“Quan hệ giữa hai nước chúng ta có tầm quan trọng, và dựa trên việc cùng thấu hiểu con đường chung về phía trước - đó là con đường chung về kinh tế thẳng hàng giữa hai nước”, Ngoại trưởng Mike Pompeo trả lời câu hỏi của Zing về dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt - Mỹ và về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ông cho rằng phía Mỹ và các đối tác ở Việt Nam đã làm tốt trong việc “tạo cơ hội cho người Việt Nam, để phát triển và thịnh vượng, để đưa đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ vào Việt Nam”.
Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định tầm quan trọng của quan hệ Việt - Mỹ. Ảnh: Getty. |
Ông cũng nói sẽ có nhiều cơ hội chảy về Việt Nam do quyết định dịch chuyển chuỗi cung ứng của các công ty.
“Tôi nghĩ các đối tác của chúng tôi ở Đông Nam Á có khả năng hưởng lợi từ điều đó”, ông Pompeo nói tại buổi họp báo trực tuyến do Trung tâm Báo chí Đối ngoại Washington - Bộ Ngoại giao Mỹ, tổ chức ngày 9/7.
Cam kết theo đuổi chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Nhắc lại lập trường của Mỹ thời gian qua, Ngoại trưởng Pompeo nói Trung Quốc là thách thức “rất nghiêm trọng” cho Đông Nam Á và một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở.
Về chiến lược của Mỹ tại khu vực, ông khẳng định chính quyền Tổng thống Trump đã đặc biệt coi trọng hai khía cạnh. Thứ nhất, Mỹ đã nêu lên “những thách thức mà Trung Quốc gây ra đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về nhiều phương diện - ngoại giao, kinh tế, quân sự”.
“Về cả mặt hạ tầng viễn thông, an ninh mạng và đánh cắp tài sản trí tuệ”, ông Pompeo nói. “Không chỉ của những nhà sáng chế Mỹ, mà còn trên thế giới - những người đã làm việc không ngừng nghỉ để có những phát minh”.
Thứ hai, ông nói Mỹ đã tạo một liên minh toàn cầu của những nước hiểu các thách thức trên. Thông qua các đối tác ở Five Eyes, G7, Đông Nam Á hay Bộ tứ Kim cương, Mỹ đã tạo ra sự thấu hiểu đa phương về “cách thức bảo vệ giao thông tự do và mở với tàu bè, hàng hóa, bảo vệ sự thượng tôn pháp luật”.
“Đó là những điều sẽ tạo ra thịnh vượng cho người dân Đông Nam Á - một hệ thống toàn cầu dựa vào lòng tin, thượng tôn pháp luật và minh bạch... nước Mỹ cam kết theo đuổi điều này”, ngoại trưởng Mỹ lập luận.
Ngoại trưởng Mike Pompeo đứng cạnh Tổng thống Trump tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội ngày 28/2/2019. Ảnh: Hoàng Hà. |
Khi bình luận về chính sách đối ngoại của Mỹ cho châu Phi, ông tiếp tục chỉ trích gay gắt Trung Quốc.
Ông cho rằng khi Trung Quốc viện trợ đồ bảo hộ, có khả năng là không có chất lượng, mà lại đi kèm các mưu tính khác, “có đi có lại”, còn khi Mỹ viện trợ nhân đạo, “chỉ có mục đích đó”.
“Mỹ vẫn là nước đóng góp nhiều viện trợ phát triển nhất trên toàn châu Phi, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm vậy, vì chúng tôi tin rằng giúp người dân châu Phi là chính sách tốt, là điều nên làm”.
Ngoại trưởng Mỹ cáo buộc Trung Quốc có hành vi hối lộ ở các nước châu Phi và các dự án hạ tầng của Trung Quốc không được như cam kết, dù ông không nêu chi tiết gì thêm.
“Khi Trung Quốc làm vậy (viện trợ), thường là để đổi lấy gì đó, thường không phù hợp với sự minh bạch và thượng tôn pháp luật”, ông Pompeo nói.
Quan hệ Mỹ - Trung ngày càng đi xuống
Những chỉ trích trên được ông Pompeo đưa ra trong bối cảnh quan hệ hai bên đang xấu đi.
Mới đây, các quan chức Nhà Trắng trong bức thư ngày 7/7 cảnh báo “bất trắc dâng cao” trong quan hệ giữa Trung Quốc và thế giới, có thể dẫn đến “khả năng trừng phạt hoặc tẩy chay trong tương lai liên quan đến hàng loạt vấn đề, như những sai phạm của Trung Quốc trong việc đại dịch Covid-19 lây lan...”.
Bắc Kinh lại cho rằng Washington đang đổ lỗi cho Bắc Kinh để đánh lạc hướng khỏi những sai lầm của chính Mỹ trong kiểm soát dịch Covid-19. Về vấn đề luật an ninh cho Hong Kong, Bắc Kinh chỉ trích Washington can thiệp vào việc nội bộ của Trung Quốc.
Trước đó, phát biểu tại một diễn đàn ngày 9/7 ở Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vượng Nghị nói quan hệ Trung - Mỹ đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng nhất từ khi thiết lập bang giao năm 1979.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp tại Bắc Kinh hồi năm 2018. Ảnh: Reuters. |
Ngỏ ý muốn đưa quan hệ Mỹ - Trung trở lại đúng hướng, ông Vương Nghị nói Trung Quốc "chưa bao giờ có ý định thách thức hay thay thế Mỹ, cũng như đối đầu toàn diện với Mỹ".
Bài phát biểu được đánh giá là khá ôn hòa, nhưng ông cũng đòi hỏi sự tôn trọng từ Mỹ. Ông nói Mỹ “không nên đòi hỏi một cách phi thực tế rằng Trung Quốc phải thể hiện sự thấu hiểu và ủng hộ Mỹ trong các vấn đề song phương và toàn cầu”.
Việc đối phó với Trung Quốc đang nhận được sự đồng thuận của cả hai đảng ở Mỹ, và đã có một số động thái cụ thể hay dự luật được đưa ra nhằm mục đích này.
Gần nhất, ngày 7/7, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố giới hạn visa đối với các quan chức Trung Quốc được cho là liên quan đến việc giới hạn đi lại các công dân Mỹ, bao gồm nhà ngoại giao, nhà báo và du khách, đến vùng Tây Tạng.
Hôm 2/7, Quốc hội Mỹ thông qua dự luật trừng phạt Trung Quốc vì luật an ninh cho Hong Kong, trừng phạt các nhóm người làm suy yếu quyền tự trị của Hong Kong, như các đơn vị cảnh sát đã đàn áp người biểu tình ở Hong Kong hay các quan chức Trung Quốc ban hành luật an ninh, theo AP.
Cảnh sát bắt giữ một người biểu tình sau khi xịt hơi cay vào họ trong cuộc biểu tình ở vịnh Causeway hôm 1/7 ở Hong Kong. Ảnh: AP. |
Cuối tháng 6, Thượng viện Mỹ thông qua Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương, một nỗ lực tăng cường tài chính cho việc đối phó với Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ đang “cân nhắc” cấm các ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc, như TikTok.