Văn phòng Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc tại tỉnh Hồ Bắc đang trở thành tâm điểm giận dữ của công luận khi công tác phân phối hàng hóa hỗ trợ, đặc biệt là các thiết bị, vật tư y tế thiết yếu phục vụ các bệnh viện điều trị bệnh nhân nhiễm virus nCoV-2019, trở thành nỗi ác mộng về hậu cần, theo South China Morning Post.
Hội Chữ thập Đỏ trong tâm bão
Chính quyền các cấp của Trung Quốc đang đứng trước sức ép ngày càng tăng trong việc gỡ bỏ các rào cản liên quan tới các khoản quyên góp, tài trợ công cộng.
Hôm 26/1, Bộ Dân vận Trung Quốc tuyên bố mọi khoản quyên góp công cộng tới tỉnh Hồ Bắc phải được thực hiện thông qua 5 tổ chức từ thiện do chính phủ quản lý, trong bối cảnh thành phố Vũ Hán cùng nhiều khu vực tại tỉnh Hồ Bắc bị phong tỏa.
Các tổ chức nói trên gồm Hội Chữ thập Đỏ Hồ Bắc, Tổng hội liên hiệp từ thiện Hồ Bắc và 2 chi nhánh tại Vũ Hán, cùng Quỹ phát triển Thanh thiếu niên Hồ Bắc trực thuộc Đoàn thanh niên Cộng sản Trung Quốc.
Những ngày qua, người sử dụng mạng xã hội Trung Quốc đang chất vấn vì sao nhân viên y tế tại Hồ Bắc đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng thiết bị bảo hộ, bất chấp hàng tiếp tế đang đổ về tỉnh này từ khắp các địa phương của Trung Quốc, cũng như từ nước ngoài.
Các bệnh viện tại Hồ Bắc đang thiếu trầm trọng thiết bị bảo hộ đạt tiêu chuẩn. Ảnh: Reuters. |
Tình trạng khẩn cấp được công chúng biết đến sau khi các bệnh viện tại Hồ Bắc qua mặt các tổ chức do chính phủ chỉ định để đăng tải trực tuyến lời kêu gọi quyên góp ủng hộ khẩu trang N95, kính, quần áo và găng tay bảo hộ.
Hôm 1/2, người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã tìm hiểu thông tin về quyên góp và phân phối hàng tiếp tế được đăng tải trên website các tổ chức từ thiện đã phát hiện ra 16.000 mặt nạ N95, vốn đang thiếu trầm trọng và cực kỳ cần thiết tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân nhiễm virus nCoV-2019, lại được chuyển tới một bệnh viện tư nhân chuyên về phẫu thuật thẩm mỹ và sinh sản.
Đáng chú ý, bệnh viện này không thuộc danh sách tiếp nhận bệnh nhân nhiễm virus nCoV-2019.
Trong khi đó, bệnh viện Công đoàn Vũ Hán, một cơ sở chính đối phó vơi sự lây lan của dịch bệnh, chỉ được nhận 3.000 khẩu trang N95. Sự phân bổ bất hợp lý này làm dấy lên đồn đoán về khả năng bệnh viện Công đoàn Vũ Hán đã bị "trừng phạt" vì qua mặt Hội Chữ thập Đỏ để trở thành cơ sở đầu tiên kêu gọi quyên góp trực tuyến.
Các bài đăng trên mạng xã hội ngay lập tức đã tạo nên cơn bão chỉ trích đối với Hội Chữ thập đỏ tại Trung Quốc. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên tổ chức này rơi vào tâm bão.
Trong sự kiện động đất tại Tứ Xuyên năm 2008, Hội Chữ thập Đỏ bị cáo buộc sử dụng sai mục đích các khoản quyên góp. Sự mất lòng tin của công chúng không hề thay đổi dù tổ chức này đã cố gắng cải thiện hình ảnh trong vài năm qua.
Hội Chữ thập Đỏ Hồ Bắc đã phải đăng tải thông báo liên quan tới câu hỏi về mặt nạ, cho biết website của tổ chức này đã viết nhầm khẩu trang KN95, vốn không được dùng để phòng chống dịch bệnh, thành N95.
Theo thông báo này, một công ty tư nhân đã quyên góp 36.000 khẩu trang KN95. Vì loại khẩu trang này không thể dùng để chống sự lây lan của virus, hội này đã trao chúng cho 2 bệnh viên không có hoạt động điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus nCoV-2019.
Tuy nhiên, lời giải thích của Hội Chữ thập Đỏ Hồ Bắc không đủ làm thỏa mãn công chúng. Trong một cuộc họp báo, Phó thống đốc tỉnh Hồ Bắc là Li Qiang cho rằng Hội Chữ thập Đỏ thiếu khả năng để điều hành hiệu quả nguồn cung tiếp tế cho các bệnh viện.
Tuy nhiên, ông Li cho biết việc các nhân viên y tế thiếu hụt thiết bị bảo hộ một phần bởi những thiết bị được quyên góp đã qua sử dụng, một phần bởi chúng không đủ chất lượng để dùng trong phòng chống dịch bệnh.
Hoạt động không hiệu quả
Theo ông Li, Hội Chữ thập Đỏ Vũ Hán đã tiếp nhận 9.000 hộp khẩu trang, hơn 70.000 bộ quần áo bảo hộ và 80.000 kính bảo hộ. Vũ Hán đã nhận được khoản quyên góp bằng tiền mặt trị giá 360 triệu USD, trong đó hơn 120 triệu USD đã được sử dụng. Riêng Hội Chữ thập Đỏ Vũ Hán đã nhận được 86 triệu USD, trong đó hơn 20 triệu USD đã được chi tiêu.
Tuy nhiên, sự thiếu hụt được đánh giá vẫn ở mức nghiêm trọng, bất chấp nhiều khoản quyên góp đã được đổ về Hồ Bắc. Theo Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Wang Jiangping, Vũ Hán hiện cần 3 triệu bộ quần áo bảo hộ sử dụng 1 lần mỗi tháng.
Các nhà sản xuất Trung Quốc đang cấp tốc sản xuất thêm thiết bị bảo hộ y tế. Ảnh: SCMP. |
Giới học giả cũng như nhân viên các tổ chức từ thiện cho biết nút thắt cổ chai trong phân phối hàng hóa từ thiện hiện nằm ở chỗ chính phủ Trung Quốc muốn tập trung hóa sự phân bổ hàng tiếp tế cũng như các khoản tiền quyên góp.
"Hội Chữ thập Đỏ ở Hồ Bắc không phải là một tổ chức lớn, chúng tôi không đủ khả năng để xử lý công tác hậu cần này. Nhiều nhân viên xã hội đang tìm cách bỏ qua các quy trình để phân phối trực tiếp hàng tiếp tế cho các cơ sở cần tới chúng", một nhân viên của Hội Chữ thập Đỏ Hồ Bắc cho biết.
Người này cho biết các nhân viên đã tự ý tạo ra một kênh đặc biệt để đẩy nhanh việc tiếp nhận các thiết bị y tế, vấn đề chính là bảo đảm hàng tiếp tế có thể đến được các bệnh viện.
Nhiều cơ quan truyền thông tại đại lục đã tham gia vào cơn bão chỉ trích Hội Chữ thập Đỏ, đồng thời kêu gọi chính phủ Trung Quốc giải quyết tình trạng tắc nghẽn hàng hóa và tiên quyên góp tại các tổ chức từ thiện. Truyền thông đại lục cho biết chỉ có khoảng hơn 20 nhân viên làm việc tại Hội Chữ thập Đỏ tỉnh Hồ Bắc, và 12 người làm việc tại Hội Chữ thập Đỏ thành phố Vũ Hán.
Trong bối cảnh đại dịch bùng phát và hàng tiếp tế đổ về, Hội Chữ thập Đỏ tỉnh Hồ Bắc đã tiếp nhận 30 nhân viên dịch vụ xã hội và thuê 50 tình nguyện viên để phục vụ công tác điều tiết. Mặc dù vậy, con số này được cho là không đáp ứng đủ khối lượng công việc xuất phát từ nhu cầu cấp thiết từ các thành phố tại tỉnh này.
Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn tại các đô thị nhỏ quanh Vũ Hán. Tại Hoàng Thạch, thành phố cách Vũ Hán 94vkm, một nhân viên xã hội cho biết các nhân viên y tế tại đây không còn quần áo và kính bảo hộ. "Tất cả những gì họ có là khẩu trang phẫu thuật, không phải khẩu trang N95".
Một số nhà tài trợ muốn gửi hàng tiếp tế trực tiếp tới các bệnh viện, nhưng hàng hóa của họ thường bị ngăn cản bởi Hội Chữ thập Đỏ, do tổ chức này được chính phủ Trung Quốc giao quản lý các khoản quyền góp xã hội.
"Điều đó có nghĩa là hàng tiếp tế chỉ được gửi đến những nơi mà họ (Hội Chữ thập đỏ) coi là quan trọng", nhân viên từ Hoàng Thạch cho biết.
Nhiều bài đăng trực tuyến cho thấy các bệnh viện phải gửi nhân viên tới các văn phòng của Hội Chữ thập Đỏ để cố giành lấy hàng tiếp tế. Tại thành phố Hoàng Cương, các bệnh viện cử nhân viên trực chiến 24 giờ tại văn phòng Hội Chữ thập Đỏ thành phố vì vấn đề hàng tiếp tế.
Nhiều học giả đại lục đang kêu gọi chính phủ Trung Quốc chấm dứt tập trung quyền quản lý hàng tiếp tế tại Hồ Bắc vào tay một số tổ chức. Ge Yunsong, giáo sư từ Đại học Bắc Kinh, cho rằng việc tiếp tục giao độc quyền tiếp nhận và phân phối hàng hóa, tiền quyên góp có thể khiến các nhà hảo tâm quay lưng với kêu gọi đóng góp do không tin tưởng vào sự minh bạch của các tổ chức nói trên.
Đồ họa: Minh Hồng. |