Theo Reuters, Bộ ngoại giao Mỹ chưa xác nhận thông tin Ngoại trưởng Pompeo đến Triều Tiên. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết ông Pompeo đã điện đàm với người đồng cấp Sushma Swaraj để bày tỏ "sự tiếc nuối và thất vọng sâu sắc" khi Mỹ phải hoãn cuộc gặp ngày 6/7 vì "một số lý do không thể tránh khỏi".
Ông Mike Pompeo có thể sẽ đến Triều Tiên vào tuần sau nhằm thảo luận về kế hoạch phi hạt nhân hóa. Ảnh: AP. |
Financial Times dẫn một số nguồn tin thân cận với ngoại trưởng Mỹ cho biết ông có thể đến Bình Nhưỡng trong tuần sau để thảo luận về kế hoạch phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Một số quan chức thuộc chính phủ Mỹ khẳng định lý do ông Pompeo hủy cuộc gặp với bà Swaraj là để bay đến Bình Nhưỡng.
Đây là lần thứ hai ông Pompeo thăm Triều Tiên trên cương vị ngoại trưởng Mỹ. Hồi đầu tháng 5, ông đến gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un và trở về cùng 3 tù nhân Mỹ bị giam giữ tại Triều Tiên.
Trong buổi điều trần trước Ủy ban Phân bổ Ngân sách Thượng viện hôm 27/6, ngoại trưởng Mỹ tự tin khẳng định Bình Nhưỡng hiểu rõ phạm vi Mỹ mong muốn thực hiện tiến trình phi hạt nhân hóa. Trả lời phỏng vấn của CNN, ông cho biết Mỹ sẽ thường xuyên xem xét sự nghiêm túc của Bình Nhưỡng về việc từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân.
"Tôi sẽ không đặt bất kỳ lộ trình nào cho vấn đề này, dù là 2 tháng hay 6 tháng, chúng tôi cũng cam kết cố gắng đạt được những gì hai nhà lãnh đạo đã thống nhất", ông Pompeo nhắc đến cuộc hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hôm 12/6.
Giới quan sát cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhượng bộ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un quá nhiều. Ảnh: Getty. |
Một ngày sau cuộc hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Donald Trump cho rằng Triều Tiên không còn là hiểm họa hạt nhân. Ngoại trưởng Pompeo cụ thể hóa nhận định này khi khẳng định trước nhiều Thượng nghị sĩ rằng nguy cơ chiến tranh hạt nhân "đã giảm".
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về an ninh quốc gia chỉ trích tuyên bố chung Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un ký kết không nêu rõ cách thức Bình Nhưỡng giao nộp vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, đồng thời cho rằng tổng thống Mỹ đã nhượng bộ quá nhiều, đặc biệt trong việc dừng tập trận chung với Hàn Quốc.