Guardian đưa tin Triều Tiên vẫn tiếp tục nâng cấp lò phản ứng hạt nhân được biết đến của nước này để cung cấp nhiên liệu cho chương trình vũ khí của Triều Tiên. Thông tin này được đưa ra không lâu sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un cam kết hướng đến việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Nhóm quan sát Triều Tiên 38 North phân tích các hình ảnh vệ tinh chụp ngày 21/6 và cho rằng việc nâng cấp cơ sở hạ tầng ở lò phản ứng hạt nhân Yongbyon đang diễn ra "với tốc độ nhanh chóng".
Một ảnh chụp lò phản ứng hạt nhân Yongbyon vào năm 2008 trước khi một tháp làm mát bị phá hủy. Ảnh: Kyodo/Reuters. |
Hệ thống làm mát cho lò phản ứng để sản xuất plutonium đã được điều chỉnh và ít nhất 2 tòa nhà phi công nghiệp đã được xây dựng lên tại đây. Những tòa nhà này được cho nhằm phục vụ các quan chức đến thăm viếng. Một tòa nhà văn phòng cơ khí cũng đã hoàn thành. Việc xây dựng đang tiếp tục đối với các cơ sở phụ trợ trong khu phức hợp Yongbyon.
Dù ông Kim đã hứa sẽ "phi hạt nhân hóa hoàn toàn", chi tiết về cách thức và thời gian biểu cho việc này vẫn chưa được quyết định. Hồi đầu năm nay, ông Kim đã tuyên bố rằng năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng nhằm tấn công Mỹ đã hoàn chỉnh.
"Các hoạt động cải thiện hạ tầng đang tiếp diễn ở Yongbyon", Guardian dẫn lời Jenny Town, thư ký tòa soạn của trang 38 North. "(Điều đó) cho thấy một thỏa thuận thật sự là điều cần thiết, thay vì những tuyên bố với mục tiêu xa vời".
"Việc hoạt động tiếp diễn ở cơ sở Yongbyon không nên được xem xét trong mối tương quan với lời hứa phi hạt nhân hóa của Triều Tiên", các chuyên gia cảnh báo. "Bộ máy hạt nhân của Triều Tiên được kỳ vọng vẫn hoạt động như thường lệ cho đến khi có mệnh lệnh cụ thể từ Bình Nhưỡng".
Về mặt ngoại giao, quan hệ Mỹ - Triều đã cải thiện đáng kể trước và sau hội nghị thượng đỉnh.
Triều Tiên khiến giới phân tích kinh ngạc khi không lên án "sự tàn bạo và man rợ" của Mỹ nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày bắt đầu cuộc chiến giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Ảnh: AFP. |
Trao đổi với Zing.vn, các chuyên gia có quan điểm khá trái ngược về tuyên bố chung Mỹ - Triều. Giáo sư Trương Bảo Huy, Đại học Lĩnh Nam (Hong Kong, Trung Quốc) nói rằng tài liệu vừa được ký là một cam kết "khá mơ hồ" và ông Kim đã tránh được việc phải hứa một "hạn chót" cho việc phi hạt nhân hóa.
"Sẽ có thêm nhiều cuộc thảo luận ở cấp bộ ngoại giao 2 nước về việc này. Nhưng liệu họ có thể đạt được một thỏa thuận vững chắc về việc phi hạt nhân hóa hay không còn phải chờ xem. Thỏa thuận năm 1993 cung cấp hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên. Nhưng điều khác là Triều Tiên bây giờ đã là một quốc gia hạt nhân", ông Trương nói.
Tuy nhiên, ông Trương cũng cho rằng "phản ứng hóa học" giữa Trump và Kim là khá tốt và có thể quan hệ song phương sẽ cải thiện sau sự kiện này.
Trong khi đó, chuyên gia Lim Tai Wei tại Viện nghiên cứu Đông Á (thuộc Đại học Quốc gia Singapore) cho rằng dù con đường phía trước là dài và khó khăn, việc 2 nhà lãnh đạo gặp nhau đã là một thành công. Sau những nỗ lực chính trị như hiện tại, việc phi hạt nhân hóa cũng phải trở nên kỹ thuật hơn và các chuyên gia sẽ thay thế các chính trị gia trong việc áp dụng các biện pháp phi hạt nhân hóa.