Ngày 9/5, 20 luật sư tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với 33 hộ dân nuôi cá lồng để khởi kiện 14 doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường, làm cá chết hàng loạt. Buổi ký kết diễn ta tại UBND xã Long Sơn (TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Tại đây, nhóm luật sư cũng hướng dẫn ngư dân hoàn thiện các thủ tục khởi kiện, củng cố chứng cứ, hồ sơ. Mỗi hộ dân làm 1 hồ sơ để kiện cùng lúc 14 doanh nghiệp.
Cá bè của ngư dân trên sông Chà Và chết hàng loạt vào tháng 9/2015. Ảnh: N.A |
Trong ngày, ngư dân cùng luật sư đã thống nhất kiện doanh nghiệp xả thải lên Tòa án nhân dân TP Vũng Tàu.
Trước khi ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với ngư dân, các luật sư tổ chức họp tại văn phòng Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để thống nhất thủ tục pháp lý, phân công nhiệm vụ thực hiện các bước giúp người dân. Một luật sư cho biết, Đoàn luật sư tỉnh từng tham gia vụ kiện Công ty Vedan xả thải nên có kinh nghiệm trong vụ việc tương tự.
Ông Hoàng Long Hà, Phó Chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, quy mô và mức thiệt hại không lớn bằng vụ khởi kiện Công ty Vedan nhưng vụ này phức tạp hơn vì có tới 14 doanh nghiệp là bị đơn. Theo ông Hà, hướng giải quyết nhanh và tiện lợi nhất là giải hòa và buộc các doanh nghiệp xả thải bồi thường thiệt hại.
“Khi thắng kiện, các tổ chức luật sư chỉ hưởng 5% số tiền ngư dân được bồi thường. Để thuận lợi cho ngư dân, luật sư thống nhất nhận tiền sau khi thi hành án”, luật sư Hoàng Long Hà nói.
Ngư dân làm việc với các luật sư để củng cố hồ sơ khởi kiện. Ảnh: N.A |
Để buộc các doanh nghiệp xả thải bồi thường thiệt hại, những hộ nuôi cá bè tập hợp các hợp đồng mua bán cá, hợp đồng thức ăn chăn nuôi rồi cung cấp lực lượng chức năng.
Trong buổi làm việc, đại diện Sở NN-PTNT cũng thống nhất với người dân và dựa vào các báo cáo kết luận thanh tra của Sở TN-MT (Bà Rịa - Vũng Tàu) để yêu cầu mức bồi thường. Theo đó, từ việc tổng hợp các nguồn, sở này và ngư dân nhất trí đề nghị doanh nghiệp bồi thường tổng số tiền trên 18 tỷ đồng.
Trước việc bị người dân khởi kiện, 14 doanh nghiệp đã hợp tác với một văn phòng luật sư để bảo vệ quyền lợi.
Theo ngư dân, cá ồ ạt chết vào tháng 9/2015 đã đẩy nhiều gia đình vào cảnh nợ nần, không thể tái đầu tư, sản xuất. Họ bị thiệt hại từ 200 triệu đồng đến 3 tỷ đồng sau vụ ô nhiễm.
Ngư dân Lê Văn Thuận nói: “Tôi là người gánh chịu hậu quả nặng nề. Cá chết khiến kinh tế gia đình suy sụp. Thiệt hại gần 3 tỷ đồng nên rất mong muốn nhận được tiền đền bù để trả nợ”.
Tháng 9/2015, cá bè của hàng chục hộ dân nuôi trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu) chết hàng loạt. Xác định nguyên nhân do các nhà máy chế biến hải sản xả thải, người dân đã chở cá lên UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để yêu cầu giải quyết vụ việc.
Kết quả nghiên cứu, khảo sát của cơ quan chức năng xác định 14 cơ sở chế biến hải sản bột cá xả thải chưa qua xử lý ra khu vực cống số 6 và đổ thẳng ra sông khiến cá chết.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT, cá chết khiến ngư dân thiệt hại trên 18 tỷ đồng. Viện Môi trường và Tài nguyên cũng kết luận, nguyên nhân khiến cá chết đa phần do nguồn nước bị ô nhiễm bởi hoạt động xả thải của 14 doanh nghiệp.
14 doanh nghiệp chế biến hải sản xả thải bị kiện là: Doanh nghiệp tư nhân Trọng Đức, Công ty TNHH Hòa Thắng, Công ty TNHH Phước An, Doanh nghiệp tư nhân Tân Thành, Doanh nghiệp tư nhân chế biến bột cá Phúc Lộc, Công ty TNHH Nghê Huỳnh, Doanh nghiệp tư nhân Đông Hải, Doanh nghiệp tư nhân Trung Sơn, Doanh nghiệp tư nhân Thương Thương, Doanh nghiệp tư nhân Đại Quang, Doanh nghiệp tư nhân Gia Hòa, Doanh nghiệp tư nhân Mỹ Sương, Chi nhánh Doanh nghiệp tư nhân Thành Đạt.
Các doanh nghiệp đóng tại xã Tân Hải, huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) và xả thải ra sông qua khu vực cống số 6.