Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngoại trưởng Mỹ sắp có chuyến công du dài bất thường đến Vòng Bắc Cực

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ thăm Đan Mạch, Iceland và Greenland trong một chuyến công du kéo dài bất thường, báo hiệu tầm quan trọng của khu vực đối với chính quyền Biden.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết ông Blinken sẽ có chuyến công du đến Copenhagen, Reykjavik và Kangerlussuaq từ ngày 16/5 đến ngày 20/5, theo Nikkei Asia.

Theo lịch trình, ngoại trưởng Mỹ sẽ tham gia phiên họp của Hội đồng Bộ trưởng Bắc Cực trong hai ngày 19 và 20/5 cùng với một số hoạt động khác.

ngoai truong My den Vong Bac Cuc anh 1
Ngoại trưởng Mỹ Blinken trong chuyến công du đến Ukraine ngày 6/5. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ.

Những chỉ dấu trong quan hệ Mỹ - Nga

Xuyên suốt chuyến công du, ông Blinken sẽ gặp song phương với quan chức ngoại giao các nước, trong đó có Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.

Buổi tiếp xúc của ngoại trưởng Mỹ - Nga sẽ mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Người đứng đầu hai nước dự kiến ​​đối thoại tại một thành phố châu Âu sau hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels vào ngày 14/6. Đại điểm tổ chức cuộc gặp nhiều khả năng là Vienna.

Bà Heather Conley, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết: "Tôi rất ngạc nhiên về độ dài của chuyến đi. Hoạt động này củng cố tầm quan trọng của khu vực".

Phần quan trọng nhất của chuyến đi sẽ không phải là cuộc thảo luận của Hội đồng Bắc Cực mà là cuộc gặp song phương của ông Blinken với ông Lavrov, bà Conley nói.

Nhà nghiên cứu từ CSIS cho rằng: “Chính quyền Biden hy vọng rằng Bắc Cực và (vấn đề) khí hậu có thể là những nội dung tích cực của chương trình nghị sự” trong mối quan hệ Mỹ - Nga.

Bằng cách duy trì mối quan hệ Mỹ - Nga trong một " khuôn khổ được kiểm soát", chính quyền Mỹ hướng mọi sự tập trung vào Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bà Conley cho biết.

Dù vậy, Mỹ sẽ không ảo tưởng về ý định quân sự của Nga, trong khi cố gắng ổn định quan hệ song phương với Moscow.

Bà Conley nói rằng: “Chúng ta cần tiến hành chiến tranh chống tàu ngầm một cách thận trọng hơn ở khu vực Bắc Đại Tây Dương, nhất là với hoạt động quân sự của Nga trong khu vực giữa Greenland - Iceland - Anh”.

Khu vực GIUK này đóng vai trò là cửa ngõ để Hạm đội phương Bắc của Nga tiến vào Đại Tây Dương.

Bên cạnh đó, bà Conley còn cho rằng Moscow đang phát triển một thiết bị không người lái hoạt động dưới nước, được trang bị vũ khí hạt nhân.

Vũ khí này có thể tiếp cận các bờ biển của Mỹ mà không bị phát hiện. Khi phát nổ, chúng làm nước biển nhiễm phóng xạ và gây ra một "cơn sóng thần hạt nhân".

ngoai truong My den Vong Bac Cuc anh 2

Một máy bay P-8A của Mỹ nằm trên Căn cứ Không quân Keflavik ngày 4/1. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Tham vọng của Mỹ ở Vòng Bắc Cực

Trong khi đó, các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở khu vực Bắc Cực giai đoạn này chưa có dấu hiệu rõ ràng.

Tuy nhiên, theo một báo cáo của CSIS, các tàu ngầm và hạm đội tàu phá băng đang phát triển của Trung Quốc "sẽ dành đáng kể thời gian ở Bắc Băng Dương” năm 2050.

Điều này đòi hỏi “Mỹ phải tập trung vào cuộc chiến chống tàu ngầm của Trung Quốc ở cả khu vực GIUK và eo biển Bering".

Các nhà nghiên cứu tại CSIS, trong đó có bà Conley, tin rằng những hoạt động này của Bắc Kinh có thể sẽ buộc Washington phải chuyển một phần lực lượng từ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sang Bắc Cực.

Trong thời gian ở Iceland, Ngoại trưởng Blinken cũng sẽ có chuyến đi mang tính biểu tượng cao tới Căn cứ Không quân Keflavik, một cơ sở của quân đội Mỹ thời Chiến tranh Lạnh vốn đã đóng cửa vào năm 2006.

Tại đây, Mỹ đang tân trang lại cơ sở hạ tầng để máy bay P-8 Poseidon có thể đáp xuống. Nỗ lực trên là một phần trong các biện pháp tăng cường giám sát của Mỹ, nhằm chống lại tàu Nga và tàu ngầm Trung Quốc hoạt động trong vùng biển này.

Cuối hành trình, ông Blinken sẽ đến thăm Greenland, nơi Mỹ vừa mở lại lãnh sự quán vào năm 2020 sau gần bảy thập niên đóng cửa.

Trước đó, cựu Tổng thống Donald Trump đã thể hiện ý muốn mua lại Greenland. Dù vậy, chính phủ Đan Mạch đã không đồng ý.

Trong thời gian qua, Mỹ đã dành nhiều sự quan tâm đối với khu vực High North thuộc vùng biển Bắc Cực. Bà Conley chỉ ra một thực tế rằng các lực lượng khác nhau của quân đội Mỹ đã công bố tới 7 bản chiến lược Bắc Cực trong vòng hai năm qua.

Nga đưa Mỹ và Czech vào nhóm nước 'không thân thiện'

Moscow xem Mỹ và Cộng hòa Czech là những quốc gia có hoạt động chống lại Nga, đồng thời áp đặt hạn chế tuyển dụng với cơ quan đại diện ngoại giao của các nước này.

Phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ bị trục xuất khỏi Nga

10 nhà ngoại giao Mỹ, trong đó gồm phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Moscow, đã bị Nga trục xuất. Động thái này được cho là nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt của Mỹ.



Phạm Ân

Bạn có thể quan tâm