Bà Khúc Thị Hoa Phượng nói về chuỗi hoạt động tại phố sách Hà Nội. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam. |
“Hà Nội 12 mùa sách” là chuỗi hoạt động cộng đồng đang diễn ra ở Phố Sách Hà Nội, với sự tham gia của ba đơn vị: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Công ty Cổ phần Xuất bản & Giáo dục Quảng Văn. Tọa đàm “Ngôn ngữ & Nguồn cội” là sự kiện đáng chú ý trong chuỗi hoạt động cộng đồng này.
Ngôn ngữ đã tái hiện những biến động của lịch sử
Theo bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, ngôn ngữ gồm tiếng nói và chữ viết, chúng là tài sản quý báu của dân tộc. Hiện nay, chúng ta đang dùng chữ Quốc ngữ, bắt nguồn từ bảng chữ cái Latin. Nhưng trước đó, người Việt đã dùng một số loại chữ tượng hình. Vì những thăng trầm của lịch sử mà chữ viết của người Việt đã có nhiều thay đổi.
"Hà Nội 12 mùa sách" đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc nhỏ tuổi. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam. |
Chữ Quốc ngữ mà chúng ta dùng ngày nay, cũng có nhiều khác biệt so với khi nó mới xuất hiện. Những thay đổi đó đã chứng tỏ nỗ lực không ngừng của những trí thức thế hệ trước, để cải tiến chữ Quốc ngữ, khiến nó trở thành một công cụ tiện lợi hơn.
Trước đây, học giả Phạm Quỳnh từng nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Bởi vậy, học tiếng Việt là việc rất quan trọng với người Việt, dù họ sống xa Tổ quốc. Nhân chuỗi sự kiện cộng đồng này, ban tổ chức đã kêu gọi bạn đọc ủng hộ sách tiếng Việt cho các em nhỏ gốc Việt đang sống ở Berlin, Đức.
Học tiếng Việt, dù chúng ta sống ở bất cứ đâu
Đối với những Việt kiều sống xa Tổ quốc, việc dạy tiếng Việt cho thế hệ sau rất quan trọng. Ở đâu có cộng đồng người Việt, đều có lớp dạy tiếng Việt cho các em nhỏ. Nếu sống ở vùng có ít người Việt, các bậc cha mẹ có thể đăng ký cho con theo học các lớp dạy tiếng Việt trực tuyến.
Họa sĩ Ngô Xuân Khôi, một khách mời của chương trình, cho biết: “Hành trang của nhiều bạn trẻ trên đường đi du học ngoài ngoại ngữ, còn có cả tiếng Việt. Dù ở Mỹ, Pháp, Nhật hay bất kỳ nước nào, đều có những bạn trẻ tham gia tích cực vào việc dạy tiếng Việt cho trẻ em gốc Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài.
Một số đầu sách của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam. |
Thù lao của công việc này không cao, việc soạn giáo án và giảng dạy cũng vất vả và mất khá nhiều thời gian, nhưng các em vẫn rất hào hứng. Đó là một điều đáng mừng, để tự tin bước ra thế giới, trước hết chúng ta cần hiểu về dân tộc mình”.
Là một đơn vị cho ra mắt hàng loạt đầu sách về giáo dục, trong đó có nhiều sách cho trẻ mầm non và tiểu học, ông Trịnh Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất bản & Giáo dục Quảng Văn đã chia sẻ có một số phụ huynh người Việt ở nước ngoài đã gặp khó khăn khi mua sách cho con.
Trước kia, nhiều người đã phải nhờ bạn bè, người thân mang sách thiếu nhi từ Việt Nam sang mỗi lần có ai đó về nước. Giờ đây, việc mua sách tiếng Việt, sách song ngữ Anh-Việt ở nước ngoài đã dễ dàng hơn, đó là tín hiệu đáng mừng.
"Chúng tôi hy vọng, các đầu sách song ngữ Anh-Việt dành cho trẻ em của Quảng Văn và một số đơn vị xuất bản khác, có thể giúp các bạn nhỏ người Việt sống ở nước ngoài học tiếng Việt dễ dàng hơn. Đọc sách là cách tự nhiên, hiệu quả và thú vị để con trẻ học một thứ tiếng nào đó, dù đó là tiếng mẹ đẻ hay ngoại ngữ”, ông Tuấn nói.
Ngoài tọa đàm “Ngôn ngữ & Nguồn cội”, chương trình cộng đồng “Hà Nội 12 mùa sách” còn có nhiều hoạt động ý nghĩa như: Trưng bày sách hay, ủng hộ sách cho em nhỏ ở hai xã miền núi khó khăn là Ma Thì Hồ và Pa Thơm của tỉnh Điện Biên. Bên cạnh đó, bạn đọc có thể tới phố sách Hà Nội để mua nhiều đầu sách hấp dẫn với giá ưu đãi.