Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từ SARS đến virus corona mới, người Trung Quốc nay đã khác xưa

Kể từ đại dịch SARS, lối sống của người Trung Quốc đã thay đổi lớn, khiến các chuyên gia phải có cách tiếp cận mới trong đánh giá nguy cơ lây lan của virus nCoV-2019.

Virus nCoV-2019, chủng virus corona mới bùng phát tại Vũ Hán cướp đi sinh mạng 259 tới thời điểm hiện tại và đang lây nhiễm cho hàng nghìn người khác, đã làm sống dậy những ký ức kinh hoàng về đợt bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) gần 20 năm trước.

Cũng là một căn bệnh về hô hấp bắt nguồn từ Trung Quốc, SARS đã giết chết gần 800 người trên phạm vi toàn cầu trong giai đoạn 2002-2003, khi chính quyền Bắc Kinh nhận vô số lời chỉ trích vì đã che giấu thông tin dịch bệnh bùng phát vào khoảng thời gian đầu.

Kể từ khi đẩy lùi dịch SARS, cuộc sống của người dân Trung Quốc đã thay đổi chóng mặt, khiến cách giới khoa học nhìn nhận về nguy cơ lây lan của virus nCoV-2019 cũng phải có sự điều chỉnh, theo AFP.

Khách du lịch nhiều nhất thế giới

Cuộc sống ngày càng khấm khá, với mức thu nhập được cải thiện nhanh chóng, đã biến Trung Quốc trở thành nguồn cung cấp các tour du lịch lớn nhất thế giới trong khoảng 10 năm trở lại đây. Theo Tổ chức Du lịch thế giới, khách du lịch Trung Quốc mang lại nguồn thu khổng lồ cho nhiều quốc gia tại khắp các châu lục.

Tính riêng trong năm 2018, khách du lịch Trung Quốc đã có 150 triệu chuyến đi ra nước ngoài, tăng gấp gần 10 lần so với con số 16,6 triệu chuyến vào năm 2002, theo Bộ Du lịch Trung Quốc tính toán.

Là một nguồn thu lợi nhuận khổng lồ, tuy nhiên, lượng du khách Trung Quốc quá lớn khiến cho nỗ lực kiểm soát sự lây lan của virus nCoV-2019 trở nên vô cùng phức tạp cho Bắc Kinh cũng như đối với các quốc gia khác.

Hôm 28/1, chính phủ Trung Quốc đã phải kêu gọi công dân nước này tạm hoãn các chuyến đi ra nước ngoài để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

virus Vu Han lay lan anh 1

Bùng nổ du lịch khiến việc kiểm soát sự lây lan của virus trở nên khó khăn. Ảnh: AP.

Bùng nổ mạng xã hội

Số người sử dụng Internet tại Trung Quốc đã tăng trưởng từ 68 triệu người năm 2003 lên 829 triệu người năm 2018, sự tăng trưởng ở mức đột phá, theo dữ liệu của cơ quan không gian mạng Trung Quốc.

Sự phổ biến của các nền tảng mạng xã hội như Weibo và WeChat đã tiếp sức cho sự lan tràn của nhiều thông tin sai sự thật, không kiểm chứng. Nhiều người sử dụng mạng xã hội để chia sẻ những phương pháp dân gian chống virus không có cơ sở khoa học, cũng như bôi nhọ các quan chức địa phương.

Mạng Internet cũng trở thành chiến trường nơi nhà chức trách tìm mọi cách để giữ ổn định tâm lý của người dân, trong khi nhiều người sử dụng hoài nghi cáo buộc chính quyền Trung Quốc đang che giấu tình trạng thực sự của dịch viêm phổi cấp.

Đầu tháng 1, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ 8 công dân sống tại Vũ Hán vì đã đăng tải trên WeChat về các ca nghi nhiễm SARS tại thành phố. Hàng trăm người khác cũng nhận án phạt vì "lan truyền tin đồn", theo các nhà quan sát quốc tế cho biết.

Tuy nhiên, Tòa án tối cao Trung Quốc hôm 28/1 đã ra quyết định minh oan cho 8 người bị bắt ở Vũ Hán, cho biết hành động của những người này đã mang lại lợi ích cho công chúng khi giúp người dân nhanh chóng có các biện pháp phòng ngừa, trong bối cảnh virus đang lan rộng.

Quốc gia nhập cư

Trung Quốc trở thành quốc gia với đa phần người dân sống ở các đô thị từ năm 2011. Theo Cơ quan Thống kê quốc gia, số người di cư từ vùng nông thôn lên các thành phố đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2005-2018, và đạt 240 triệu người.

Cuộc đại di cư lớn nhất thế giới diễn ra mỗi năm tại Trung Quốc, với cái tên Xuân vận, khi hàng trăm triệu người Trung Quốc rời các thành phố lớn nơi họ làm việc để trở về nhà trước thềm Tết âm lịch.

virus Vu Han lay lan anh 2

Virus nCoV-2019 bùng phát vào thời kỳ Xuân vận. Ảnh: AP.

Thời gian virus nCoV-2019 bùng phát diễn ra đúng thời kỳ Xuân vận, càng làm phức tạp thêm các nỗ lực kiểm soát sự lây lan của virus. Nhà chức trách Trung Quốc đã thiết lập các điểm kiểm tra thân nhiệt tại các sân bay, bến tàu khắp đất nước, đồng thời kéo dài thời gian nghỉ lễ thêm 2 ngày.

Giám sát công nghệ cao

Trong bối cảnh điện thoại thông minh và Internet ngày càng phổ cập, các hoạt động thường ngày của nguời Trung Quốc bị khai thác dữ liệu triệt để bởi chính phủ cũng như các doanh nghiệp.

Bắc Kinh đã đưa vào vận hành hệ thống giám sát công nghệ cao, từ nhận diện khuôn mặt thông qua các camera an ninh, cho tới các ứng dụng cho phép cảnh sát truy xuất thông tin cá nhân từ điện thoại tại các điểm kiểm soát.

Nhà chức trách đường sắt Trung Quốc hôm 30/1 cho biết đã thành lập nhóm chuyên trách để truy tìm dữ liệu và theo dấu những người có tiếp xúc gần gũi với những hành khách nhiễm virus.

virus Vu Han lay lan anh 3

Trung Quốc ứng dụng công nghệ cao trong kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: AP.

Thương mại điện tử

Vào thời gian dịch SARS bùng phát, các khách hàng Trung Quốc chủ yếu mua sắm tại các cửa hàng và trung tâm thương mại truyền thống, số đơn hàng điện tử chỉ chiếm 0,07% hoạt động thương mại năm 2003, theo thống kê của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc.

Ngày nay, thương mại điện tử và các ứng dụng giao hàng trực tuyến đã trở nên phổ biến tại tất cả các thành phố Trung Quốc. Những người lo lắng sự lây lan của virus có thể lựa chọn mua sắm trực tuyến đối với tất cả mặt hàng, thay vì trực tiếp xuống phố để vào các cửa hiệu.

Phân phối khẩu trang thiếu minh bạch, Hội Chữ thập Đỏ TQ bị chỉ trích

Trong bối cảnh virus nCoV-2019 đang lan rộng, Hội Chữ thập Đỏ Trung Quốc trở thành tâm điểm chỉ trích khi không quản lý hiệu quả việc phân phối hàng hóa tiếp tế cho các bệnh viện.

Tại sao virus corona mới mãi chưa có tên như SARS hoặc MERS?

Dù đã làm hơn 9,800 người mắc bệnh, giết chết ít nhất 213 người, virus corona mới xuất hiện lần đầu ở Vũ Hán vẫn chưa có tên gọi chính thức và gây ra nhầm lẫn trên các tiêu đề.

Duy Anh

Theo AFP

Bạn có thể quan tâm