Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngọn lửa bốc mùi tiền đang đốt cháy rừng Amazon

Hàng nghìn vụ đốt rừng để tạo thêm không gian chăn nuôi gia súc tại rừng Amazon ở Brazil được xem là thảm họa, song các trang trại địa phương có quan điểm khác.

Với hàng nghìn vụ cháy có chủ đích xảy ra trên diện tích khổng lồ, rừng nhiệt đới Amazon ở Brazil đã mịt mù khói trong những tuần gần đây.

Đường sá và sân bay bị bao phủ trong lớp khói mù đặc quánh. Chính quyền các địa phương ban bố tình trạng khẩn cấp và khuyên mọi người ở trong nhà. Nhiều người ho và khạc nhổ, vì các hạt bụi gây kích ứng xâm nhập phổi.

Đối với hầu hết người sống và làm việc tại Amazon - cũng như các nhà hoạt động môi trường trên toàn cầu - những đám cháy này được xem là thảm họa chưa từng thấy. Chúng không chỉ gây ra các mối đe dọa trước mắt về sức khỏe mà còn tàn phá nhiều diện tích của khu rừng khổng lồ đóng vai trò thiết yếu trong việc hấp thu CO2.

Tuy nhiên, đối với một số ít người, khói chỉ mang theo mùi tiền: các chủ trang trại, một thế lực lớn trong nền kinh tế Brazil, đã đốt rừng tạo thêm không gian để chăn thả được nhiều gia súc hơn.

dot rung amazon o brazil anh 1
Khói từ việc đốt rừng Amazon gần một trang trại gia súc ở bang Mato Grosso hồi cuối tháng 8. Ảnh: New York Times.

Sinh kế hay môi trường?

Khoảng 200 triệu con gia súc được nuôi tại Brazil, với khoảng 45.000.000 ha rừng được chuyển đổi thành đồng cỏ gia súc trong những thập kỷ gần đây, theo Trường Lâm nghiệp thuộc Đại học Yale.

Các chuyên gia nói 80% diện tích bị tàn phá tại Amazon trong những năm gần đây xuất phát từ việc chăn thả gia súc. Điều này dẫn đến các chiến dịch quốc tế nhằm gây áp lực buộc các công ty cung cấp thịt từ bỏ việc mua gia súc từ các trang trại đốt rừng như vậy.

Đốt là cách nhanh chóng, và bất hợp pháp, nhằm biến những khu rừng rậm rạp thành những cánh đồng phù hợp để chăn thả. Việc thiếu biện pháp cưỡng chế, cũng như hiếm khi có người nộp phạt, khiến chủ các trang trại lớn dễ dàng chọn cách đốt rừng, trong khi họ thường sống ở các thành phố cách xa các đám cháy hàng trăm km.

Chủ của các trang trại nhỏ hơn, những người thực sự sống ở trang trại của họ, ít có khả năng đốt rừng quy mô lớn.

Lenaldo Batista Oliveira, 63 tuổi, chủ một trang trại nhỏ ở bang Pará, cho biết ông đã chứng kiến nhiều vụ cháy trong nhiều năm từ hiên nhà bếp của căn lều gỗ, nơi ông nghỉ ngơi trong lúc chăn dắt 100 con gia súc. Song ông nói ông càng ngày càng thấy khó chịu bởi số lượng các vụ cháy mà ông chứng kiến.

"Họ nghĩ rằng họ có thể đốt rừng nhiều như họ muốn", ông phàn nàn về những "người hàng xóm" lớn hơn và có thế lực hơn.

dot rung amazon o brazil anh 2
Một trang trại xâm lấn vào khu vực rừng Amazon ở bang Rondônia, Brazil. Ảnh: New York Times.

Đối với những người chăn gia súc hay lao động tại các trang trại với đồng lương ít ỏi, cảm giác về việc đốt rừng không giống nhau. Trong khi một số người kiên quyết phản đối việc này, những người khác xem đây là tội lỗi cần thiết để họ không thất nghiệp.

"Chúng tôi thức dậy mà không thể thở bình thường", Roberto Carlos Carlos da Silva, công nhân 48 tuổi và đang làm tại một trang trại được chăm sóc cẩn thận tên là Fazenda Nossa Senhora ở bang Pará, cho biết. "Tạo ra thêm đất cho gia súc chỉ giúp người giàu. Người nghèo chỉ có chịu đựng khói khi họ phải đầu tắt mặt tối dập tắt các đám cháy mà thôi".

Cách đó nửa dặm, một ngọn lửa đang lan khắp cánh đồng. Những người làm việc tại Fazenda Nossa Senhora khẳng định rằng đám cháy này xuất phát từ một trang trại khác.

Miguel Pereira, 52 tuổi, một người chăn gia súc trong trang trại, nói ông cũng không thích khói từ những đám cháy như vậy, nhưng ông có cách nhìn khác.

"Nếu bạn chỉ bảo vệ môi trường, thì nông dân sẽ là người chịu áp lực với mọi chi tiêu của họ", ông nói. "Nếu bạn không thể phá một ít rừng, thì không có cách nào để bạn có thể nuôi nhiều gia súc hơn. Bạn cần tạo ra một tình thế tốt cho cả hai bên".

Chính phủ có quy định để giám sát và điều chỉnh tình trạng phá rừng do người chăn gia súc và những người khác gây ra, nhưng luật lệ được thực thi một cách bừa bãi, và sự rộng lớn, cách trở của rừng nhiệt đới Amazon càng làm các nỗ lực chấp pháp thêm khó khăn.

dot rung amazon o brazil anh 3
Một trang trại gia súc đốt rừng để mở rộng diện tích ở bang Rondônia, Brazil, nhìn từ trên cao. Ảnh: New York Times.

Lỗ hổng lớn

Giám sát rừng Amazon thậm chí còn không phải là ưu tiên từ khi Tổng thống Jair Bolsonaro lên nắm quyền hồi tháng 1. Ông là một nhà dân túy cánh hữu và đặt sự phát triển kinh tế lên trước các vấn đề môi trường. Nhiều chủ trang trại và nông dân đã xem lập trường này như "đèn xanh" để đốt cháy thêm nhiều diện tích rừng.

Điều đó không có nghĩa là không có hậu quả nào đối với các chủ trang trại đã gây ra các vụ cháy. Ba nhà cung cấp thịt lớn nhất Brazil đã cam kết không mua gia súc trực tiếp từ các trang trại sử dụng đất rừng bị phá bất hợp pháp.

Song có một lỗ hổng lớn xung quanh sự cam kết này: gia súc thường xuyên được "rửa nguồn" trong chuỗi cung ứng. Chúng sinh ra ở một trang trại nơi rừng bị chặt phá trái phép và vỗ béo ở một trang trại khác mới hình thành do đốt rừng, trước khi được bán cho trang trại cuối cùng, nơi tuân thủ luật pháp Brazil và các công ước môi trường quốc tế.

Hầu hết thịt bò sản xuất được tiêu thụ trong nước, mặc dù lượng xuất khẩu cũng đáng kể, đặc biệt là sang Trung Quốc.

Đôi khi, quy trình "rửa nguồn" thịt phụ thuộc vào những người trung gian bán gia súc cho các công ty thịt, nhưng việc này cũng có thể diễn ra hoàn toàn bên trong một trang trại. Các chủ trang trại chăn thả bò trong các cơ sở của họ, sau đó nộp giấy tờ cho các công ty thịt và chỉ liệt kê tên của cơ sở nơi gia súc của họ được nuôi trên đất cho phép.

dot rung amazon o brazil anh 4
Một cơ sở giết mổ và chế biến thịt tại thành phố Porto Velho, bang Rondônia, Brazil. Ảnh: New York Times.

Tại Fazenda Nossa Senhora, một trang trại lớn với 1.000 đầu gia súc, một phía của hàng rào là đất cho phép chăn nuôi gia súc theo thỏa thuận năm 2009 giữa các công ty thịt lớn và tổ chức Greenpeace để ngăn chặn nạn phá rừng - nhưng phía bên kia của hàng rào lại là nơi việc đốt rừng đã diễn ra trong vài năm gần đây.

Một số người sống và làm việc trong trang trại cho biết gia súc có thể đi qua đi lại hàng rào này mọi lúc.

"Gia súc cần phải thay đổi đồng cỏ", ông Pereira, một người chăn bò, cho biết. "Khi một bên hết cỏ, bạn phải đưa gia súc sang phía bên kia".

Chủ trang trại, vốn nói rằng họ không đốt rừng mới, cảm thấy lợi nhuận của họ đang bị chèn ép và thất vọng về các quy định chống phá rừng.

"Tôi đang mất tiền vì họ không cho tôi chặt thêm cây", Valdemar Gamba, người có gia đình sở hữu Fazenda Gramado II, một trang trại rộng 36 ha với 200 đầu gia súc, nói. "Họ nói rất nhiều về việc bảo tồn Amazon, nhưng tôi không bao giờ thấy một nhà sản xuất nào kiếm được tiền từ việc bảo tồn này".

Bất kể quan điểm của họ về biến đổi khí hậu và công tác bảo tồn, người chăn nuôi đều cảm nhận được tác động của một hành tinh đang nóng lên và lo lắng về việc những đám cháy kia sẽ khiến cuộc sống của họ và động vật trở nên khó khăn hơn ra sao.

"Chúng tôi sống mà không còn những tán cây và thời tiết ngày càng nóng hơn vì có ít cây hơn", ông Luis Rodriguez, một người chăn bò 53 tuổi, chăm sóc một đàn 350 con gia súc tại trang trại Fazenda Universal ở bang Pará, cho hay. "Ngay cả gia súc cũng khổ vì ngày càng khô hạn".

dot rung amazon o brazil anh 5
Một mảng rừng bị đốt bên cạnh một trang trại gia súc ở bang Mato Grosso. Ảnh: New York Times.

'Sói' Paulo - người bảo vệ Amazon vừa bị lâm tặc sát hại

Lãnh đạo các bộ lạc thổ dân cáo buộc những phát biểu và hành động thù địch của Tổng thống Bolsonaro đã thúc đẩy tình trạng bạo lực nhắm vào thổ dân thời gian qua.

Rừng Amazon sẽ chạm 'giới hạn không thể đảo ngược' vào năm 2021

Nạn phá rừng tăng vọt cùng các chính sách của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro có thể đẩy rừng nhiệt đới Amazon đến "điểm tới hạn" không thể đảo ngược trong vòng 2 năm.

Đông Phong

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm