Các bác sĩ và nhiều tổ chức quốc tế cho biết hàng thập kỷ của sự tiến bộ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh đang bị xói mòn. Nguyên nhân được cho là đói nghèo, nhân viên y tế nghỉ việc và những hạn chế đối với quyền tự do của phụ nữ, theo Wall Street Journal.
Tại bệnh viện phụ sản đông đúc nhất của Kabul, lồng ấp và nôi chứa tối đa ba trẻ sơ sinh cùng một lúc do thiếu chỗ. Những bệnh nhân yếu hơn đã tử vong vì thiếu thiết bị và thuốc men.
Các bác sĩ cho biết nạn đói là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các biến chứng như đẻ non và nhẹ cân. Tỷ lệ này dự kiến tăng trong năm tới.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe bên bờ sụp đổ
Bác sĩ Atiqullah Halimi đứng cạnh lồng ấp trong phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh, nơi một em bé sinh non đang được điều trị bằng oxy.
Đứa trẻ chào đời sớm 9 tuần và chỉ nặng chưa đầy 0,5 kg, vì mẹ của bé bị đói trong khi mang thai. Ở phương Tây, đứa bé có thể đã sống, nhưng ở Kabul, nó không có cơ hội sống sót, vị bác sĩ nói.
Một trẻ sơ sinh được chăm sóc tại bệnh viện khu vực Wardak, phía tây nam Kabul. Ảnh: Wall Street Journal. |
Afghanistan từ lâu đã là quốc gia có tỷ lệ tử vong ở thai phụ và trẻ sơ sinh cao nhất thế giới. Tuy nhiên, hàng tỷ USD mà Mỹ và các đồng minh đầu tư vào hệ thống y tế đã giúp cải thiện cuộc sống của họ trong suốt cuộc chiến kéo dài 20 năm.
Liên Hợp Quốc ước tính tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh vào năm 2021 là gần 7% tổng số trẻ còn sống. Các quan chức phụ trách viện trợ cho biết số liệu thực có thể được báo cáo không đầy đủ do thiếu vắng một cuộc khảo sát đáng tin cậy trong nhiều năm, cũng như nhiều phụ nữ sinh con tại nhà.
Số lượng bệnh nhân tại các trung tâm lớn như bệnh viện phụ sản Malalai ở Kabul đang gia tăng với nhiều lý do, liên quan đến việc phương Tây rút khỏi Afghanistan.
Các lệnh trừng phạt và hệ thống ngân hàng đóng băng đã hạn chế nguồn tài chính công, buộc các cơ sở y tế ở nông thôn phải đóng cửa, đồng thời làm căng thẳng hệ thống y tế vốn đã yếu kém. Trong khi đó, việc nền kinh tế ở Afghanistan sụp đổ đã khiến phần lớn đất nước trên bờ vực của nạn đói.
Vào tháng 5, Liên Hợp Quốc và các đối tác của tổ chức này tại Afghanistan cho biết gần 20 triệu người, khoảng một nửa dân số, đang phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng.
Trong khi đó, người phát ngôn của Taliban Zabiullah Mujahid từng cho biết nghèo đói ở Afghanistan là do 40 năm chiến tranh gây ra. Ông cũng mô tả dữ liệu của Liên Hợp Quốc là phóng đại.
Không biết tỷ lệ tử vong là bao nhiêu
Bệnh viện phụ sản Malalai ở Kabul cũng có nguy cơ đóng cửa vào năm ngoái. Các bác sĩ và nhân viên đã không được trả lương trong nhiều tháng cho đến khi Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) vào cuộc. Bà Anita Dullard, người phát ngôn của ICRC, cho biết tổ chức này đã hỗ trợ tổng cộng 33 bệnh viện trên toàn quốc.
Liên Hợp Quốc và các cơ quan khác trong nhiều tháng đã cảnh báo rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe đang trên bờ vực sụp đổ. Họ hy vọng sẽ huy động được hơn 250 triệu USD cho sức khỏe sinh sản ở Afghanistan vào năm 2022.
Phụ nữ chờ gặp các chuyên gia y tế tại bệnh viện khu vực trung tâm tỉnh Wardak. Ảnh: Wall Street Journal. |
Các nữ hộ sinh cho biết hàng chục nhân viên đã rời khỏi đất nước. Nhiều người khác dự định rời đi vì lệnh cấm giáo dục trẻ em gái của Taliban, cũng như hạn chế đối với quyền tự do của phụ nữ.
“Chúng tôi sợ quay ngược thời gian”, nữ hộ sinh trưởng tại bệnh viện phụ sản Malalai cho biết.
Tại một bệnh viện phụ sản do Tổ chức Bác sĩ Không biên giới điều hành ở tỉnh Khost, các bác sĩ cũng nhận thấy sự gia tăng những ca biến chứng sản khoa kể từ mùa hè năm ngoái.
Tỷ lệ tử vong sơ sinh tại bệnh viện Khost, nơi thiếu thiết bị chuyên dụng, ở mức khoảng 8%, Anna Cilliers, điều phối viên y tế của tổ chức này, nói. Tổ chức Bác sĩ không biên giới cũng quan sát thấy có nhiều ca biến chứng hơn ở miền Nam.
“Chúng tôi không biết tỷ lệ tử vong thực sự là bao nhiêu vào lúc này”, bà Cilliers nói.
Tại tỉnh Wardak, phụ nữ mang thai và cho con bú gần đây đã xếp hàng để nhận các túi dinh dưỡng tại bệnh viện chính của khu vực.
Các nữ hộ sinh theo dõi bệnh nhân trong một cuốn sổ ghi chép 84 trường hợp suy dinh dưỡng trong hai ngày qua. Họ cho biết con số này cao hơn khoảng 10 lần so với những năm gần đây.
Trong khi đó, các bác sĩ khoa sơ sinh hy vọng có thể cứu được một em bé trong cặp sinh đôi được sinh ra trước đó 13 ngày. Người mẹ bị suy dinh dưỡng và chuyển dạ vào tháng thứ 7 của thai kỳ, khi đang gánh nước nặng.
Bé gái còn sống của cô chỉ nặng hơn 1,3 kg, trong khi bé trai sinh đôi đã chết cách đây vài ngày.
“Tôi rất vui vì đứa con này vẫn đang sống”, cô nói.