Quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel được Tổng thống Donald Trump đưa ra hôm 6/12 đã vấp phải làn sóng thịnh nộ từ thế giới Hồi giáo. Lãnh đạo của không ít quốc gia Arab lớn tiếng cảnh báo về hậu quả thảm khốc sẽ diễn ra sau quyết định của Washington.
Tuy nhiên, những ông lớn của thế giới Arab hiện còn bận bịu với một loạt các rắc rối nội bộ và đối đầu lẫn nhau. Các cộng đồng Hồi giáo phần lớn đã kiệt quệ sau những cuộc chiến tranh liên tiếp từ Trung Đông tới Bắc Phi.
Ngoài những cuộc biểu tình trên đường phố, thứ vốn không mảy may tác động tới chính giới Mỹ, cùng những vụ đánh bom phá hoại, dường như thế giới Arab không có lựa chọn nào khả dĩ hơn để đáp trả lại quyết định gây tranh cãi từ Washington.
Chung tiếng nói hiếm hoi
Jerusalem là một trong số ít những vấn đề mà thế giới Arab, vốn chia rẽ sâu sắc bởi chiến tranh và sự phân nhánh của hai dòng Hồi giáo, có quan điểm thống nhất. Sau quyết định gây tranh cãi của Tổng thống Trump, sự giận dữ nổ ra từ Cairo tới Ankara, từ Tehran tới Beirut.
Ai Cập, quốc gia Arab đầu tiên ký hiệp định hòa bình với Israel năm 1979, lên án quyết định của Washington, miêu tả đây là sự vi phạm luật pháp quốc tế về quy chế của Jerusalem. Bộ Ngoại giao Ai Cập cảnh báo về một tác động "cực kỳ tiêu cực" mà quyết định của Nhà Trắng gây ra cho khu vực.
Hàng trăm người biểu tình tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, phản đối quyết định của Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Ảnh: AP. |
Một đồng minh quan trọng của Mỹ tại Trung Đông là Jordan khẳng định việc phớt lờ quyền lợi của người Palestine tại Jerusalem sẽ chỉ đổ thêm dầu vào lửa và tiếp sức cho chủ nghĩa cực đoan.
Các nhà lãnh đạo Palestine tuyên bố ông Trump đã làm tiêu tan uy tín của Mỹ trong thế giới Hồi giáo. Thủ tướng Rami Hamdallah khẳng định tiến trình hòa bình giữa Israel - Palestine đã chấm dứt và cảnh báo "làn sóng xung đột và bạo lực trên toàn bộ khu vực sẽ sớm nổ ra".
"Người Palestine đang ở giao lộ tử thần, chúng ta phải vững vàng tồn tại hoặc sẽ tàn lụi", Salah Bardawil, một quan chức của Hamas, nói với AP.
Hamas, nhóm vũ trang hiện kiểm soát Gaza, phát đi lời kêu gọi gia tăng các cuộc biểu tình trong những ngày tới.
Mọi con mắt tại Trung Đông hiện đổ dồn vào Saudi Arabia, quốc gia tự coi mình là lãnh đạo của thế giới Hồi giáo, đồng thời là đồng minh lớn nhất của Mỹ trong thế giới Arab.
"Quyết định của ông Trump kích động tình cảm của người Hồi giáo khắp thế giới", Riyadh tuyên bố.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định những toan tính chính trị khiến Saudi Arabia, cũng như nhiều quốc gia Arab khác, khó có thể liên kết nhằm đối đầu với Mỹ và Israel trong thời điểm hiện tại.
Thế giới Arab chia rẽ vì lợi ích và đối đầu nội bộ
Trái ngược quan hệ nồng ấm mà nhiều nước Arab duy trì với Washington suốt hàng thập kỷ, quan hệ giữa chính các quốc gia Arab đang rạn nứt nghiêm trọng bởi khác biệt về chính trị và tôn giáo.
Saudi Arabia và các nước theo dòng Hồi giáo Sunni từ lâu đã đối đầu với Iran, quốc gia có 80% dân số theo dòng Hồi giáo Shia. Những cuộc chiến tại Trung Đông, từ Syria tới Yemen, đều có bóng dáng của Riyadh và Tehran phía sau các lực lượng bản địa.
"Nếu một nửa số tiền các nhà lãnh đạo khu vực sử dụng để kích động chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, bè phái và phá hoại láng giềng được dùng để giải phóng Palestine, chúng ta đã không phải chứng kiến quyết định ngày hôm nay của người Mỹ", Javad Zarif, bộ trưởng Ngoại giao Iran, viết trên Twitter hôm 6/12, ám chỉ tới Saudi Arabia.
Saudi Arabia và Iran đối đầu nhau trong cuộc chiến giữa dòng Hồi giáo Sunni và Shia. Ảnh: Fort Russ. |
Sự đối đầu giữa hai dòng Hồi giáo thậm chí khiến các nước theo dòng Sunni bắt tay với Israel, kẻ ngoại đạo từng bị coi là "kẻ thù của thế giới Arab" và bị liên quân 8 nước Arab hợp lực tấn công năm 1948.
"Hiệp định hòa bình có thể chưa ký kết, nhưng rất nhiều hợp tác đã được thiết lập", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói về quan hệ giữa Israel và các nước Arab hôm 6/12.
Từ Iraq, Libya, Syria và mới đây nhất là Yemen, nhiều quốc gia Arab từ lâu chìm trong nội chiến và bất ổn. Một liên minh chính trị với mục tiêu bảo vệ thánh địa Jerusalem, theo Guardian, là "điều bất khả thi chỉ có trong trí tưởng tượng của những kẻ mộng mơ".
Viễn cảnh về những phản ứng yếu ớt
Năm 1973, các quốc gia Arab thực thi một lệnh cấm vận dầu mỏ chống Mỹ, trả đũa lại hỗ trợ quân sự mà Washington dành cho Israel. Sự kiện được biết tới với tên "cuộc khủng hoảng dầu mỏ" đã đẩy giá dầu leo cao, giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Mỹ, đồng thời thể hiện sức mạnh và sự đoàn kết của khối Arab.
Nhưng nay, cuộc chơi tại Trung Đông mang kịch bản rất khác. Saudi Arabia, cụ thể là thái tử Mohammad Bin Salman, có mối quan hệ khăng khít với Washington và các ông hoàng dầu mỏ sẽ không liều lĩnh thử thách mối quan hệ này.
Thái tử Saudi Arabia Mohammad Bin Salman gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20/5. Ảnh: LA Times. |
"Trước công luận, các nước Arab sẽ gây sức ép lên chính quyền Trump và tự tách mình khỏi lập trường của Mỹ và Israel. Nhưng sau đó vẫn sẽ là hợp tác với Mỹ và Israel, đặc biệt là chia sẻ thông tin tình báo liên quan tới Iran", AP nhận định.
Mohammed El Baradei, chính trị gia Ai Cập từng giữ chức giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cho rằng các nước Arab có thể gây sức ép lên Washington bằng cách nhanh chóng rút hàng tỷ USD vốn đầu tư khỏi Mỹ, cắt giảm hợp tác ngoại giao, chính trị, quân sự và tình báo với các lực lượng Mỹ ở Trung Đông.
"Nếu phản ứng của họ chỉ giới hạn ở mức lên án và chỉ trích, tốt nhất họ nên im lặng", ông Baradei chua chát nhận định hôm 6/12, thừa nhận viễn cảnh các nước Arab, với quan hệ lợi ích quá chặt chẽ với Mỹ, sẽ chỉ phản ứng yếu ớt trước quyết định của Tổng thống Trump về Jerusalem.