Theo New York Times, điệp viên này đóng góp vào kết luận của CIA rằng Nga đã can thiệp bầu cử Mỹ và chính Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ đạo và giám sát quá trình này.
Đây cũng là nguồn tin để CIA biết rằng ông Putin đặc biệt muốn Donald Trump đắc cử tổng thống và đã ra lệnh tấn công mạng của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ.
Theo những nguồn tin hiểu về vấn đề này, điệp viên được rút về là người nằm ngoài vòng thân cận của ông Putin, nhưng thường xuyên gặp mặt tổng thống Nga và có liên hệ với bộ máy ra quyết định cấp cao ở Điện Kremlin. Chính vì vậy, điệp viên này chính là một trong những tài sản quan trọng nhất của CIA.
Điều phối và cài cắm các nguồn tin ở Moscow là điều rất khó khăn bởi năng lực phản gián của Nga. Người Nga từng gây không ít khó khăn cho các gián điệp nước ngoài, theo sát họ mọi lúc và thậm chí tấn công họ.
Điều phối và cài cắm các nguồn tin ở Moscow là điều rất khó khăn. Ảnh: New York Times. |
Trước đó, CNN dẫn một số nguồn thạo tin trong chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết vào năm 2017, giám đốc CIA khi đó là ông Mike Pompeo đã quyết định rút một điệp viên cấp cao khỏi chính phủ Nga.
Nguồn tin cho biết động thái thể hiện lo ngại rằng chính quyền Trump có thể vô tình vạch trần danh tính của người này do bất cẩn.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham bác thông tin nói trên của CNN, cho rằng "thông tin trên truyền hình không những không chính xác", mà còn "có khả năng khiến nhiều người gặp nguy hiểm về tính mạng".
Lãnh đạo bộ phận quan hệ công chúng của CIA Brittany Bramell cho rằng thông tin của CNN là "sai".
"Phiên bản của CNN đã sai hoàn toàn khi nói CIA đưa ra quyết định liên quan đến sự sống còn (của điệp viên) mà không dựa trên phân tích khách quan và nhận định sáng suốt", bà Bramell nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP. |
"Họ cũng đưa ra phỏng đoán không chính xác khi nói rằng quyết định rút điệp viên là do Tổng thống Trump bất cẩn với thông tin tình báo nhạy cảm nhất của đất nước và ông có quyền tiếp cận với thông tin hàng ngày", bà Bramell cho biết thêm.
Trả lời New York Times, Steven L. Hall, cựu quan chức CIA điều hành các hoạt động tại Nga, nói: "Chúng tôi có một tổng thống, khác với bất kỳ tổng thống nào khác thời hiện đại, sẵn sàng sử dụng thông tin tình báo nhạy cảm bằng bất cứ cách nào ông ấy cảm thấy phù hợp".
"Ông ấy làm vậy trước những kẻ thù của chúng ta. Ông ấy sử dụng thông tin tình báo cả trên Twitter".
New York Times nhận định nếu rút điệp viên này khỏi Nga, CIA sẽ phải vật lộn để tìm hiểu diễn biến bên trong Điện Kremlin. Cơ quan này từ lâu đã gặp khó khăn trong việc tuyển điệp viên tiếp cận Tổng thống Vladimir Putin, một cựu điệp viên cảnh giác cao độ với CIA.
James R. Clapper Jr., cựu giám đốc CIA rời chức vào cuối nhiệm kỳ của tổng thống Barack Obama, nói ông không biết gì về quyết định rút điệp viên khỏi Nga. Tuy nhiên, ông cho rằng rõ ràng việc tiết lộ thông tin của CNN "sẽ khiến CIA càng gặp khó khăn hơn trong việc chiêu mộ điệp viên".