“Thế giới đã thức tỉnh và góc nhìn của tôi là gió đã đổi chiều”, ông Pompeo phát biểu tại Atlantic Council, viện chính sách về quan hệ quốc tế ở Washington. “Tôi nghĩ đang có sự chuyển biến mạnh mẽ trong cách thế giới nhìn nhận mối đe dọa từ Trung Quốc”.
Theo South China Morning Post, ông Pompeo cho biết ưu tiên của chính quyền Mỹ gần đây là giúp người dân hiểu được mối đe dọa từ Trung Quốc đối với kinh tế và an ninh quốc gia. “Hàng chục triệu việc làm đã bị mất đi bởi cách làm thương mại gian lận của Trung Quốc ở Mỹ”, ông nói.
Ông lập luận rằng việc phương Tây cạnh tranh với Huawei sẽ khiến chuẩn mực toàn cầu được cải thiện.
“Tôi tự tin rằng sẽ có các sản phẩm giá cả phải chăng từ những nhà cung cấp uy tín của phương Tây, mà có chất lượng tương tự hoặc tốt hơn” so với Huawei, ông Pompeo phát biểu. Ông thừa nhận khó có thể đánh bại Trung Quốc về giá cả, do chính sách trợ cấp của Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: AFP. |
Ông nói mô hình kinh tế của Trung Quốc dựa vào các công ty “đánh cắp công nghệ Mỹ, mang về nước, rồi lại quay sang và bán phá giá sản phẩm về lại Mỹ và ra thế giới”.
Mỹ đã theo đuổi chính sách “nước Mỹ trên hết” từ khi ông Trump lên nắm quyền, rút nước Mỹ khỏi một số thỏa thuận, định chế quốc tế.
Theo chỉ số quyền lực mềm “Soft Power 30 index”, phản ánh khả năng ảnh hưởng thông qua thuyết phục thay vì cưỡng ép, Mỹ rớt từ thứ 3 xuống thứ 5, từ năm 2017 sang năm 2019. Trung Quốc từ vị trí thứ 25 xuống 27 trong cùng giai đoạn này. Pháp đứng đầu trong cả hai năm.
Dù vậy, Trung Quốc lại không tận dụng được khoảng trống mà Mỹ bỏ lại. Thay vào đó, Bắc Kinh còn bị quốc tế nghi ngờ nhiều hơn khi mạnh tay trong các tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ và Nhật Bản, điều tàu xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế các nước Đông Nam Á.
Nhiều tháng qua, Bắc Kinh càng bị quốc tế chỉ trích vì những sai lầm ban đầu trong chống dịch Covid-19, những lô hàng y tế chất lượng kém.
Ngày càng nhiều đồng minh của Mỹ, gồm Anh, Đức, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, đã có động thái ngăn cản Huawei triển khai mạng thế hệ mới 5G, vì lo ngại đánh cắp dữ liệu.
Greta Nabbs-Keller, nhà nghiên cứu tại Đại học Queensland của Australia, nêu lo ngại Mỹ - Trung sẽ đụng độ khi mà những trao đổi hai bên ngày càng ít đi.
“Có nguy cơ đụng độ về quân sự giữa Mỹ - Trung, nhất là ở Biển Đông”, bà nói với South China Morning Post, cho rằng một đụng độ nhỏ cũng có thể có “dư chấn” ảnh hưởng đến toàn bộ châu Á.