Đối với Nurzia Rashid và chồng Rahatullah Qalandari, nỗi sợ hãi về chế độ Taliban ở Afghanistan bị lu mờ trước những lo lắng cấp bách hơn: Làm sao để lo được bữa ăn tiếp theo cho 6 đứa con của họ.
Rashid, người không ủng hộ tư tưởng cực đoan của Taliban, cho biết: “Đối với tôi, việc Taliban trở lại là điều tốt hay điều xấu không phải là vấn đề. Điều quan trọng là chúng tôi đói”.
Cuộc sống của 40 triệu người Afghanistan đã thay đổi đáng kể từ khi quân đội NATO rút lui khỏi đất nước. Việc Taliban thành công giành lấy chính quyền cách đây một năm, cùng với sự sụp đổ kinh tế nghiêm trọng, đã khiến nhiều người Afghanistan thậm chí nghèo hơn và đói hơn trước.
Xoay xở từng bữa
Hsiao-Wei Lee, Phó giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc về Afghanistan, cho biết: “Tôi rất lo lắng về mùa đông tới này. Chúng ta cần nền kinh tế này ‘thở’ để người Afghanistan thoát khỏi tình cảnh bây giờ”.
Một người làm trong nhà máy bánh mì ở Kandahar, ngày 28/7. Ảnh: AFP. |
Sau chiến thắng của Taliban, các cường quốc phương Tây đã cố gắng cô lập chế độ này bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt, thu giữ 9 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của Afghanistan và cắt khoản viện trợ chiếm 75% ngân sách của chính phủ trước đó.
Các nhà phê bình cho rằng điều này chỉ gây tổn thương cho những người Afghanistan bình thường trong khi không làm được gì nhiều để kiềm chế Taliban. Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc ước tính tổng sản phẩm quốc nội của nước này đã giảm 20% vào năm 2021 và sẽ giảm thêm 5% nữa trong năm nay. Họ cũng ước tính tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đang ảnh hưởng đến gần 20 triệu người.
Đối với hầu hết người Afghanistan, kiếm sống vẫn là thách thức lớn nhất. Rajab Ali Yousefi, một chủ cửa hàng 35 tuổi ở Kabul, cho biết doanh số bán thực phẩm thiết yếu đã giảm một nửa, buộc anh phải vay nợ để tiếp tục trả tiền thuê nhà. “Công việc kinh doanh đang ngày càng đi xuống. Khách hàng giờ đây chỉ đến mua đồ với lượng chỉ bằng một nửa so với trước đây”, anh nói.
Dù hỗ trợ nhân đạo đã giúp ngăn chặn nạn đói hàng loạt, các cơ quan cứu trợ lo ngại những người Afghanistan dễ bị tổn thương sẽ không thể chịu đựng thêm các cú sốc kinh tế khác.
Rajab Ali Yousefi, một chủ cửa hàng ở Kabul, cho biết doanh số bán thực phẩm thiết yếu đã giảm một nửa so với trước đây. Ảnh: Financial Times. |
Rashid và Qalandari, từng làm bảo mẫu và bảo vệ tại các cơ quan chính phủ ở thủ đô Kabul trước khi Taliban lên nắm quyền vào tháng 8/2021, đều đang thất nghiệp. Gia đình đã phải cắt giảm khẩu phần ăn, bán đồ trang sức và nhờ cậy vào hoạt động từ thiện của các nhóm cứu trợ và hàng xóm để xoay xở từng bữa.
“Mọi người có thể dành cả ngày để tìm nhưng sẽ không có bất kỳ công việc nào. Mọi thứ đã sụp đổ và bây giờ chúng tôi chỉ đang cầu xin bánh mì”, Qalandari nói.
Taliban nói dối?
Trong khi một số ít người hoan nghênh sự trở lại của Taliban, phần lớn những người khác sống trong nỗi sợ hãi bị ngược đãi hoặc bị mất các quyền tự do cơ bản.
Taliban cai trị Afghanistan vào những năm 1990 trước khi một liên minh do Mỹ dẫn đầu tấn công và lật đổ chế độ này vào năm 2001. Kể từ đó, nhóm chiến binh này vẫn duy trì một chiến dịch dài hơi để giành lại quyền lực và cuối cùng đã thành công vào năm ngoái khi phương Tây rút quân.
Sự sụp đổ của chính phủ được phương Tây hậu thuẫn đã hạn chế sinh kế của những người dân như Rashid và Qalandari chỉ sau một đêm. Dẫu vậy, một số người Afghanistan hoan nghênh chiến dịch trấn áp tham nhũng của Taliban.
Haji Hamayon, một thương nhân 56 tuổi ở ngoại ô Kabul, cho biết Taliban đã giải quyết các vụ đòi hối lộ gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh hàng tiêu dùng của ông.
Giống như hầu hết người trong nhóm Taliban, ông cũng đến từ nhóm dân tộc Pashtun lớn của đất nước và có chung niềm tin vào các giáo điều Hồi giáo giống Taliban. Bốn người vợ và con gái của ông không đi làm và luôn phải che mặt ở nơi công cộng. “Tôi hạnh phúc đến mức không quan tâm đến việc mình có ăn hay không”, ông nói.
Khi mức độ nghèo đói gia tăng, các nhà lãnh đạo Taliban đã đặt ra kế hoạch tái thiết xã hội Afghanistan theo cách giải thích nghiêm ngặt của họ về luật Hồi giáo, áp đặt các hạn chế hà khắc, ra lệnh cho phụ nữ che mặt và cấm trẻ em gái đến trường.
Chế độ này là một thảm họa đối với Khatera và cô con gái 16 tuổi Hasanat. Khatera, 35 tuổi, mất đi công việc giảng dạy tại một trường học ở Kabul và Hasanat đã không được đi học kể từ tháng 8/2021.
“Hasanat trước đây thân thiện, con bé thường xuyên ra ngoài chơi và rất cởi mở. Giờ thì con bé chỉ ở nhà, sụt cân và thường đau đầu”, Khatera nói. “Chúng tôi ổn với việc trùm niqab (loại khăn trùm đầu chỉ để hở mắt), nhưng họ cần cho chúng tôi trở lại trường học và văn phòng”.
Kể từ tháng 8/2021, Taliban đã nhiều lần tuyên bố họ có kế hoạch mở lại các trường trung học dành cho nữ sinh và đang chuẩn bị một chương trình giảng dạy mới. Nhưng sự chậm trễ đã khiến nhiều người lo sợ rằng họ sẽ lặp lại chính sách những năm 1990 về lệnh cấm giáo dục trẻ em gái một cách có hệ thống.
Phụ nữ bị buộc che kín người khi đi ra đường. Ảnh: Reuters. |
Các nhóm nhân quyền cũng cáo buộc nhóm này đang hồi sinh các luật tàn bạo trước đây của họ. Trong khi Taliban năm ngoái tuyên bố ân xá cho các thành viên và lực lượng vũ trang của chính phủ cũ, các giám sát viên quốc tế đã cáo buộc nhiều vi phạm.
Tháng trước, Liên Hợp Quốc cáo buộc Taliban thực hiện ít nhất 160 vụ giết người phi pháp, gần 200 vụ bắt giữ tùy tiện và tra tấn hàng chục cựu quan chức quân đội và chính phủ từ tháng 8/2021 đến tháng 6 năm nay.
Zabiullah Mujahid, một phát ngôn viên của Taliban, bác bỏ các cáo buộc và cho rằng đó là lời lẽ tuyên truyền nhằm cố ý bôi xấu họ. Bất cứ ai “giết hoặc bắt giữ người một cách tùy tiện sẽ phải đối mặt với luật sharia”, ông viết trên Twitter, đề cập đến luật Hồi giáo hà khắc mà nhóm này tôn thờ.
Liên Hợp Quốc cho biết thêm các cuộc tấn công khủng bố đã giết chết khoảng 700 dân thường và khiến 1.400 người bị thương từ tháng 8/2021 đến tháng 6/2022. Những người này chủ yếu thuộc dân tộc thiểu số Hazara, đi theo nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), đối đầu với Taliban.