, tuy nhiên chỉ chuyển được 8 túi.
Trong số người tham gia lực lượng cứu hộ có anh Phạm Viết Bắc (39 tuổi) là Đội trưởng đội thi công 12 người mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng (Lạc Dương, Lâm Đồng).
Không phải là người gặp nạn nhưng anh Bắc lại có tới 3 người thân bị kẹt trong hầm, gồm anh trai, vợ và em họ.
Trong khi đó, người thân của các nạn nhân mắc kẹt trong hầm hết sức lo lắng. Họ đến thắp nhang cầu nguyện ngay miếu nhỏ nằm trên cửa hầm, mong điều tốt lành sớm đến. Nhiều bạn đọc gửi comment, email chia sẻ.
Tới 11h40, ngách cứu nạn bên phải được các thợ mỏ đào được 15 m, dự báo còn 15 m là tiếp cận được các nạn nhân.
13h, nhiều người nhà và đồng hương của các công nhân vào trong đường hầm nói chuyện động viên các công nhân thông qua ống dẫn.
14h nhà chức trách cho biết mũi khoan từ hạ lưu đã rút hết nước trong hầm, các công nhân có thể đi lại được.
Theo tính toán của các chuyên gia, với tốc độ đào ngách hầm là 8 mét/ngày, thì đến khuya 19, sáng 20/12 thì tiếp cận được nạn nhân.
16h39 ngày 19/12, khi mọi người đều chuẩn bị tâm lý việc cứu hộ còn mất nhiều thời gian, thì tất cả các nạn nhân được giải cứu an toàn khi ngách của lực lượng công binh vào sâu được 14 mét thì phát hiện các nạn nhân
Cứu hộ bằng lực lượng tinh nhuệ nhất
Bộ Tư lệnh Công binh đã điều động cả trăm chiến sĩ mang theo nhiều thiết bị như máy khoan, máy xúc, máy phát điện từ Cam Ranh (Khánh Hòa) vào công trình thủy điện hỗ trợ công tác cứu hộ.
Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam điều động hàng chục thợ lò tinh nhuệ có kinh nghiệm xử lý các sự cố trong hầm mỏ thuộc Trung tâm cứu hộ mỏ từ Quảng Ninh và 13 chuyên gia, kỹ sư giàu kinh nghiệm trong cấp cứu mỏ từ Hà Nội vào Lâm Đồng để tiếp ứng cứu nạn sập hầm.
Cảnh sát PCCC TP HCM cử 45 cán bộ chiến sĩ giúp Lâm Đồng ứng phó với sự cố.
Những phương tiện, thiết bị cứu hộ tốt nhất đã được huy động đến hiện trường. Máy khoan chuyên dụng được điều từ Hà Nội vào.