Sáu ca nhiễm virus corona đã được xác định ở Pháp, cùng với đó là rất nhiều câu chuyện quanh việc bị kỳ thị của người châu Á tại đây đang được chia sẻ rộng rãi trên Twitter với hashtag #JeNeSuisPasUnVirus (Tôi không phải virus).
Người gốc Á vốn không xa lạ gì nạn phân biệt chủng tộc, nhưng tình hình hiện nghiêm trọng hơn nhiều do dịch bệnh từ virus corona. “Khắp mạng xã hội, tràn lan những lời châm biếm nặng tính phân biệt, người trẻ châu Á thì buồn bã phàn nàn rằng mình là nạn nhân của vô số sự giễu cợt, phê phán, cự tuyệt…”, Rui Wang, đồng sáng lập Hiệp hội Thanh niên Trung Quốc tại Pháp trả lời phỏng vấn trên FranceInfo.
“Tôi từng thấy một cô thu ngân gốc Á tại Auchan bị khách hàng miệt thị: ‘Về nhà cô đi, ủ bệnh cho mình cô thôi’”, Wang kể. Theo Le Figaro, chính Wang cũng là nạn nhân của những phản ứng “điên loạn” này khi anh và bố mình bị những người đi cùng thang máy yêu cầu ra ngoài.
Một người mang khẩu trang trước tháp Eiffel, Pháp, hôm 25/1. Ảnh: Reuters. |
Quấy rối từ Internet
Nỗi ám ảnh về virus corona đang thực sự xâm chiếm một bộ phận người Pháp. Dưới vỏ bọc châm chọc hài hước, họ công khai nhạo báng người châu Á và đăng tải những thông điệp phân biệt chủng tộc lên mạng xã hội.
Dòng title “Báo động Vàng” mà nhật báo Courrier Picard giật trên Twitter làm dấy lên vô số tranh cãi. Tờ báo sau đó đã phải gửi lời xin lỗi đến cộng đồng người châu Á.
Nhiều video quay cảnh người gốc Á ăn “salad chuột” hay “súp dơi” được chia sẻ rầm rộ, với lời giới thiệu rằng niềm yêu thích ăn uống các loài động vật lạ của người Trung Quốc chính là nguyên nhân của dịch bệnh.
Bằng chứng “đanh thép” nhất cho lập luận này là video một phụ nữ ăn dơi bằng đũa. Tuy nhiên, thực tế thì những hình ảnh đó đã được quay từ tận năm 2016 tại quần đảo Palau.
“Nhiều người vào nhà hàng Trung Quốc và hỏi ‘ở đây có súp dơi không nhỉ’. Mà người Trung Quốc có ai ăn súp dơi đâu chứ!”, Le Figaro dẫn lời một du học sinh có tên Jiaxing.
“Súp dơi chỉ tổn tại trong truyền thuyết thôi, không phải truyền thống ẩm thực của Trung Quốc. Tôi và các bạn mình còn chưa nghe nói về món đó bao giờ!”, Rui Wang giải thích với Le Figaro. “Ở Pháp thì người ta ăn ốc sên và ếch ngon lành! Kiểu phân biệt kỳ thị này chỉ là một cách để hạ thấp những người không có cùng thói quen ăn uống với họ thôi”, Wang bức xúc.
Cô lập trong các phương tiện công cộng
Những hành động phân biệt chủng tộc với người gốc Á được thể hiện rõ ràng nhất tại nơi công cộng. Prisca, một cô gái mang ba dòng máu Pháp, Việt và Ba Lan, với đôi mắt xếch, không thể chấp nhận được khi các hành khách trên tàu điện ngầm che mặt và “kéo khăn lên mũi” khi cô ở gần họ.
“Tôi cảm thấy mọi người trên phố giữ khoảng cách với mình, họ tỏ vẻ cảnh giác”, cô sinh viên tên Lu nói với Le Figaro. “Bạn tôi đang đi trên đường thì một người phụ nữ lướt qua, ngay lập tức bạn trai cô kia hét lên ‘Cẩn thận đấy!’. Câu nói đó có thể chỉ bất cứ điều gì”, Lu kể.
Yan, học cùng trường với Lu, thì cho hay cô từng thấy một bà mẹ nói với đứa con “đứng cách người Trung Quốc như cô này ra”.
Hôm 25/1, Chen và bạn đi tàu điện tại Paris. Một người đàn ông khoảng 50 tuổi tiến gần hai cô gái, nửa mặt che bằng cổ áo vest. Chen cùng bạn cố lờ ông ta đi, nhưng rồi người đàn ông cứ quát lên: “Virus Trung Quốc mà đến Pháp thì là do lỗi người Trung Quốc ăn thịt dơi!”.
Các hành khách khác chẳng mảy may phản ứng. “Không ai bảo vệ chúng tôi”, Chen nói. “Người đàn ông đó chạy ra khỏi toa xe điện ở bến kế tiếp, không quên quay lại hét nốt lên rằng ông ta “ghét bọn Trung Quốc”.
Người mang khẩu trang trên tàu điện ngầm ở Hong Kong hôm 1/2. Ảnh: Reuters. |
Nỗi sợ khẩu trang
Với Zhengchong, một sinh viên ngành tài chính, “nếu bạn đeo khẩu trang hoặc ho hắng nơi công cộng, mọi người lập tức trở nên hết sức nhạy cảm và phản ứng đầy sợ hãi”. Người Pháp rất sợ người Trung Quốc bịt khẩu trang. Bộ Y tế Pháp cũng đã khẳng định dùng khẩu trang để tránh virus corona là việc không cần thiết.
“Một người bạn kể với tôi rằng khi anh đeo khẩu trang bước vào tàu điện ngầm, đột nhiên ai nấy đều tránh xa”, Yan kể. Ngược lại, “người Trung Quốc rất lo lắng khi thấy người Pháp không đeo khẩu trang ngoài đường phố. Khẩu trang là vật dụng hết sức bình thường. Ở Trung Quốc, chúng tôi tin rằng nó giúp bảo vệ khỏi nguy cơ lây nhiễm bệnh”, cô chia sẻ.
Nhiều bạn bè của Jiaxing đã bị “trục xuất” khỏi các chuyến tàu chỉ bởi họ đeo khẩu trang. Nói với Le Figaro, Jiaxing cho hay cô không thể hiểu nổi phản ứng của người Pháp: “Người Trung Quốc dùng khẩu trang là bình thường, chúng tôi muốn bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Đó không phải dấu hiệu bệnh tật”.
Lamaï, quản lý cửa hàng Chanel tại Galeries Lafayette, yêu cầu nhân viên bán hàng không đeo khẩu trang. “Bởi nếu người Trung Quốc cho rằng đeo khẩu trang đồng nghĩa với tôn trọng người khác, với người Pháp, đó lại có nghĩa là bạn đang bị ốm”, Lamaï giải thích.
“Tôi chỉ nói với nhân viên rằng đừng ra ngoài tụ tập tiệc tùng và phải uống nhiều vitamine C để không có vẻ mệt mỏi, nếu không khách hàng sẽ tưởng chúng tôi mắc virus corona”.
Gốc Thái Lan, Lamaï cũng thường bị nhầm là người Trung Quốc, nhưng cô “không thấy có vấn đề gì cả, tôi chỉ làm hết sức để người ta không nghĩ mình nhiễm virus”.
Biện pháp bảo vệ và chống lây lan là mang khẩu trang lại bị nhiều người Pháp xem là biểu hiện của bệnh tật. Ảnh: Reuters. |
Vấn nạn cố hữu
“Tôi chẳng đợi đến khi virus corona xuất hiện mới phải chịu đựng những phản ứng kỳ thị này”, cô gái Pháp gốc Việt Héloïse đã luôn thấy mình là nạn nhân của phân biệt chủng tộc từ lâu. Người ta thường miệt thị cô bằng cụm từ “con Trung Quốc bẩn thỉu” hoặc “chintok”.
“Tôi cũng ‘được’ gán cho những cụm ‘kinh điển’ như “Ching Chong” hay “bát cơm”, những lời xúc phạm cho thấy rõ mọi người chẳng hiểu gì về châu Á”, Héloïse giãi bày. “Không thiếu dịp người đi đường vừa lấy tay kéo đuôi mắt vừa hét lên ‘sushi’, ‘nem’, ‘manga’, ‘Miyazaki’ mỗi lần tôi bước qua”, cô nhún vai.
Theo Héloïse, nạn phân biệt chủng tộc có lịch sử dày dặn và mang nhiều tầng lớp. “Nhiều người vẫn tưởng Trung Quốc là một châu lục, vậy nên chúng tôi đều là người Trung Quốc”, cô nói. “Hơn nữa, phụ nữ châu Á thường bị gợi dục hóa một cách rất không lành mạnh, và công khai, như một việc hết sức bình thường”.
Đối với cô sinh viên luật tại Lyon, nạn phân biệt chủng tộc “đặc biệt phức tạp” và không chỉ nhắm vào người Trung Quốc, mà mọi người Pháp gốc Á. “Virus corona chỉ là một chất xúc tác thêm vào đợt sóng ngầm luôn chực chờ trỗi dậy”, Héloïse nhận định.
Cô cho rằng đây là “nạn phân biệt chủng tộc được chấp nhận toàn diện. Hơn nữa cộng đồng gốc Á thường kín đáo và không thích trả đũa. Con virus chỉ đơn giản khơi lên những nỗi sợ sẵn có, khuếch đại chúng, và khiến mọi người củng cố thêm những định kiến của mình”, Héloïse nói.
Rui Wang thì nhận thấy người Pháp tiếp diễn những hành động kỳ thị bởi “chẳng có giá nào phải trả khi phân biệt chủng tộc cộng đồng châu Á”.
“Người châu Á bị phân biệt chủng tộc từ rất lâu trước sự xuất hiện của virus corona này”, Le Figaro dẫn lời Lu. “Nó chẳng là gì ngoài một cái cớ cho nếp suy nghĩ đã in hằn vào đầu người ta”, Lu kết luận.