Hoạt động xả thải của các công ty chế biến hải sản đóng tại xã Tân Hải (huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) ra sông Chà Và vào tháng 9/2015 khiến hàng chục hộ nuôi cá bè rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất.
Hàng chục nhà nổi trên những bè nuôi ngày nào tấp nập người thì giờ vắng bóng người. Khi sự sống dưới mặt nước bị hủy diệt, nhiều hộ dân quyết định tháo bè, kéo bè đi nơi khác hoặc bỏ mặc cho sóng gió đánh chìm. Còn ít người bám trụ, sống với bè trong niềm hy vọng mong manh.
Bè cá của ngư dân bị bỏ hoang trên sông Chà Và. Ảnh: Ngọc An. |
Trong căn chòi nổi, bà Trần Thị Lê (47 tuổi, ngụ xã Long Sơn, TP Vũng Tàu) nhìn ra những ô nuôi với ánh mắt nặng trĩu lo âu, buồn phiền. Nghề nuôi cá gắn với bà suốt 10 năm và cũng là kế nghiệp nuôi sống cả gia đình.
Bà nói: “Những năm chưa xảy ra xả thải, chỉ cần bước đi trên bè đã thấy cá nổi lên từng đàn, quẫy tung mặt nước. Người buôn, người bán, người làm công đi lại tấp nập. Giờ thì hết rồi!”. Nói đến đây, người phụ nữ 47 tuổi đưa tay chống cằm, nhìn xa xăm rồi thở dài.
Bà Lê cho biết, thảm họa đến với gia đình bà và hàng chục hộ nuôi cá bè vào đêm ngày 5 rạng sáng 6/9/2015. Người phụ nữ 47 tuổi nhớ lại: “Đêm đó nước sông chuyển màu đỏ, bốc mùi hôi thối khiến toàn bộ cá trong bè nuôi nổi lên đớp bọt khí. Chúng tôi sục ôxy, tạo khí để cứu cá nhưng đến rạng sáng 6/9 thì chúng chết ồ ạt”. Bà cho biết thêm, 44 bè nuôi hàng chục tấn cá chim, bớp... chết trắng, gây thiệt hại cho gia đình trên 1,3 tỷ đồng.
Sau thảm họa cá chết, hàng chục ông chủ, bà chủ bè bỗng trở thành những con nợ của ngân hàng và các nguồn vay ngoài xã hội. Ông Nguyễn Văn An (69 tuổi, ngụ xã Long Sơn) cho biết, ông đang ôm số nợ 1,5 tỷ đồng. Trong đó nợ ngân hàng 420 triệu đồng, số còn lại là các khoản vay ngoài xã hội.
Ngư dân Dương Văn Hùng cho biết cá được nuôi trong bè trên sông Chà Và vẫn còn chết. Ảnh: Ngọc An. |
“Năm 2013, cá cũng chết hàng loạt khiến tôi trắng tay. Thấy tôi không có khả năng thanh toán vốn vay 1 tỷ đồng, những chủ nợ đã cho nhóm người xã hội đen đến nhà ép tôi giao ruộng muối gần 1 ha, ghe đánh cá trị giá 60 triệu đồng cho họ. Lần này lại lâm nợ, không biết sự việc sẽ đến đâu”, ông An chùng giọng.
Sau khi cho lưới vào kho, người đàn ông 69 tuổi có mái tóc bạc bước ra sàn gỗ rồi nhìn về những căn chòi vắng người ở xung quanh. Ông chỉ tay về từng chiếc rồi nói: “Kia là bè đứa con thứ 4, bên cạnh là của đứa con thứ 6. Tôi có 7 con trai đều làm nghề nuôi cá bè nhưng sau khi doanh nghiệp xả thải, chúng đều rơi vào thua lỗ. Giờ đứa lên bờ, đứa đi làm thuê, đứa ở lại hành nghề đánh bắt hải sản kiếm ăn qua ngày”.
9 tháng sau vụ cá chết ồ ạt, nhiều hộ dân có xu hướng đầu tư, tái đàn nhưn họ chỉ làm theo cách nghĩ “lời ăn - lỗ chịu”. Một ngư dân cho biết: “Nếu không nuôi cá thì chẳng biết làm nghề gì khác. Không lường trước được các công ty xả thải lúc nào nên chỉ dám đầu tư con giống trong khoảng 10 - 20 triệu đồng. Nếu họ tiếp tục xả thì ngư dân chúng tôi hết đường sinh nhai”.
Nước thải từ các doanh nghiệp đổ ra hồ chứa ở xã Tân Hải (huyện Tân Thành) có màu đỏ, bề mặt đóng váng trắng. Ảnh: Ngọc An. |
Ông Bùi Đức Bình, Phó chủ tịch UBND xã Long Sơn (TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu), cho biết việc xả thải ra môi trường của 14 công ty chế biến hải sản khiến 33 hộ nuôi cá bè trên sông Chà Và thiệt hại nghiêm trọng. Hộ nhiều nhất bị thiệt hại trên 3 tỷ đồng, hộ ít nhất là 400 triệu đồng.
Sau vụ việc, chính quyền phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức đối thoại, đề nghị các công ty xả thải bồi thường nhưng không thành. “Hiện tại, các tổ chức luật sư tại Vũng Tàu đã ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với các hộ dân để kiện 14 doanh nghiệp gây ô nhiễm ra tòa”, ông Bình nói.
Vị phó chủ tịch xã Long Sơn cũng lo ngại nguồn nước thải tại hồ chứa sau các công ty thoát ra môi trường thông qua cống xả số 6 (xã Tân Hải, huyện Tân Thành) tiếp tục gây ô nhiễm. Ông Bình khẩn khoản: “Khi thủy triều rút hoặc về mùa mưa, lượng nước thải dễ thoát ra ngoài, đe dọa môi trường. Rất mong các đơn vị có thẩm quyền đứng ra xử lý, có biện pháp ngăn chặn ô nhiễm”.
Tháng 9/2015, cá bè của hàng chục hộ dân nuôi trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu) chết hàng loạt. Xác định nguyên nhân do các nhà máy chế biến hải sản xả thải, người dân đã chở cá lên UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để yêu cầu giải quyết vụ việc.
Kết quả nghiên cứu, khảo sát của cơ quan chức năng xác định 14 cơ sở chế biến hải sản bột cá đóng tại xã Tân Hải (huyện Tân Thành) xả thải chưa qua xử lý ra khu vực cống số 6 và đổ thẳng ra sông khiến cá chết.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT, cá chết khiến ngư dân thiệt hại trên 18 tỷ đồng. Viện Môi trường và Tài nguyên cũng kết luận, nguyên nhân khiến cá chết đa phần do nguồn nước bị ô nhiễm bởi hoạt động xả thải của 14 doanh nghiệp.
Ngày 9/5, 20 luật sư tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với 33 hộ dân nuôi cá lồng để khởi kiện 14 doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường, làm cá chết hàng loạt.