Ngày 6/11, người dân thôn Đại Phu, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, Hà Nội, đang thi công công trình nông thôn mới, đào được con “ngựa cổ” bên hai chum cổ đựng hài cốt cùng với chiếc lư hương đồng khiến nhiều người tò mò đổ dồn về xem. “Ngựa cổ” được phát hiện khi chỉ còn 3 chân và một vết thủng ở sườn trái với tư thế đang phi, miệng hí mở rộng và có màu xanh lục.
Liên quan đến vụ việc, PGS.TS Hoàng Văn Khoán (Cựu giảng viên khoa Lịch sử - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) cho biết: “Đây là con ngựa cổ được chôn theo mộ người thuộc dòng dõi nhà giàu hoặc quan lại ngày xưa. Chum nhỏ bên cạnh miệng khoảng 20cm, cao 30cm chắc chắn là một tiểu sành cải táng. Còn lư hương thì có niên đại sau nhiều năm”.
Phần đầu ngựa nhọn, miệng hí mở rộng cho thấy đây là kỹ thuật đúc đồng từ thời Hán, không giống với ngựa đồng Việt Nam. |
Vị giáo sư còn cho biết con “ngựa cổ” có nhiều chi tiết không phải là ngựa được đúc ở Việt Nam. Đầu ngựa nhọn, miệng hí mở rộng khác nhiều so với ngựa được đúc ở Việt Nam đầu vuông giống với ngựa thật, miệng hí không mở rộng. Ông cũng đặt nhiều giả thiết về việc ngựa chỉ có 3 chân.
Một là, con ngựa có 4 chân nhưng mất một chỉ còn ba, trường hợp này phải xem dấu vết ở vị trí khuyết chân nếu có ngàm lắp giống với các chân khác thì chắc chắn có chân còn lại và đã bị máy xúc đưa đi nơi khác.
Thứ hai, cũng có trường hợp ngựa 3 chân dị quái không giống ngựa thường (cũng giống như đền “độc cước” thờ vị thần một chân ở Sầm Sơn, Thanh Hóa). Rất có thể con ngựa này được đúc theo một sự tích của một vị tướng quân hay người chủ của nó.
“Với kỹ thuật đúc, tôi đoán con “ngựa cổ” bằng đồng này thuộc thời nhà Hán. Chum có hài cốt nhỏ miệng 20cm, cao 30cm là hình thức cải táng. Nếu như là chum to có thể chứa được một người ngồi trong đó thì là sự giao lưu văn hóa Sa huỳnh hoặc là Chăm-pa” – PGS.TS Hoàng Văn Khoán nói.