Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tới nơi bị dội bom nguyên tử ở Nhật

Ngoại trưởng John Kerry ngày 11/4 tới khu tưởng niệm các nạn nhân vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima, Nhật Bản, và trở thành quan chức cấp cao đầu tiên của Mỹ đến đây sau 7 thập kỷ.

Theo AP, ông John Kerry cùng ngoại trưởng các nước G7 đã tới Công viên Tưởng niệm Hòa Bình và Bảo tàng lịch sử tại Hiroshima. Khoảng 140.000 người dân thành phố này thiệt mạng khi Mỹ thả quả bom nguyên tử thứ hai xuống đây vào những ngày cuối cùng của Thế chiến II.

Không ý ảm đạm được xua tan bởi sự xuất hiện của khoảng 800 học sinh đứng chào đón tại đài tưởng niệm trong công viên. Họ mang theo những lá cờ của các quốc gia G7, bao gồm quốc kỳ Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ không phát biểu tại buổi lễ mà ôm người đồng cấp Fumio Kishida, một người sinh ra ở Hiroshima, và nói nhỏ với ông. Các ngoại trưởng đeo một chiếc vòng được kết bằng hạc giấy với màu tương ứng của quốc gia họ trên cổ. Ông Kerry đeo vòng màu đỏ, trắng và xanh.

"Người dân trên thế giới nên đến thăm và cảm nhận sức mạnh của đài tưởng niệm này. Đó là sự ảm đạm, khắc nghiệt, nhắc nhở chúng ta không chỉ về nghĩa vụ để kết thúc mối đe dọa của vũ khí hạt nhân mà còn thúc giục tất cả chúng ta nỗ lực không để chiến tranh xảy ra", ông Kerry viết trong sổ lưu niệm của bảo tàng.

"Chiến tranh không phải là giải pháp cuối cùng, cũng không bao giờ là lựa chọn đầu tiên. Đài tưởng niệm này sẽ khiến tất cả chúng ta phải nỗ lực hơn nữa để thay đổi thế giới, tìm sự bình an và xây dựng mà người dân khắp nơi mong muốn", ngoại trưởng Mỹ viết.

Ngoai truong My toi Hiroshima anh 1
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng các ngoại trưởng G7 đặt vòng hoa tưởng niệm tại

 Công viên Tưởng niệm Hòa Bình

ở Hiroshima ngày 11/4. Ảnh: Reuters

Kể từ khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima, chưa một vị tổng thống của Mỹ nào tới đây. 65 năm sau, một đại sứ của Mỹ tới thành phố để tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân được tổ chức hàng năm. Ông Kerry là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tới Hiroshima, đặt vòng hoa tại tượng đài trong công viên sau hơn 7 thập kỷ.

Một quan chức cấp cao của Bộ ngoại giao đi cùng ông Kerry cho biết, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ không nói lời xin lỗi về việc sử dụng vũ khí hạt nhân cũng như sự hủy diệt mà nó gây ra.

"Nếu bạn đang tự hỏi rằng liệu ngoại trưởng đến Hiroshima để nói lời xin lỗi, câu trả lời là không. Nhưng ông Kerry cũng bày tỏ sự chia buồn sâu sắc với những bi kịch đã xảy ra với người dân Nhật Bản", quan chức này nói.

Trước khi chuyến thăm diễn ra, ông Kerry bày tỏ hy vọng sẽ nhấn mạnh với thế giới về tầm quan trọng của hòa bình và việc các quốc gia đồng minh lớn mạnh cần làm việc cùng nhau để giúp thế giới an toàn hơn và thoát khỏi "loại vũ khí hủy diệt hàng loạt".

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, chuyến đi này không phải để nói về quá khứ mà là hiện tại và tương lai và lời nhắc nhở về sứ mệnh mà chúng ta phải thực hiện cho hòa bình của người dân khắp thế giới.

Ngoại trưởng Mỹ đặt hoa tại đài tưởng niệm ở Hiroshima Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng ngoại trưởng các nước G7 đã tới công viên tưởng niệm Hòa Bình, Hiroshima, Nhật đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân trong vụ ném bom nguyên tử năm 1945.

Ông Kerry tới Nhật Bản để tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G7. Sự kiện diễn ra trong hai ngày 10-11/4 với sự tham gia của ngoại trưởng các nước Anh, Pháp, Canada, Đức, Italy và Nhật Bản.

Tại đây, ông Kerry sẽ cùng ngoại trưởng các nước thảo luận về nhiều vấn đề như tình hình Trung Đông, khủng hoảng di cư, Ukraine, khủng bố và các mối lo ngại khác như an ninh hàng hải, tình hình Biển Đông và Triều Tiên.

Washington hy vọng chuyến thăm của ngoại trưởng Kerry sẽ nhấn mạnh lập trường phản đối vũ khí hạt nhân của Tổng thống Barack Obama. 

Chuyến thăm này cũng được coi là có thể mở đường để ông Obama trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên có chuyến công du đến Hiroshima vào tháng 5 tới, khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7. Hội nghị cấp cao G7 sẽ diễn ra tại tỉnh Mie, Nhật Bản trong hai ngày 26 và 27/5.

Hội nghị của G7 diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động phi pháp trên Biển Đông như xây đường băng, hệ thống radar tiên tiến và triển khai tên lửa đất đối không.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 8/4 nhấn mạnh hội nghị G7 sắp tới cần thảo luận về tình hình Biển Đông dù Bắc Kinh liên tục yêu cầu không đưa nội dung này vào chương trình nghị sự.

G7 là tập hợp 7 nước công nghiệp tiên tiến trên thế giới, gồm Nhật Bản, Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức và Italy. Nhóm được thành lập vào năm 1976. G7 sẽ họp vài lần mỗi năm để bàn luận và trao đổi về chính sách kinh tế. G7 nhóm họp lần đầu vào ngày 11/4/2008 ở Washington, D.C. để bàn về cuộc khủng hoảng kinh tế 2007-2008.

Hội nghị cấp cao G7 năm 2016 là lần tổ chức thứ 42, diễn ra vào cuối tháng 5 tại thành phố Shima, do Thủ tướng Abe chủ trì.

Ngoại trưởng Mỹ đến Hiroshima dự hội nghị G7

Ông John Kerry hôm nay dự Hội nghị Ngoại trưởng G7 tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản, và trở thành ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến thành phố bị ném bom nguyên tử năm 1945.

Tống Hoa

Bạn có thể quan tâm