Tiết lộ với CNN, một loạt quan chức giấu tên trong chính phủ Mỹ nắm thông tin trực tiếp về vụ việc nói quyết định thu hồi gián điệp được đưa ra sau nhiều tháng cộng đồng tình báo Mỹ lo ngại.
Các quan chức tình báo Mỹ quyết định hành động vì lo ngại cách Tổng thống Trump và các thành viên chính phủ bất cẩn với thông tin tình báo có thể để lộ danh tính nguồn tin cấp cao.
Lo lộ thông tin mật
Quyết định được đưa ra không lâu sau cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Nhà Trắng vào tháng 5/2017. Ông đã thảo luận với Ngoại trưởng Lavrov và cựu đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak về một thông tin tình báo liên quan đến tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do phía Israel cung cấp.
Dù thông tin tổng thống để lộ không liên quan đến điệp viên cấp cao được cài vào chính phủ Nga, điều này vẫn khiến giới chức tình báo Mỹ lo ngại về rủi ro nguồn tin bị bại lộ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và ông Sergey Kislyak, khi đó còn giữ chức đại sứ Nga, tại Nhà Trắng vào ngày 9/5/2017. Ảnh: Getty. |
Ông Mike Pompeo, khi đó còn là giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), phàn nàn với một quan chức cấp cao khác trong chính phủ rằng có quá nhiều thông tin đang bị rò rỉ về các nguồn tình báo.
Chiến dịch rút gián điệp khỏi Nga được thực hiện giữa lúc cộng đồng tình báo Mỹ có nhiều lo ngại về cách Tổng thống Trump và các quan chức chính phủ xử lý thông tin mật. Những lo ngại được xác nhận với CNN bởi 5 nguồn tin từng làm việc trong chính phủ của ông Trump.
Chỉ vài tuần sau khi đưa ra quyết định rút gián điệp, Tổng thống Trump gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức, vào tháng 7/2017.
Sau cuộc gặp riêng, Tổng thống Trump bất ngờ tịch thu và không cho công khai các ghi chép của phiên dịch viên. Theo một nguồn thạo tin, cộng đồng tình báo Mỹ khi đó càng thêm nhiều nghi ngờ ông đã thảo luận thông tin tình báo mật với nhà lãnh đạo Nga.
Tính rút gián điệp từ sớm
Theo một quan chức giấu tên, trước khi chiến dịch bí mật trên được thực hiện, truyền thông xuất hiện phỏng đoán Mỹ có một nguồn tin đặc biệt tại Nga. Những đồn đoán trên truyền thông đe dọa sự an toàn cho điệp viên cấp cao. Vị quan chức không xác định rõ thông tin nào được đăng tải vào thời điểm đó có thể liên quan đến nguồn tin mật.
Cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, các quan chức tình báo Mỹ đã bày tỏ lo ngại về sự an toàn của gián điệp cũng như nhiều nguồn tin tình báo khác tại Nga. Một cựu quan chức Mỹ cho biết các nguồn tin đã hợp tác với Mỹ trong thời gian dài.
Những lo ngại bắt đầu từ đầu năm 2017 sau khi cộng đồng tình báo Mỹ công khai báo cáo điều tra Nga can thiệp bầu cử năm 2016, cho biết đích thân Tổng thống Putin ra lệnh thực hiện chiến dịch can thiệp.
Trước khi nhậm chức, ông Trump cũng nhận được một phiên bản mật của báo cáo. Tài liệu bao gồm nhiều chi tiết tuyệt mật về các nguồn tin tham gia. Nhiều quan chức tình báo cấp cao của Mỹ khi đó cũng cân nhắc rút ít nhất một gián điệp khỏi Nga nhưng đã không thực hiện.
Sau những tháng đầu nhiệm kỳ, cách Tổng thống Trump xử lý thông tin tình báo mật khiến các quan chức tình báo thêm lo lắng. Cuối cùng, họ quyết định rút điệp viên cấp cao để đảm bảo an toàn. Chiến dịch được báo trước cho Tổng thống Trump cùng một nhóm nhỏ các quan chức cấp cao khác.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức, vào ngày 7/7/2017. Ảnh: AP. |
Tổn thất lớn cho cộng đồng tình báo Mỹ
Thông tin về sự tồn tại nguồn tin cấp cao cài trong chính phủ Nga được giữ kín và hạn chế tiết lộ ngay cả trong nội bộ chính phủ Mỹ và các cơ quan tình báo nước này.
Theo một nguồn tin, tình báo Mỹ "không có lựa chọn nào khác" để có thể thay thế cho điệp viên cấp cao nếu xét về mức độ am hiểu và lượng thông tin về Tổng thống Putin.
Với quyết định kết thúc sứ mệnh gián điệp, tình báo Mỹ mất đi một trong những nguồn tin quan trọng về diễn biến nội bộ điện Kremlin, những kế hoạch và tính toán của Tổng thống Putin. Đây được xem là thiệt hại lớn của tình báo Mỹ giữa lúc quan hệ hai nước gia tăng căng thẳng.
Tình báo Mỹ xem Nga cùng với Trung Quốc là hai mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh quốc gia.
"Điều này gây ra tác động rất lớn. Rất khó để phát triển được những nguồn tin như vậy trong khu vực mà mọi xâm nhập đều bị ngăn chặn, cụ thể là tại Nga. Hệ thống giám sát và an ninh của họ vô cùng nghiêm ngặt. Bạn không thể qua một đêm là có được nguồn tin tình báo như vậy", một cựu quan chức tình báo cấp cao của Mỹ nhận định.
Lãnh đạo bộ phận quan hệ công chúng của CIA, Brittany Bramell, công kích thông tin của CNN nhưng không trực tiếp phủ nhận sự tồn tại của chiến dịch.
"Phiên bản của CNN đã sai hoàn toàn khi nói CIA đưa ra quyết định liên quan đến sự sống và cái chết (của điệp viên) mà không dựa trên phân tích khách quan và nhận định sáng suốt", bà nhấn mạnh.
"Họ cũng đưa ra phỏng đoán không chính xác khi nói rằng quyết định sơ tán điệp viên là do Tổng thống Trump bất cẩn với thông tin tình báo nhạy cảm nhất của đất nước và ông có quyền tiếp cận với thông tin hàng ngày", bà Bramell cho biết.
Người phát ngôn của Ngoại trưởng Mike Pompeo từ chối bình luận. Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham chỉ trích "thông tin của CNN không những không chính xác mà còn có khả năng khiến người khác gặp nguy hiểm về tính mạng".
Hãng tin CNN cho biết họ vẫn nắm một vài thông tin chi tiết về người điệp viên nhưng không tiết lộ để tránh rủi ro làm hỏng vỏ bọc của người này. Thông tin về chiến dịch giải cứu và nơi ở hiện nay của điệp viên vẫn được các quan chức tình báo Mỹ giữ bí mật.