Ngày 8/5, ông Nguyễn Đức Quyền - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo vụ việc cá chết trên sông Bưởi (huyện Thạch Thành) lên Thủ tướng Chính phủ.
Trong báo cáo này, UBND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa xác định nguyên nhân và mức độ ô nhiễm và biện pháp xử lý môi trường nước sông Bưởi; giao Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Thanh Hóa, Công an tỉnh Hòa Bình tiến hành điều tra, xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Nước sông Bưởi ô nhiễm khiến cá nuôi lồng chết hàng loạt trên sông Bưởi. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Ngoài ra, báo cáo cũng kiến nghị Thủ tướng giao giao UBND tỉnh Hòa Bình kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Nhà máy mía đường Hòa Bình; công khai thông tin các nguồn thải vào lưu vực sông Bưởi.
UBND tỉnh Hòa Bình cũng cần phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa xác định mức độ thiệt hại đến môi trường do Nhà máy đường Hòa Bình gây ra và có biện pháp hỗ trợ các hộ dân nuôi cá lồng trên địa bàn huyện Thạch Thành bị thiệt hại.
Cuối báo cáo, UBND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Thanh Hóa thực hiện xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nguồn nước sông Bưởi đảm bảo chất lượng nước cho nhân dân ổn định sản xuất và sinh hoạt.
Trong khi đó, ngày 9/5, đại tá Lê Trung Hiếu - Trưởng phòng Tham mưu (Công an tỉnh Thanh Hóa) cho biết cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã gửi mẫu vật phẩm cá chết và nước sông Bưởi trưng cầu giám định tại Viện Khoa học kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) để điều tra, làm rõ vụ việc cá chết trên sông Bưởi trong những ngày vừa qua.
Theo đại tá Hiếu, kết quả điều tra ban đầu cho thấy, từ 4/5 đến 7/5, trên sông Bưởi, đoạn chảy qua địa bàn xã Thạch Lâm đến xã Thành Vinh (huyện Thạch Thành) xảy ra hiện tượng cá sông và cá nuôi lồng bè của người dân chết hàng loạt.
Đến thời điểm hiện tại đã có 73 lồng cá của người dân ở các xã Thạch Lâm, Thạch Quảng, Thành Mỹ, Thành Vinh đã bị chết. Tổng số lượng cá chết ước tính khoảng 17,2 tấn.
Nước sông Bưởi chuyển màu đục, nổi bọt trắng do bị ô nhiễm. Ảnh: N.D. |
Ngoài ra, tình trạng nước sông Bưởi ô nhiễm đã đe dọa đến nguồn nước sinh hoạt của người dân tại 15 xã của huyện Thạch Thành và nguy cơ lan đến 7 xã khác của huyện Vĩnh Lộc. Nguyên nhân do nước sông Bưởi bị ô nhiễm, đổi màu đục, nổi bọt và bốc mùi hôi thối.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Sở TN&MT Thanh Hóa đã phối hợp với Sở TN&MT Hòa Bình phát hiện nhà máy đường Hòa Bình xả thải chưa qua xử lý ra sông Bưởi gây ô nhiễm nguồn nước.
Theo biên bản kết luận, nhà máy đường Hòa Bình đã thừa nhận xả nước chưa qua xử lý ra sông Bưởi với lưu lượng xả thải khoảng 300 m3/ngày đêm từ ngày 15/3 đến 25/4 vừa qua.
Ngày 7/5, ông Nguyễn Đức Quyền - Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa đã dẫn đầu đoàn công tác đến hiện trường để khảo sát thực trạng ô nhiễm nguồn nước trên sông Bưởi và tình trạng cá nuôi lồng chết trắng ở xã Thành Vinh (huyện Thạch Thành).
Ông Quyền khẳng định, đây là sự cố môi trường rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, sức khỏe và đời sống của nhân dân.