Ở vùng nông thôn Mae Rim, nơi cách Chiang Mai 30 phút lái xe về phía bắc, có ngôi làng nhỏ với tấm biển “Làng Karen cổ dài” ở lối vào. Cạnh đó, một tấm biển nhỏ hơn trên quầy bán vé ghi: Phí vào cửa 500 baht (16 USD) mỗi du khách. Nhưng giờ đây, gần như không có khách du lịch nào mua vé. |
Đây là một trong nhiều ngôi làng dân tộc thuộc sở hữu tư nhân ở miền Bắc Thái Lan, là nơi sinh sống của những người di cư từ bộ tộc Karenni hoặc Karen Đỏ vùng cao ở bang Kayah, Myanmar, trước đây gọi là bang Karenni. |
Cho đến tháng 3 trước khi dịch Covid-19 bùng phát, ngôi làng là một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng ở Thái Lan. Du khách tới đây thường xếp hàng để ngắm những người phụ nữ Karen Đỏ cổ dài đeo những chiếc vòng đồng thau. Với họ, cổ dài thể hiện cái đẹp. |
Phụ nữ cổ dài Karen Đỏ trở nên nổi tiếng sau khi nhiếp ảnh gia người Pháp Albert Harlingue lần đầu tiên chụp ảnh đen trắng về họ vào năm 1930. |
Thông thường, những người phụ nữ cổ dài sẽ trò chuyện với khách du lịch khi họ bán đồ lưu niệm. Nhưng đại dịch Covid-19 đã xua tan bầu không khí sôi nổi ở ngôi làng, giờ đây gần như vắng bóng khách du lịch. Trong một chuyến thăm của phóng viên vào cuối tháng 7, ngôi làng yên lặng khác thường. Phía cuối con đường, người phụ nữ cổ dài tên Mu Ei ngồi lặng lẽ với đứa con. Cô luộc lá chuối trong chiếc nồi đã cháy đen trên bếp củi và dùng nó để nấu cơm. |
Mu Ei (ảnh), 32 tuổi, sống ở làng này 7 năm cùng chồng và hai con gái. Gia đình cô kiếm được 1.500 baht/tháng (48 USD/tháng) từ tiền phí vào cửa của khách và thêm tới 700 baht/ngày (22 USD/ngày) nhờ bán đồ lưu niệm. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn thu đã cạn kiệt do chính phủ Thái Lan áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại để ngăn chặn đại dịch. Đến nay, chỉ còn 3 trong số 20 gia đình bám trụ lại làng, theo Nikkei. |
“Chồng tôi đã làm việc một tháng nay ở công trường xây dựng gần làng, kiếm được 300 baht (9,6 USD) một ngày”, cô Mu Ei nói. “Tôi không biết tình trạng này còn kéo dài bao lâu. Chúng tôi không có thu nhập nào khác nếu không có khách du lịch”. Cô cho biết công việc của chồng không ổn định, anh chỉ làm việc 3 ngày một tuần. |
Không có số liệu thống kê chính thức về số lượng người Karen Đỏ di cư ở Thái Lan, nhưng ước tính có khoảng 600 người sống trong 3 cộng đồng ở Mae Hong Son và những ngôi làng du lịch nhỏ ở phía bắc Chiang Mai. Ước tính có khoảng 60.000 người Karen Đỏ ở Myanmar. |
Nhiều người trong số những người di cư ở Thái Lan vượt biên trong những năm 1980, 1990 sau nhiều thập kỷ xung đột vũ trang ở Myanmar. Song những người di cư không được chính quyền Thái Lan công nhận là người tị nạn và hầu hết không thể làm việc hay sinh sống hợp pháp ở những nơi khác của Thái Lan. |
“Đôi khi tôi nghe thấy khách du lịch gọi nơi này là ‘vườn thú người’ nhưng tôi cũng không quan tâm hay cảm thấy bị tổn thương”, Ma Radin, 20 tuổi, rời Myanmar cùng anh trai và chị dâu khi cô 10 tuổi, bộc bạch. “Đây là công việc và tôi yêu thích nó. Chắc chắn tôi sẽ không đổi nó lấy một công việc khác”. Như nhiều người di cư khác, anh chị của Radin đã quay trở lại Myanmar, nơi có các công việc đồng áng. Radin kiên quyết ở lại, cô nói rằng muốn tiếp tục làm du lịch. |