Bà Hillary Clinton. Ảnh: AP |
Tại Trung Quốc, bà Hillary Clinton là nhân vật không xa lạ. Bà có thời gian dài tiếp xúc với quốc gia đông dân nhất thế giới khi còn là đệ nhất phu nhân Mỹ. Năm 1995, Clinton có bài phát biểu sôi nổi về vấn đề nhân quyền tại Hội nghị về nữ giới do Liên Hợp Quốc tổ chức ở Bắc Kinh. Bà tuyên bố “các quyền của phụ nữ cũng là nhân quyền”.
14 năm sau, khi trở thành nữ ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton tự hào khi đề cập về bài phát biểu năm xưa trong cuốn Biên niên Bộ Ngoại giao. Đối với Clinton, sự kiện lần đó khiến bà có "ấn tượng tiêu cực" về Trung Quốc khi họ tỏ thái độ bực bội trước lời phát biểu của bà.
"Chính trị gia Mỹ đáng ghét nhất"
Tờ Thời báo Hoàn cầu từng đăng xã luận cho rằng Clinton "không được chào đón ở Trung Quốc" vào đêm trước khi bà tới Bắc Kinh để tham dự một cuộc họp. Trong một bài báo đặc biệt viết về chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên của Clinton trong vai trò ngoại trưởng Mỹ, tờ Thời báo Hoàn cầu viết rằng, người dùng Internet Trung Quốc coi ứng viên đảng Dân chủ là chính trị gia Mỹ “đáng ghét nhất”.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc từng mô tả Clinton là một phụ nữ “tự cao, không nhã nhặn” và chế nhạo kiểu tóc cùng phong cách ăn mặc của bà. Sima Nan, một bình luận viên truyền hình được ví như Bill O'Reilly của Trung Quốc, còn công khai gọi Clinton là "bà già điên".
Tờ China Daily, nhật báo nhà nước Trung Quốc, từng đả kích bà Clinton bằng cách viết: “Clinton luôn nói giọng cực đoan mà không bao giờ quan tâm tới câu trả lời bà nhận được”. Tờ này tin rằng ông John Kerry, đương kim ngoại trưởng Mỹ, chứ không phải bà Clinton, mới “hiểu được bản chất thực sự của thế giới trong thế kỷ 21”.
Gần đây nhất, một cuộc thăm dò trực tuyến do Thời báo Hoàn cầu thực hiện hồi tháng 3 cho thấy 54% người Trung Quốc thích bầu cho tỷ phú Donald Trump hơn là bà Clinton. Vậy lý do nào khiến Trung Quốc không ưa và sợ cựu ngoại trưởng Mỹ tới vậy?
Hành xử như một luật sư
Truyền thông nhà nước Trung Quốc từng gọi tỷ phú Trump - ứng viên có thể trở thành đối thủ cuối cùng của bà Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng - là một chú hề “to mồm” và “sỗ sàng” đồng thời là "cơn ác mộng tồi tệ nhất" của đảng Cộng hòa. Nhưng trong khi Trump dễ dàng là chủ đề giễu cợt tại Bắc Kinh, Clinton có thể khiến giới lãnh đạo Trung Quốc phải dè chừng nếu bà trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ.
Cựu ngoại trưởng Clinton từng là một luật sư danh tiếng. Ảnh: Washington Free Beacon |
James Mann, tác giả của nhiều cuốn sách về chính sách đối ngoại Trung Quốc và Mỹ, nhận xét, Trung Quốc không ưa Clinton vì hành động theo thiên hướng của một luật sư, thể hiện qua các quy tắc, kinh nghiệm làm việc với Bắc Kinh suốt hàng thập kỷ cùng sự hiểu biết tường tận của bà về chính sách đối ngoại.
Tất cả điều này khiến cựu ngoại trưởng là thách thức đáng gờm hơn mọi ứng viên tổng thống Mỹ khác. “Hillary, bà ấy có cá tính và hiểu chuyện. Trung Quốc cảm thấy khó khăn khi phải đối diện với một luật sư”, CNN dẫn lời ông Mann nhận xét.
Theo ông, bản năng của một luật sư là thiết lập các quy tắc. “Bà ấy không chấp nhận việc coi Trung Quốc là trường hợp đặc biệt mà các nước cần đối xử khác”, ông Mann nhấn mạnh.
Clinton cũng không bao giờ bỏ qua cơ hội công kích Trung Quốc khi tới thăm nước thứ 3, ví dụ như cáo buộc Bắc Kinh thực hiện "chủ nghĩa thực dân mới" khi bà công du châu Phi.
Lập trường cứng rắn về Biển Đông
Tại Diễn đàn ASEAN về vấn đề Biển Đông năm 2010, bà Clinton nhấn mạnh, Washington không tham gia vào vấn đề tranh chấp chủ quyền, nhưng khẳng định Mỹ có lợi ích tại Biển Đông gồm lợi ích quốc gia trong vấn đề tự do hàng hải, cách tiếp cận mở trước các vấn đề chung về hàng hải ở châu Á và tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ khi đó nhấn mạnh, “đường 9 đoạn” nuốt gần trọn Biển Đông mà Trung Quốc vẽ ra là tuyên bố “bất hợp pháp”.
Khi nghe bà Clinton phát biểu, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì lúc bấy giờ nóng mặt và tỏ thái độ giận dữ tới mức vùng vằng rời diễn đàn. Ông này tỏ thái độ lỗ mãng khi nói rằng: “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác đều nhỏ. Đó là sự thật”.
Ngoại trưởng Clinton và người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì trao đổi về Biển Đông trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 5/9/2012. Ảnh: AP |
Theo Diplomat, các nhận định của cựu ngoại trưởng Mỹ về Biển Đông đã tạo tiền đề để vấn đề này liên tục được đề cập tại mỗi cuộc họp ASEAN những năm qua. Trung Quốc từng nhiều lần lớn tiếng nói rằng Diễn đàn ASEAN không phải là nơi thích hợp để bàn về tranh chấp Biển Đông.
Lập trường cứng rắn của bà về Biển Đông khiến nhiều nhà phân tích Trung Quốc kết luận, Clinton chứ không phải ông Obama là “chủ mưu” sau “sự can thiệp” của Mỹ ở Biển Đông.
Trong bài viết về chính sách đối ngoại của Mỹ America’s Pacific Century (Tạm dịch: Thế kỷ Thái Bình Dương của nước Mỹ) năm 2011, bà Clinton vạch rõ phần khung của chiến lược tái cần bằng và thể hiện sự quan tâm đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bắc Kinh cho rằng đây là một nước cờ khó ưa nhằm “kìm hãm” bước tiến Trung Quốc. Từ đó, Bắc Kinh đặc biệt lưu tâm tới nhân vật được coi là "kiến trúc sư" của chiến lược tái cân bằng.
Sự ngờ vực sâu sắc đã tồn tại trong mối quan hệ Mỹ - Trung nhiều năm. Do đó, mọi ứng viên tổng thống, dù ở đảng Dân chủ hay Cộng hòa đều tỏ thái độ cứng rắn đối với Bắc Kinh.
Ví dụ, ứng viên Trump từng tuyên bố sẽ đánh thuế 45% với hàng hóa Trung Quốc nếu trở thành tổng thống Mỹ hay sẽ dùng thương mại làm vũ khí để chống lại Bắc Kinh trước các tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông và thậm chí ông không loại trừ khả năng dẫn tới chiến tranh.
Cứng rắn trong thương mại
Trung Quốc không quá quan tâm tới tuyên bố của bất kỳ ứng viên tổng thống Mỹ nào, nhưng nước này đặc biệt coi Clinton là cái gai trong mắt bởi bà có khả năng đẩy mạnh chiến dịch “cản trở” Trung Quốc. Rõ ràng Bắc Kinh biết chính xác những gì họ sẽ nhận nếu bà Clinton trở thành tổng thống Mỹ.
Cựu ngoại trưởng Clinton ngày 6/4 tuyên bố nếu trở thành tổng thống Mỹ, bà sẽ cứng rắn với các lãnh đạo Trung Quốc trong những vấn đề như tấn công mạng hay thương mại.
“Trung Quốc phá giá bất hợp pháp hàng hóa ở thị trường của chúng ta, đánh cắp bí mật thương mại, chơi trò phá giá đồng tiền, sử dụng chính sách không công bằng, bệnh vực doanh nghiệp Trung Quốc và phân biệt đối xử với doanh nghiệp Mỹ”, AFP dẫn phát biểu của ứng viên đảng Dân chủ trong buổi nói chuyện với các công nhân ở bang Pennsylvania.
Clinton cho biết kinh nghiệm mà bà có khi ở cương vị ngoại trưởng có thể giúp bà đối phó với Trung Quốc. “Tôi sẽ đi đến cùng với các lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc về những vấn đề nóng nhất mà chúng ta đang đối mặt như tấn công mạng, biến đổi khí hậu, thương mại...”, bà nói và cho rằng, Trung Quốc là nước" lạm dụng thương mại toàn cầu" đáng sợ nhất.
Theo nữ chính trị gia 68 tuổi, tổng thống tiếp theo của nước Mỹ phải biết Bắc Kinh đang chơi trò gì và làm cách nào để chặn họ lại. “Tôi biết phải làm như thế nào với Trung Quốc và họ biết rằng nếu tôi làm tổng thống Mỹ, họ sẽ phải chơi đúng luật”, bà Clinton nhấn mạnh.
Hillary Rodham Clinton (68 tuổi) là cựu ngoại trưởng Mỹ từ năm 2009 đến 2013. Trước đó, bà từng là thượng nghị sĩ, đại diện cho tiểu bang New York từ năm 2001 đến 2009.
Bà kết hôn với cựu tổng thống Bill Clinton và trở thành đệ nhất phu nhân từ năm 1993 đến 2001. Năm 2006, bà đứng ở vị trí thứ 18 trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn.
Hillary Clinton sở hữu nhiều cái nhất trên chính trường: đệ nhất phu nhân đầu tiên của nước Mỹ được bầu vào thượng viện hay ngoại trưởng công du nhiều quốc gia nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Tháng 4/2015, bà Clinton chính thức ứng cử tổng thống Mỹ. Nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào cuối năm 2016, Clinton sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.